✴️ Gánh nặng bệnh lý tim mạch trên thế giới và Việt Nam

BỆNH LÝ TIM MẠCH VÀ MÔ HÌNH BỆNH TẬT TOÀN CẦU

Ngày nay, bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở hầu hết các nước trên thế giới và ở Việt Nam. Trước năm 1900, bệnh lý nhiễm trùng và suy dinh dưỡng là nguyên nhân gây tử vong chính, trong khi chết do tim mạch chỉ khoảng dưới 10% các nguyên nhân gây tử vong. Tuy nhiên, đến những năm đầu thế kỷ 21, tử vong do tim mạch ước tính khoảng 17,9 triệu người trên toàn thế giới và chiếm 33% nguyên nhân gây tử vong. Điều đáng lo ngại là tổng số chết do các bệnh tim mạch vẫn tiếp tục gia tăng nhanh chóng và chiếm tỷ lệ cao ở các nước đang phát triển có thu nhập trung bình - thấp.

Các giai đoạn chuyển dịch mô hình bệnh tật toàn cầu

Sự gia tăng nhanh chóng của bệnh tim mạch (CVD) đã xảy ra một cách không thể lường trước được trong thế kỷ XX. Bệnh tim mạch được coi như một “đại dịch”, là hậu quả của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và thay đổi lối sống một cách nhanh chóng xảy ra tại tất cả các khu vực, chủng tộc, vùng văn hóa trên toàn thế giới.

Có thể phân chia các giai đoạn của sự chuyển dịch mô hình bệnh tật làm các giai đoạn theo SJ Olshansky như sau:

Giai đoạn các bệnh dịch lây nhiễm (dịch hạch...) và suy dinh dưỡng :

Diễn ra từ trước cho đến những năm đầu thế kỷ XX. Mô hình bệnh tật chủ yếu liên quan đến các bệnh thiếu dinh dưỡng và nhiễm trùng. Giai đoạn này, tỷ lệ tử vong rất cao ở trẻ sơ sinh và trẻ em; các bệnh như lao, dịch tả, dịch hạch, bạch hầu...khiến tuổi thọ trung bình thời đó chỉ là 30. Bệnh tim mạch chỉ chiếm khoảng dưới 10% tử vong và chủ yếu liên quan đến bệnh thấp tim và bệnh cơ tim do thiếu dinh dưỡng.

Giai đoạn thoái lui các bệnh dịch toàn cầu :

Ở giai đoạn này, mức sống đã được cải thiện, điều kiện vệ sinh môi trường tốt hơn, nguồn nước và thực phẩm sạch hơn, hệ thống chăm sóc y tế tốt hơn. đã khiến tuổi thọ được cải thiện đáng kể, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ em giảm đáng kể. Giai đoạn này, tử vong do bệnh tim mạch đã gia tăng, chiếm tỷ lệ trong khoảng 10 - 35% tử vong chung. Bệnh lý van tim vẫn tồn tại, bên cạnh đó tăng huyết áp, bệnh động mạch vành và đột quỵ não là những nguyên nhân gây tử vong chính. Hiện tại trên thế giới, vẫn có khoảng 30 - 40% dân số nằm trong giai đoạn này.

Giai đoạn các bệnh thoái hóa và bệnh gây ra bởi con người :

Là giai đoạn mà các bệnh lý không lây nhiễm (NCD) thống trị, trong đó bệnh tim mạch chiếm tỷ lệ cao nhất . Các bệnh nhiễm trùng và suy dinh dưỡng đã thoái lui đáng kể. Lượng calo tiêu thụ từ thực phẩm (động vật và thực vật) tăng mạnh. Tử vong do tim mạch chiếm từ 35 - 65%, trong đó bệnh động mạch vành và đột quỵ não là nguyên nhân chủ yếu. Tỷ lệ tử vong do bệnh động mạch vành so với đột quỵ não ở tỷ lệ 2:1 đến 3:1. Trong giai đoạn này tuổi thọ trung bình khoảng 50 và khoảng 35 - 40% dân số hiện nay trên thế giới đang trong giai đoạn này.

Giai đoạn kéo dài các bệnh thoái hóa :

Bệnh tim mạch và ung thư vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế. Bệnh tim mạch chiếm 40% nguyên nhân gây tử vong. Tuy vậy, tử vong hiệu chỉnh theo tuổi do tim mạch đã giảm nhờ các chiến dịch phòng bệnh đã được đẩy mạnh (ví dụ: Giảm hút thuốc lá, các chương trình phòng chống tăng huyết áp, đái tháo đường.); bên cạnh đó, việc điều trị nội trú và các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhanh chóng đã mang lại hiệu quả đáng kể.

Bệnh động mạch vành, đột quỵ não và suy tim là những bệnh tim mạch chính. Hiện có khoảng 15% dân số thế giới trong giai đoạn này.

Giai đoạn bệnh tật liên quan béo phì và ít vận động thể lực :

Giai đoạn này diễn ra trong bối cảnh thế giới công nghiệp hóa, hoạt động thể lực giảm và lượng calo tiêu thụ tăng. Kết quả là “đại dịch” béo phì - dấu hiệu cảnh báo loài người đã rơi vào giai đoạn này. Tỷ lệ bệnh đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu tăng mạnh và xu hướng trẻ hóa kể cả ở trẻ em. Đây là giai đoạn đã xảy ra ở một số quần thể và dự báo xu hướng gia tăng trong tương lai.

Mô hình bệnh tật theo các khu vực

Tại các khu vực, quần thể khác nhau, mô hình bệnh tật cũng có sự khác biệt.

Với các nước thu nhập cao, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch đã giảm đáng kể tới 50 - 60% trong 60 năm qua, trong khi đó tử vong do tim mạch lại tăng tới 20% trong vòng 20 năm qua với các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Với các nước phát triển như Hoa Kỳ và Tây Âu:

Những năm 1900 là kỷ nguyên các bệnh dịch nhiễm trùng và suy dinh dưỡng, đến những năm 1930 đã chuyển giai đoạn tiếp theo với sự phát triển công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng, tử vong do tim mạch đã chiếm 390 trên 100 nghìn dân. Tới những năm 1903 đến 1965, mô hình bệnh tật chuyển giai đoạn bệnh thoái hóa và do con người gây ra; tỷ lệ tử vong do tim mạch giai đoạn này đạt đỉnh mọi thời đại. Giai đoạn tiếp theo (trì hoãn bệnh thoái hóa): Diễn ra trong giai đoạn 1965 đến 2000. Những tiến bộ trong điều trị, phòng bệnh, các chiến dịch cổ vũ sức khỏe, thay đổi lối sống đã làm giảm đáng kể tử vong do bệnh tim mạch (hiệu chỉnh theo tuổi) và làm muộn hơn xuất hiện bệnh tim mạch theo tuổi. Mức độ giảm tử vong (hiệu chỉnh theo tuổi) do bệnh tim mạch đã giảm 3% mỗi năm từ năm 1970 đến những năm 1980 và giảm khoảng 2% trong những năm 1990 và từ đầu những năm 2000 lại tiếp tục giảm khoảng 3 - 4%. Đây là những tín hiệu rất tốt và là bài học cho các nước đang phát triển.

Tuy vậy, một xu thể đáng lo ngại là các nước này đã sang giai đoạn mới là gia tăng béo phì và ít vận động thể lực.

Các nước thu nhập trung bình và thu nhập thấp

(thu nhập trung bình dưới 12.625 USD hàng năm) có mô hình trái ngược với các nước thu nhập cao, phụ thuộc nhiều vào khác biệt văn hóa, trình độ đáp ứng của mỗi nước về nền y tế và hạ tầng cơ sở. Tại các nước này, các bệnh lây nhiễm vẫn còn tồn tại, tuy nhiên bệnh tim mạch đã gia tăng rất nhanh chóng. Khu vực này chiếm đến 85% dân số toàn cầu, dẫn tới bộ mặt bệnh tim mạch thay đổi nhanh chóng những năm qua. Tại hầu hết các nước trong nhóm này, tỷ trọng thành thị/nông thôn thay đổi nhanh, tỷ lệ bệnh động mạch vành và đột quỵ não, tăng huyết áp tăng cao ở thành thị, tỷ lệ tử vong cũng khác nhau giữa các nước trong cùng nhóm và giữa các vùng trong một nước.

Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương:

Là khu vực có sự thay đổi nhanh chóng nhất về mô hình bệnh tật. Các nước trong khu vực này đã tiến vào giai đoạn 3 với tỷ lệ tử vong do tim mạch đã lên hàng đầu, trong đó có Việt Nam.

Khu vực Trung Đông và Bắc Phi

Cũng đã bắt đầu tiến vào giai đoạn 3 của mô hình dịch chuyển bệnh tật toàn cầu Nhìn chung, các nước Mỹ La Tinh, cũng đang ở giai đoạn 3. Các nước Đông Âu và Trung Á đang ở giai đoạn đỉnh điểm của giai đoạn 3 với tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch cao nhất trên thế giới (chiếm 66%). Một vấn đề quan trọng là tử vong do bệnh động mạch vành không chỉ gặp ở người có tuổi ở các nước này mà còn ảnh hưởng đáng kể tới nguồn nhân lực đang trong độ tuổi lao động.

 

THÔNG ĐIỆP CỦA TỔ CHỨC Y TẾ THẾ GIỚI (WHO) NĂM 2016:

Bệnh tim mạch hiện đã trở thành nguyên nhân mắc bệnh và tử vong hàng đầu. Hằng năm có khoảng 17,9 triệu người chết do bệnh tim mạch, chiếm 31% tổng số tử vong, trong đó có tới 85% chết do nguyên nhân bệnh ĐMV hoặc đột quỵ não.

Có 75% số tử vong do tim mạch xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp.

Có đến 17 triệu người dưới 70 tuổi chết liên quan đến bệnh không lây nhiễm, trong đó có 82% ở các nước có thu nhập thấp và trung bình-thấp và 37% là do nguyên nhân bệnh tim mạch.

Hầu hết các bệnh tim mạch hiện nay có thể phòng ngừa được một cách hiệu quả thông qua việc điều chỉnh lối sống có hại cho sức khỏe như bỏ hút thuốc lá, chế độ ăn lành mạnh, tăng cường tập luyện thể lực và không lạm dụng rượu bia.

Người đã bị bệnh tim mạch hoặc nguy cơ cao bị bệnh tim mạch (khi có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid) cần được đánh giá sớm và thực hiện các biện pháp phòng bệnh và dùng thuốc phù hợp.

Bệnh động mạch vành (CHD) đã chiếm tới 14% tử vong toàn cầu và là nguyên nhân chính làm giảm số năm sống còn (YLLs) và số năm sống trong bệnh tật hiệu chỉnh (DALYs). Nguyên nhân thứ hai dẫn tới tử vong là đột quỵ não chiếm tới 11,1% và đứng hàng thứ ba của YLLs và DALYs. Khi gộp lại, hai nguyên nhân trên chiếm tới V số tử vong chung toàn cầu. Đáng chú ý, đột quỵ não có xu hướng gia tăng mạnh ở các nước có thu nhập thấp - trung bình. Theo ước tính của WHO, đến năm 2030, tổng số tử vong do đột quỵ não tăng lên đến 30% và chủ yếu ở các nước thu nhập thấp trung bình.

Cũng theo WHO, tử vong do tim mạch ở các nước thu nhập thấp - trung bình gia tăng nhanh, năm 2010 có 10 triệu trường hợp tử vong do tim mạch tại các nước trên so với 5 triệu ở các nước có thu nhập cao. Tốc độ tử vong do bệnh tim mạch tăng 31% từ năm 1990 đến 2010, tuy nhiên, tử vong hiệu chỉnh theo tuổi lại giảm được 21,2% Sự thay đổi mô hình bệnh tật phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Điều kiện xã hội, kinh tế, chính trị, nhập cư...

Nếu không kể đến sự tăng thêm của các yếu tố nguy cơ khác, hầu hết các nước trong đó đặc biệt là Ấn Độ và Nam Phi, sẽ có một số lượng lớn người chết do bệnh tim mạch ở tuổi trung niên (35 - 64 tuổi). Tại Trung Quốc, ước tính có đến 9 triệu người tử vong do bệnh tim mạch vào năm 2030 so với 2,4 triệu tử vong trong năm 2002 và một nửa xảy ra ở lứa tuổi trung niên từ 35 - 64 tuổi.

Nghiên cứu mô hình bệnh tật toàn cầu năm 2017 (Lancet) đã mô tả rõ hơn về nguyên nhân gây tử vong của bệnh lý tim mạch hiện nay trên toàn cầu (Hình 1.1).

Hình 1.1: Các nguyên nhân gây tử vong năm 2017

(Nguồn: Global health data 2017 http://ghdx.healthdata.org/)

 

Chú thích: ILD (Interstitial Lung Disease): Bệnh phổi kẽ, PAD(Peripheral Artery Disease): Bệnh động mạch ngoại biên, COPD (Chronic obstructive pulmonary disease): Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, HIV (Human immunodeficiency virus): Virus gây suy giảm miễn dịch ở người, LRI: lower respiratory infections

 

GÁNH NẶNG BỆNH TIM MẠCH Ở VIỆT NAM

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016, Việt Nam thuộc nước thu nhập thấp - trung bình với các thông số:

Dân số năm 2016 là 94.569. 000 người (năm 2019 là 97.607.146).

Tổng thu nhập quốc dân tính trên đầu người (PPP $, 2013): 5.030 USD.

Tuổi thọ trung bình (ước tính lúc sinh 2016): 72/81 (cho nam/nữ).

Ước tính khả năng tử vong độ tuổi dưới 5 (trên 1000 trẻ sống lúc sinh 21.

Ước tính khả năng tử vong trong độ tuổi từ 15 - 60 (tính trên 1000 dân, 2016): 182/66 (nam/nữ).

Tổng chi phí cho chữa bệnh tính trên đầu dân là 390 USD.

Tỷ lệ tổng chi phí chăm sóc sức khỏe tính trên tổng thu nhập quốc nội là 7,1%.

Cũng theo báo cáo của WHO (Hình 1.2), trong đó các bệnh không lây nhiễm (NCD) đã trở thành nguyên nhân của 77% tử vong; tử vong do tim mạch chiếm 31%; tiếp theo là ung thư (19%) và các bệnh không lây nhiễm khác chiếm 18%. Các bệnh lây nhiễm, tử vong sơ sinh và suy dinh dưỡng chỉ còn chiếm 11% ngang với tử vong do tai nạn chấn thương.

Hình 1.2: Sơ đồ các nguyên nhân gây tử vong tại Việt Nam (WHO 2016)

Theo báo cáo của chương trình GBD (Global Burden of Disease) 2017 cho thấy (hình 1.3):

Mô hình bệnh tật tại Việt Nam đã thay đổi rất nhanh trong vài thập kỷ vừa qua. Rõ ràng Việt Nam đã bước vào giai đoạn 3 của mô hình bệnh tật và các bệnh không lây nhiễm gia tăng rất nhanh chóng.

Bên cạnh các bệnh không lây nhiễm, các bệnh tim mạch liên quan đến nhiễm trùng vẫn chiếm một tỷ lệ nhất định, khiến cho mô hình bệnh tim mạch ở Việt Nam khá đa dạng và phức tạp.

Hình 1.3: Thay đổi mô hình bệnh tật tại Việt Nam tính từ năm 1990 đến 2017 ( Nguồn GBD 2017)

Như vậy, có thể nói, bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân gây tử vong và mắc bệnh hàng đầu ở Việt Nam và vẫn đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Trong số đó, các bệnh tim mạch không lây nhiễm liên quan đến sự thay đổi đời sống xã hội theo hướng công nghiệp hóa và đô thị hóa đang gia tăng mạnh.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch cũng tăng nhanh chóng.

Theo nghiên cứu của Viện Tim Mạch Việt Nam, từ những năm 1980 đến 2017, số bệnh nhân bị THA đã gia tăng với mức ước tính trung bình xấp xỉ 1% mỗi năm (năm 1980 là khoảng 10% thì đến năm 2015 là trên 40% người trên 25 tuổi có THA). Điều đáng lo ngại là số người THA mà không biết bị THA cũng đáng kể với khoảng 50% và số người THA được kiểm soát (điều trị, thay đổi lối sống) tốt huyết áp cũng chỉ đạt khoảng 1/3. Mặc dù thực tế đã được cải thiện hơn về số người được phát hiện THA cũng như được điều trị so với trước đây, tuy nhiên, con số này vẫn rất thấp đáng lo ngại.

Hình 1.4: Xu hướng tăng huyết áp tại Việt Nam

Tỷ lệ đái tháo đường type 2 cũng tăng đáng kể theo thời gian: Năm 2002 có 2,7% số người lớn bị đái tháo đường type 2 thì năm 2007 có 5,4% và năm 2015 có tới xấp xỉ 10%. Đáng chú ý là có tới 65% số người bị đái tháo đường hoàn toàn không biết mình bị đái tháo đường.

 

CÁC BỆNH LÝ TIM MẠCH THƯỜNG GẶP

Theo WHO, bệnh tim mạch là bao gồm tập hợp các bệnh lý ảnh hưởng đến tim và các mạch máu. Các bệnh lý tim mạch thường gặp bao gồm:

Bệnh động mạch vành

Bệnh động mạch não

Bệnh lý động mạch chủ

Bệnh mạch máu ngoại biên

Bệnh van tim do thấp

Bệnh tim bẩm sinh

Rối loạn nhịp tim

Các bệnh tim liên quan đến nhiễm trùng, dinh dưỡng, tự miễn...

Hiện nay, bệnh bệnh động mạch vành và đột quỵ não đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu (Bảng 1.1).

Bảng 1.1: Các nguyên nhân tử vong chính do bệnh tim mạch 2013

(Roth GA, Huffman MD2, Moran AE, et al: Global and regional patterns in cardiovascular mortality from 1990 to 2013, Circulation. 2015 Oct 27;132(17):1667-1678)

 

CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ GÂY BỆNH TIM MẠCH

Sự khác biệt về mô hình bệnh tim mạch trên thế giới có liên quan đến các các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch. Yếu tố nguy cơ (YTNC) gây bệnh bao gồm 2 nhóm chính: Nhóm liên quan đến hành vi và nhóm liên quan các bệnh chuyển hóa.

Yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch là các yếu tố đã được chứng minh có liên quan chặt chẽ với tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh tim mạch. Những nghiên cứu cho thấy, các bệnh tim mạch thường gặp liên quan đến các yếu tố nguy cơ mang tính hành vi là hút thuốc lá, chế độ ăn và lười vận động thể lực. Điểm đặc biệt là, các YTNC thường đi thành chùm và thúc đẩy nhau theo cấp số nhân dẫn đến khả năng bị bệnh và bị bệnh sớm.

Cũng theo báo cáo về gánh nặng bệnh tật toàn cầu 2017, các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch thường gặp, trong đó đứng đầu bảng là nguyên nhân ăn uống không hợp lý (Hình 1.5).

Hình 1.5. Các yếu tố nguy cơ liên quan đến tử vong

(Nguồn: Global health data 2017 http://ghdx.healthdata.org/)

Các yếu tố nguy cơ về hành vi thói quen

Hút thuốc lá (và các chế phẩm tương tự)

Có trên 1,3 triệu người trên thế giới đang hút thuốc lá, con số này có thể tăng lên 1,6 triệu vào năm 2013. Hút thuốc lá có liên quan đến cái chết của khoảng 5 triệu người (chiếm 9% tử vong chung), trong số đó có khoảng 1,6 triệu người chết liên quan đến bệnh tim mạch. Nếu vẫn tiếp tục theo xu hướng này, sẽ có khoảng 10 triệu người tử vong vào năm 2030 liên quan đến hút thuốc lá. Có sự chuyển dịch tỷ lệ hút thuốc lá tại các khu vực. Trước đây, hút thuốc lá chiếm tỷ lệ cao ở các nước thu nhập cao thì nay tỷ lệ lại cao ở các nước có thu nhập thấp - trung bình. Đặc biệt, tỷ lệ này rất cao ở các nước Đông Á và Thái Bình Dương, nơi mà việc tiếp cận thuốc lá và các chế phẩm khá dễ dàng do giá thành thấp và luật còn chưa chặt chẽ. Tại Châu Á, cũng tồn tại nhiều dạng của thuốc lá (như thuốc lào, nhai trầu thuốc...) khiến cho việc kiểm soát càng khó khăn, thách thức. Vấn đề hút thuốc lá bị động cũng rất đáng báo động, việc này cũng đã được chứng minh gây ra cái chết của khoảng 600.000 người (không hút mà hít khói bị động). Việc cai thuốc, bỏ thuốc bất kể thời điểm nào cũng đều mang lại lợi ích đáng kể.

Chế độ ăn

Tổng lượng tiêu thụ calo trên đầu người đã tăng đáng kể cùng với sự tiến bộ của xã hội và mức sống. Tuy nhiên, sự tiêu thụ quá mức calo với các thực phẩm nhiều mỡ động vật, nhiều tinh bột, nhiều đồ chế biến sẵn. dẫn đền nguy cơ tăng sinh xơ vữa động mạch và thúc đẩy các nguy cơ tim mạch khác (như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid.). Chất béo chiếm dưới 20% lượng calo tại các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, dưới 30% tại Nhật Bản nhưng trên 30% ở Hoa Kỳ.

Trong khi xu thế khẩu phần ăn về chất béo bão hòa có xu hướng giảm đáng kể ở các nước thu nhập cao thì lại có xu hướng tăng nhanh chóng ở các nước thu nhập thấp - trung bình. Bên cạnh đó, tại các nước này, lượng tinh bột vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong khẩu phần. Điều này, khiến cho mô hình bệnh tật cũng đã thay đổi nhanh theo khu vực.

Vai trò của chế độ ăn với các bệnh lý tim mạch đã được chứng minh rõ. Chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension), Địa Trung Hải với tăng cường rau, củ quả, các hạt, cá; hạn chế mỡ béo no, tinh bột, đồ ngọt, thịt động vật màu đỏ, giảm mặn... đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc THA và các bệnh lý tim mạch. Nghiên cứu PURE (2019) đã chỉ ra rõ thang điểm dinh dưỡng với các nguy cơ bệnh tim mạch.

Vấn đề giảm muối trong khẩu phần là rất quan trọng. Hướng dẫn của các hiệp hội tim mạch lớn (ESC, ACC/AHA) hiện nay khuyến cáo nên duy trì chế độ ăn dưới 5 g muối mỗi ngày.

Vấn đề uống rượu bia cũng đã được khuyến cáo rõ: Việc lạm dụng rượu bia làm gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Nên sử dụng rượu bia đúng mức nếu có thói quen này.

Ít vận động thể lực

Sự thay đổi đời sống xã hội hiện đại đã dẫn đến thay đổi trong sự vận động thể lực của con người. Lối sống thay đổi từ trạng thái vận động nhiều vì các công việc cần hoạt động trong nông nghiệp, công nghiệp truyền thống nay đã sang lối sống tĩnh tại nhiều hơn với các phương tiện giao thông đầy đủ, ngồi bàn giấy, giải trí điện tử.

Ngay tại Hoa Kỳ có tới 1/4 dân số không tham gia bất kỳ tập luyện thể dục nào, chỉ có một nửa người lớn là có tập thể dục ít nhất 3 lần/tuần. Tại các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam), với phương tiện đi lại cơ giới hóa, công việc tĩnh tại nhiều (ngay cả trong các khu công nghiệp), phong trào tập thể dục còn hạn chế. lối sống tĩnh tại đang ngày một phát triển và là nguy cơ dẫn tới các bệnh lý tim mạch và các nguy cơ tim mạch khác một cách rõ rệt.

Hiện các nghiên cứu đã chứng minh rất rõ về lợi ích của vận động thể lực trong việc làm giảm các nguy cơ tim mạch khác cũng như các bệnh lý tim mạch.

Các yếu tố nguy cơ tim mạch liên quan chuyển hóa

Rối loạn lipid máu

Trên toàn thế giới, tăng cholesterol máu được ước tính liên quan đến các biến cố bệnh ĐMV và đột quỵ não lần lượt là 56% và 18%; dẫn đến 4,4 triệu người chết hàng năm vì 2 bệnh này.

Thực tế, lượng cholesterol huyết thanh đã tăng ở các nước đang chuyển dạng mô hình bệnh tật sang giai đoạn bệnh do thoái hóa. Tuy nhiên một số nước thu nhập cao, lượng cholesterol trung bình lại có xu hướng giảm. Do vậy tính chung toàn cầu, lượng cholesterol huyết thanh kể từ năm 1980 đến năm 2017 đã giảm với mức khoảng 0,08 mmol/L mỗi thập kỷ với nam giới và 0,07 mmol/L với nữ giới. Các nước có xu hướng giảm mạnh nhất là Australia, Bắc Mỹ, Tây Âu với mức giảm được lên tới (0,19¬0,21 mmol/L). Trái lại, tại các nước Đông Á và Thái Bình dương, mức này lại tăng hơn 0,08 mmol/L cả nam giới và nữ giới.

Sự thay đổi của cả xã hội và mỗi cá nhân do quá trình đô thị hóa chắc chắn liên quan đến tăng cholesterol bởi nồng độ này có xu hướng cao hơn ở vùng đô thị so với nông thôn. Sự thay đổi này chắc chắn bị ảnh hưởng của việc thay đổi chế độ ăn uống với nhiều thực phẩm nguồn gốc từ động vật và các món ăn chế biến sẵn bên cạnh sự giảm vận động thể lực đáng kể.

Tại các nước thu nhập thấp và trung bình, tăng cholesterol rất khác nhau giữa các nước, các quần thể dân cư.

Tăng huyết áp

Tăng huyết áp (THA) là một chỉ dấu rất sớm của sự thay đổi mô hình bệnh tật.

Trên toàn thế giới, THA là thủ phạm hàng đầu liên quan đến đột quỵ não (trên 60%) và bệnh ĐMV (trên 50%) và tổng số tử vong có liên quan đến THA hàng năm ước tính khoảng 10 triệu người.

Vấn đề đáng chú ý là ngưỡng chẩn đoán THA đã thay đổi, bởi nhiều biến cố vẫn xảy ra với những người có con số huyết áp dưới 140 mmHg (tâm thu). Hiện nay, ngưỡng và đích điều trị THA đã giảm đáng kể, đặc biệt tại Hoa Kỳ, chẩn đoán là THA khi số huyết áp từ 130/80 mmHg.

Vấn đề đáng báo động là tại các nước thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ THA tăng dần đều theo các năm và khác nhau giữa các khu vực, cộng đồng. Tỷ lệ được phát hiện THA còn thấp (ước tính 50%) và đặc biệt số người được kiểm soát tốt huyết áp cũng rất thấp (từ 15 - 30%). Các nước thu nhập cao, số bệnh nhân THA tích lũy nhiều, tuy vậy, tỷ lệ được kiểm soát THA đã tăng lên và mức huyết áp trung bình đã giảm theo thời gian.

Tại các nước Châu Á, tỷ lệ phát hiện THA còn thấp cũng như kiểm soát kém có thể lý giải về nguyên nhân còn nhiều bệnh nhân bị đột quỵ thiếu máu não và xuất huyết não còn nhiều. Tốc độ THA thậm chí ở một số nước đang phát triển có thể tới 0,5 đến 1,0 mmHg mỗi năm.

Tính chung toàn thế giới, từ năm 1998 đến nay, số huyết áp có xu hướng giảm trung bình 0,8 mmHg trong một thập kỷ với nam và 1,0 mmHg với nữ.

Béo phì

Thực tế, nguy cơ béo phì với bệnh ĐMV đã được nêu rõ, tuy nhiên, béo phì còn ảnh hưởng tới các bệnh tim mạch thông qua việc thúc đẩy các yếu tố nguy cơ khác như THA, đái tháo đường, rối loạn lipid máu... Theo báo cáo mới nhất của GBD (chương trình nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu) thì có khoảng 1,46 tỷ người thừa cân/béo phì (vào năm 2008). Tuy nhiên tốc độ gia tăng cân nặng đang tiến triển nhanh trên toàn cầu. Từ 1975 đến 2014, tỷ lệ béo phì đã tăng từ 3,2% lên 10,5% vào năm 2014 ở nam và từ 6,4% đến 14,9%.

Chỉ số khối cơ thể BMI hiệu chỉnh theo giới cũng đã tăng đáng kể từ 21,7 lên 24,2 kg/m2 ở nam và từ 22,1 lên 24,4 kg/m2 ở nữ trong thời gian đó. Tỷ lệ thừa cân/béo phì đã tăng trong khoảng năm 1980 đến 2013, là từ 28,8% (95% UI, 28,4% - 29,3%) lên 36,9% (95% UI, 36,3% - 37,4%) ở nam và từ 29,8% (95% UI, 29,3% - 30,2%) lên 38,0% (95% UI, 37,5% - 38,5%) ở nữ.

Thừa cân/béo phì đã tăng trên toàn thế giới nhưng đáng lo ngại là tốc độ tăng rất nhanh ở các nước có thu nhập thấp và trung bình và có xu hướng trẻ hóa. Vào năm 2015 có tới 107,7 triệu trẻ em và vị thành niên béo phì và 603,7 triệu người lớn béo phì (theo tiêu chuẩn BMI > 29 kg/m²).

Đái tháo đường

Vừa là hậu quả, vừa là bệnh đồng mắc cùng với tăng cân béo phì và ít vận động thể lực nói trên, tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường type 2 đã gia tăng nhanh chóng. Cũng theo báo cáo của GBD năm 2017:

Tỷ lệ đái tháo đường đã tăng tới 119,1% ở nam và 106,1% ở nữ tính từ năm 1990 đến năm 2016. Trong đó có 198,7 triệu nam giới và 184,7 nữ giới mắc đái tháo đường trên toàn thế giới năm 2016.

Tỷ lệ tử vong liên quan đến mức đường huyết lúc đói thấp nhất ở các nước Tây Âu, Australia và New Zealand. Tỷ lệ tử vong liên quan đến mức đường huyết lúc đói cao hơn ở các nước Tây Thái Bình Dương, Nam Á, sa mạc Sahara Châu Phi, Bắc và Trung Phi và Trung Mỹ và các nước Mỹ La Tinh.

Tỷ lệ mắc đái tháo đường cao nhất ở vùng đảo trên Thái Bình Dương, Trung Mỹ và các nước Bắc/Trung Phi. Các nước Nam Á và Đông Nam Á là những nơi có tỷ lệ đái tháo đường gia tăng nhanh nhất.

Gánh nặng chi phí cho đái tháo đường ước tính 1,3 nghìn tỷ USD năm 2015 và tăng lên đến 2,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

 

TÓM TẮT

Trước những thay đổi nhanh chóng của mô hình bệnh tật đòi hỏi các thầy thuốc cần cập nhật, có tầm nhìn cũng như chiến lược để chủ động trong việc tiếp cận vấn đề. Bài học của các nước đã phát triển cho thấy, bệnh tim mạch có thể hoàn toàn chủ động phòng ngừa được khi chúng ta đã hiểu rõ bản chất, cơ chế, các yếu tố nguy cơ gây bệnh và thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả. Những tiến bộ xã hội, nhận thức của cả thầy thuốc và cộng đồng được cải thiện, các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đặc biệt là các chính sách y tế tiến bộ là một tập hợp tổng thể quyết định việc ngăn ngừa “đại dịch” bệnh tim mạch.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO): http://apps.who.int/gho/data/node.country.country-VNM

- Báo cáo về gánh nặng bệnh tật toàn cầu: Global health data 2017 http://ghdx.healthdata.org/

- Heart Disease and Stroke Statistics - 2019 Update: A Report From the American Heart Association. Circulation. 2019;139:e56-e528

- SJ Olshansky, AB Adult: Milbank Q 64:355, 1986 Nguyễn Ngọc Quang et al:

https://www.researchgate.net/publication/230716370_Time_Trends_in_Blood_Press ure_Body_Mass_Index_and_Smoking_i n_the_Vietnamese_Population_A_MetaAnalysis_from_Multiple_Cross-Sectional_Surveys

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top