✴️ Tìm hiểu về các triệu chứng mất ngủ kéo dài

Nội dung

1. Bệnh mất ngủ kéo dài là gì?

Mất ngủ kéo dài là tình trạng người bệnh thường xuyên rơi vào trạng thái mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, dễ tỉnh giấc và rất khó để ngủ lại. Hiện tượng này sẽ diễn ra với tần suất ít nhất 3 lần mỗi tuần, xảy ra liên tiếp trong nhiều tháng và chất lượng giấc ngủ không có dấu hiệu cải thiện.

Tình trạng mất ngủ kéo dài có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Khi mắc bệnh này, người bệnh luôn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, làm ảnh hưởng không nhỏ tới tâm sinh lý, công việc cũng như chất lượng cuộc sống.

Mất ngủ kéo dài là tình trạng mất ngủ, khó ngủ liên tiếp trong nhiều tháng

 

2. Triệu chứng thường gặp của bệnh mất ngủ kéo dài

Ở mỗi trường hợp bệnh nhân, mất ngủ kéo dài sẽ biểu hiện ở các triệu chứng lâm sàng khác nhau. Tuy nhiên, người bệnh có thể nhận biết và phát hiện tình trạng mất ngủ kéo dài thông qua một số triệu chứng sau:

2.1 Đau đầu là một trong những triệu chứng mất ngủ kéo dài

Tình trạng đau đầu thường xuất hiện cùng với mất ngủ kéo dài như một hệ quả của bệnh. Nguyên nhân gây đau đầu là do các tế bào thần kinh không được cung cấp đủ máu, dẫn tới căng thẳng thần kinh. Bên cạnh đó, đau đầu thường xuất hiện vào ban đêm và càng làm cho bệnh mất ngủ diễn biến nghiêm trọng hơn. Thậm chí, nhiều người còn có thể trải qua cảm giác đau đầu vào buổi sáng hoặc sau một đêm không ngon giấc.

2.2 Mệt mỏi, chán ăn

Khi ngủ không ngon, cơ thể sẽ không được hồi phục năng lượng một cách tối đa nên người bệnh dễ bị mệt mỏi, uể oải và mất cảm giác thèm ăn.

2.3 Mất ngủ vào buổi tối

Khó đi vào giấc ngủ, dễ tỉnh giấc giữa đêm nhưng rất khó ngủ lại hoặc thức dậy vào sáng sớm là những biểu hiện thường gặp của bệnh mất ngủ kéo dài. Ngoài ra, cảm giác mệt mỏi, tinh thần căng thẳng cũng là hậu quả của mất ngủ kéo dài gây ra ở người bệnh.

2.4 Mất ngủ vào buổi trưa

Mất ngủ vào buổi trưa được xem là một trong những biểu hiện của tình trạng mất ngủ. Đối với người bình thường, nên duy trì giấc ngủ ngắn kéo dài khoảng 30 – 60 phút vào giờ nghỉ trưa. Tuy nhiên, ở những người bị mất ngủ kéo dài, cơ thể họ thường uể oải, tinh thần khó chịu nên việc có một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa cũng gặp nhiều khó khăn.

2.5 Triệu chứng mất ngủ kéo dài thể hiện qua tình trạng suy giảm trí nhớ

Giảm trí nhớ, khó tập trung trong công việc và học tập ở những bệnh nhân bị mất ngủ đều là những dấu hiệu đáng báo động. Bởi lúc này mất ngủ kéo dài đã thực sự ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và cần được can thiệp điều trị sớm.

2.6 Các rối loạn tâm lý kèm theo

Mất ngủ kéo dài là một trong những yếu tố có nguy cơ làm gia tăng khả năng mắc các chứng bệnh liên quan tới rối loạn tâm thần kinh, trong đó trầm cảm là bệnh phổ biến thường gặp.

Tình trạng mất ngủ kéo dài có thể khiến người bệnh rơi vào trạng thái mệt mỏi, uể oải, chán ăn

 

3. Tình trạng mất ngủ kéo dài xuất hiện do đâu?

Có nhiều nguyên nhân khiến người bệnh thường xuyên bị khó ngủ, mất ngủ. Trong đó, một số nguyên nhân phổ biến gây ra mất ngủ kéo dài thường bao gồm:

3.1 Căng thẳng, stress

Áp lực trong cuộc sống cùng với lượng công việc nhiều rất dễ khiến người bệnh rơi vào trạng thái stress, lo âu và gây ra tình trạng mất ngủ. Trong đó, nhóm người trẻ tuổi thường là đối tượng chính trong nhóm nguyên nhân này.

3.2 Sử dụng chất kích thích

Các loại đồ uống có chứa cồn như rượu, bia hay các loại đồ uống có chứa caffeine như cà phê thường làm hệ thần kinh hưng phấn và gây rối loạn giấc ngủ.

3.3 Thuốc

Một số nhóm thuốc có thể gây ra mất ngủ kéo dài nếu bị lạm dụng như: thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc chống trầm cảm, corticoid…

3.4 Thói quen sinh hoạt không khoa học, hợp lý

Nhiều người có thói quen thức đêm muộn, ngủ không đúng giờ, chơi game, đọc sách, xem điện thoại… vào tối muộn có thể ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ.

3.5 Môi trường sống ô nhiễm

Ô nhiễm môi trường hay ô nhiễm tiếng ồn do còi xe hoặc các công trình đang thi công có thể làm phá hỏng giấc ngủ của người bệnh.

3.6 Bệnh lý

Có nhiều bệnh lý mạn tính với các triệu chứng kéo dài dai dẳng, thường có xu hướng xuất hiện vào ban đêm khiến người bệnh khó chịu và làm ảnh hưởng tới giấc ngủ. Đây cũng là nhóm nguyên nhân phổ biến gây ra mất ngủ kéo dài, đặc biệt ở người lớn tuổi với những bệnh lý như: viêm dạ dày, trào ngược dạ dày – thực quản, tăng huyết áp, đái tháo đường…

 

4. Mất ngủ kéo dài có thể gây ra tác hại nghiêm trọng gì?

Dưới đây là một số tác hại nghiêm trọng có thể gây ra do mất ngủ kéo dài:

4.1 Rối loạn tâm lý

Mất ngủ kéo dài khiến cơ thể căng thẳng, mệt mỏi, khiến người bệnh dễ nổi cáu. Thậm chí nhiều người còn có dấu hiệu trầm cảm khi thường xuyên không ngủ đủ giấc.

4.2 Tai nạn giao thông

Có nhiều trường hợp xảy ra tai nạn giao thông do các nguyên nhân như: tài xế bị thiếu ngủ, mất ngủ triền miên, ngủ quên, ngủ gục khi đang lái xe.

4.3 Tăng nguy cơ mắc bệnh về tim mạch và gây đột quỵ

Đau tim, cao huyết áp, suy tim… là những bệnh lý có thể khởi phát do mất ngủ nhiều ngày. Ngoài ra, người bị mất ngủ kéo dài còn có nguy cơ mắc tai biến mạch máu não cao hơn người bình thường.

4.4 Lão hóa sớm

Thiếu ngủ, mất ngủ triền miên kéo dài làm tăng các dấu hiệu lão hóa da, khiến da dễ bị mất nước, thiếu sức sống, chảy xệ…

4.5 Nguy cơ vô sinh

Ở phụ nữ, việc thường xuyên mất ngủ có thể ảnh hưởng tới quá trình giải phóng các hoocmon kích thích rụng trứng. Đối với nam giới, mất ngủ triền miên làm giảm số lượng và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tinh trùng.

Với những thông tin hữu ích trên, hi vọng người bệnh đã phần nào hiểu rõ hơn về những triệu chứng mất ngủ kéo dài và tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe. Qua đó nhận biết sớm tình trạng bệnh của mình và thăm khám kịp thời để được các bác sĩ đưa ra các biện pháp hỗ trợ điều trị phù hợp, giúp cải thiện bệnh an toàn và hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top