✴️ Virus viêm gan B: kẻ âm thầm gây bệnh nguy hiểm

Đường lây truyền của virus viêm gan B

Đường lây truyền và độ tuổi bị nhiễm virus có vai trò quyết định tiên lượng của bệnh: 

  • Lây nhiễm ở người lớn: thường qua đường máu (dùng chung dụng cụ tiêm chích, các vật dụng sinh hoạt có nguy cơ chảy máu như dao cạo râu, bàn chải đánh răng hoặc bấm móng tay), đường quan hệ tình dục, đặc biệt khi quan hệ tình dục đồng giới hoặc đa giới hoặc quan hệ tình dục với những người bị bệnh lý ở đường sinh dục như giang mai, lậu..

Những người bị lây nhiễm theo con đường này, 95% bị viêm gan cấp và tự khỏi, không cần điều trị hoặc chỉ cần điều trị hỗ trợ. 5% còn lại chuyển thành người mang virus viêm gan mạn tính và có thể gây ra viêm gan mạn rồi tiến triển thành xơ gan và ung thư gan. Phát hiện sớm nhóm 5% này, theo dõi định kỳ để có kế hoạch điều trị viêm gan mạn kịp thời, được coi là liệu pháp điều trị sớm ung thư gan.

  • Lây nhiễm từ mẹ sang con trong quá trình sinh đẻ: Nếu trẻ  được sinh ra từ các bà mẹ mang virus viêm gan B thì 95% sẽ trở thành người mang virus viêm gan mạn tính, chỉ 5% có khả năng tự đào thải virus ra khỏi cơ thể.

Thời gian bao lâu để một đứa trẻ mang virus viêm gan B mạn tính chuyển sang giai đoạn viêm gan B mạn tính và phải điều trị? Không có câu trả lời chính xác.  Do vậy cần có chiến lược theo dõi cho những trẻ này để phát hiện sớm giai đoạn cần điều trị.

Con đường lây truyền virus viêm gan B

Các triệu chứng của virus viêm gan B

Tùy thuộc thể cấp tính hay mạn tính sẽ có những triệu chứng khác nhau, cụ thể: 

Viêm gan virus B cấp tính

  • Mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ, tiểu vàng

  • Buồn nôn

  • Đau vùng gan

  • Mắt vàng và da vàng

Bệnh thường tự giảm dần trong vài tuần rồi tự khỏi, các xét nghiệm trở về bình thường, virus dần dần đào thải khỏi cơ thể trong vòng 6 tháng. Khoảng 5% các triệu chứng thuyên giảm hoặc hết nhưng sau 6 tháng vẫn tồn tại virus trong cơ thể và trở thành viêm gan virus B mạn tính.

Viêm gan virus B mạn tính

Hầu hết những người bị viêm gan virus B mạn tính không có triệu chứng hoặc triệu chứng thoáng qua giống những đợt cảm cúm khiến bệnh nhân dễ bỏ qua. Bệnh có thể có những đợt tiến triển hoặc âm thầm dẫn đến xơ gan và ung thư gan nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy virus viêm gan B còn được coi như kẻ thù giấu mặt.

Các triệu chứng của bệnh xơ gan bao gồm:

  • Phù ở bụng và chân, dịch tích tụ trong phổi.

  • Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu

  • Khó thở

  • Cảm thấy chướng bụng

  • Lú lẫn có thể xảy ra đột ngột

  • Hôn mê

Đau vùng thượng vị có thể là triệu chứng của bệnh về gan

Các xét nghiệm cần làm để chẩn đoán nhiễm virus viêm gan B

  • HbsAg là kháng nguyên bề măt của virus, gặp ở tất cả người bị nhiễm virus viêm gan B

  • HbeAg (+) và HBV DNA tăng cao>20.000UI nhiễm virus viêm gan B giai đoạn hoạt động

  • HbeAg (-) và HBV DNA <2000UI: nhiễm virus viêm gan B giai đoạn không hoạt động

  • HbeAg (-) và HBV DNA >= 2000 UI: nhiễm virus viêm gan B giai đoạn hoạt động có chuyển đổi huyết thanh tự nhiên

  • HbcAb IgM (+): nhiễm virus viêm gan B cấp tính

  • HbcAb IGG (+): nhiễm virus viêm gan B mạn tính

Điều trị viêm gan virus B mạn tính

– Cần lưu ý là, nhiễm virus viêm gan B mạn tính không đồng nghĩa với viêm gan virus B mạn tính. Không phải tất cả những người mang virus viêm gan B cần phải điều trị ngay, kể cả khi nồng độ HBV DNA tăng rất cao.

– Bệnh nhân cần theo dõi định kì mỗi 6 tháng để xác định thời điểm cần điều trị. Các xét nghiệm cần theo dõi bao gồm:

  • Men gan

  • HbeAg, HbeAb, HBV DNA

  • Siêu âm gan và fibroscan gan để đánh giá mật độ và độ xơ hoá gan

  • Sinh thiết gan trong những trường hơp cần thiết

  • Riêng đối với trẻ em: chỉ theo dõi định kỳ men gan và chỉ làm HBV DNA khi có tăng men gan

  • Các xét nghiệm đánh giá tình trạng đồng nhiễm các loại virus khác để quyết định chiến lược điều trị: HIV, HCV, HAV

– Thuốc diệt virus: nhằm khống chế sự nhân lên của virus, do đó giảm nguy cơ gây xơ gan và ung thư gan

Thời gian điều trị không xác định, do đó trong quá trình điều trị bệnh nhân cũng cần được theo dõi định kì mỗi 3-6 tháng để xem đáp ứng diệt virus của thuốc.

Cần điều trị kịp thời virus viêm gan B để tránh gây tổn thương nghiêm trọng đến gan

Phòng ngừa lây nhiễm virus viêm gan B

 – Tiêm chủng toàn dân là biện pháp tốt nhất để phòng lây nhiễm. Sau khi tiêm chủng cơ thể sinh ra kháng thể chống lại virus và do đó nếu có tiếp xúc với nguồn lây cũng sẽ không bj nhiễm

– Đối với những người đã bị nhiễm virus: cần bảo vệ phòng lây nhiễm cho những người tiếp xúc gần, không dùng chung những vật dụng có nguy cơ chảy máu, quan hệ tình dục nên đeo bao cao su

 –  Đối với các bà mẹ có nhiễm virus viêm gan B, khi mang thai cần xác định nồng độ virus. Nếu nồng độ virus cao cần điều trị diệt virus từ tuần thứ 28 cho đến khi trẻ ra đời. Các trẻ sinh ra từ các bà mẹ này, cần được tiêm ngay 1 mũi huyết thanh trong giờ đầu tiên và 1 mũi vaccine trong 12 giờ. Tất cả biện pháp đó nhằm hạn chế tối đa khả năng truyền virus của mẹ sang con trong quá trình sinh nở

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top