Huyết áp cao và triệu chứng kẻ giết người thầm lặng

Nội dung

Huyết áp cao được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” vì thường không gây ra bất cứ triệu chứng đáng chú ý nào. Vì thế nhiều người không biết bản thân mình mắc bệnh cho tới khi được kiểm tra huyết áp trong đợt khám sức khỏe hay kiểm tra một bệnh lý nào đó.

 

Triệu chứng của huyết áp cao

Nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt là những triệu chứng mà người bệnh huyết áp cao có thể gặp phải.

 

Nhiều trường hợp huyết áp cao rõ rệt có thể phát triển các triệu chứng như sau:

  • Nhức đầu
  • Hoa mắt
  • Mờ mắt
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Đau ngực và khó thở

Nhìn chung người bệnh thường chủ quan không điều trị cho tới khi bắt đầu có những triệu chứng phát sinh từ các cơ quan bị tổn thương do huyết áp cao mãn tính (liên tục, lâu dài). Sau đây là những biến chứng thường gặp ở các cơ quan do huyết áp cao mãn tính:

  • Nhồi máu cơ tim
  • Suy tim
  • Đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua
  • Suy thận
  • Suy giảm thị lực
  • Bệnh động mạch ngoại biên
  • Chứng phình động mạch

Một trong những biến chứng nguy hiểm của huyết áp cao không điều trị là nhồi máu cơ tim.

 

Khoảng 1% trường hợp huyết áp cao không tìm kiếm sự chăm sóc y tế cho đến khi huyết áp tăng cao đến ngưỡng nghiêm trọng, một tình trạng gọi là tăng huyết áp ác tính.

Trong tăng huyết áp ác tính, huyết áp tâm trương (số dưới) thường vượt quá 140 mm Hg. Người bệnh có thể bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, ói mửa và có một số triệu chứng tương tự đột quỵ khác. Tăng huyết áp ác tính đòi hỏi sự can thiệp y tế khẩn cấp để hạ huyết áp, ngăn ngừa xuất huyết não hoặc đột quỵ.

Lưu ý huyết áp có thể không được phát hiện trong nhiều năm liền vì không có triệu chứng nào đáng kể nhưng thực tế bệnh đang tiến triển, gây thiệt hại cho tim, mạch máu và các cơ quan khác trong cơ thể.

 

Khi nào cần tới gặp bác sĩ

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, huyết áp cao có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Đó là lý do tại sao mỗi người cần khám sức khỏe thường xuyên để đảm bảo huyết áp bình thường. Việc này đặc biệt quan trọng đối với những người đã từng bị tăng huyết áp hoặc gia đình có tiền sử tăng huyết áp.

Trong trường hợp đang điều trị huyêt áp cao, người bệnh cần tới gặp bác sĩ ngay nếu gặp phải những tình huống như:

  • Bệnh nhân không đáp ứng với thuốc điều trị và huyết áp vẫn ở mức cao.
  • Bệnh nhân có những triệu chứng nhất định như mệt mỏi, buồn nôn, khó thở, chóng mặt, nhức đầu, đổ mồ hôi quá nhiều, nhìn mờ hoặc nhầm lẫn. Đây là những triệu chứng nghiêm trọng và cần phải đảm bảo chăm sóc y tế kịp thời. Những triệu chứng này có thể do huyết áp cao không kiểm soát được hoặc do tác dụng phụ của thuốc.

 

Phòng chống huyết áp cao

Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe, giữ huyết áp ở mức ổn định.

 

Huyết áp cao có thể được ngăn ngừa bằng cách duy trì một lối sống lành mạnh, bao gồm:

  • Ăn một chế độ ăn ít chất béo
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Giảm bớt lượng muối tiêu thụ hàng ngày, đọc nhãn trên bao bì để biết lượng muối có trong các loại đồ ăn chế biến sẵn, tránh thêm muối khi chế biến đồ ăn.
  • Giữ cân nặng cơ thể ở mức hợp lý. Với những người đang thừa cân, béo phì nên cố gắng giảm cân.
  • Bỏ hút thuốc lá
  • Hạn chế uống rượu, bia
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ và đo huyết áp thường xuyên theo hướng dẫn.
  • Nếu cần phải dùng thuốc điều trị huyết áp cao, cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý ngừng sử dụng thuốc ngay cả khi sức khỏe đã được cải thiện.
  • Giảm bớt căng thẳng, dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top