Những điều cần biết về bệnh suy vành tim không thể bỏ qua

Bệnh suy vành tim là bệnh tim mạch phổ biến gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc hiểu rõ được nguyên nhân, các dấu hiệu cảnh báo và biết cách áp dụng đồng bộ các phương pháp điều trị hiệu quả sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho người bệnh. Cùng tìm hiểu về bệnh suy vành trong bài viết dưới đây.

 

1. Bệnh suy vành tim là gì?

Mạch vành là hệ thống mạch máu được chia ra thành nhiều nhánh nhỏ bao quanh tim, có nhiệm vụ cung cấp máu, oxy và dưỡng chất để tim hoạt động ổn định.

Bệnh suy vành tim là bệnh lý đặc trưng bởi có sự xuất hiện của các mảng xơ vữa trong lòng mạch vành, còn được gọi với nhiều tên khác như bệnh động mạch vành, xơ vữa mạch vành hay thiểu năng vành…

Theo thời gian, các mảng xơ vữa sẽ bắt đầu dày lên, làm thu hẹp dần các lòng mạch và khiến lượng máu đến cơ tim bị giảm sút. Khi cơ tim bị thiếu máu có thể gây ra các cơn đau thắt ngực và các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, đột quỵ….

 

Suy vành tim là cách gọi khác của bệnh động mạch vành.

 

2. Suy vành tim có nguy hiểm không?

Đây là loại bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và đang có xu hướng trẻ hoá. Nếu không kiểm soát tốt, suy mạch vành có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, nhất là đối với những trường hợp như:

2.1. Nhồi máu cơ tim do bệnh suy vành tim

Biến chứng diễn ra khi một nhánh của động mạch vành bị tắc hoàn toàn, thường là do mảng xơ vữa dày kết hợp với cục máu đông làm tắc nghẽn, dẫn tới hoại tử cơ tim và có thể gây tử vong nhanh chóng nếu ko đc cấp cứu kịp thời. Các dấu hiệu cảnh báo gồm:

  • Các cơn đau thắt ngực kéo dài, không giảm khi người bệnh nghỉ ngơi
  • Đổ mồ hôi lạnh
  • Khó thở, kiệt sức, tái mặt
  • Tâm trạng lo lắng, bồn chồn,
  • Buồn nôn và buồn đi cầu…

Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu trên, người bệnh cần ngưng toàn bộ các hoạt động và gọi cấp cứu ngay hoặc đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế uy tín gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

2.2. Rối loạn nhịp tim

Khi tim không nhận được đủ oxy để hoạt động, có thể dẫn đến các tình trạng rối loạn nhịp tim nghiêm trọng như rung nhĩ, rung thất, nhịp nhanh thất,… làm tăng nguy cơ đột quỵ.

2.3. Suy tim do bệnh suy vành tim

Cơ tim khi bị thiếu máu theo thời gian dài sẽ khiến khả năng bơm máu của tim bị suy giảm gây ra suy tim.

 

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh suy vành

Triệu chứng điển hình nhất của bệnh suy mạch vành là những cơn đau thắt ngực, tuy nhiên biểu hiện có khác nhau tùy từng người: có người đau ngực dữ dội, có người chỉ có cảm giác hơi tức tức, khó thở, thậm chí một số người bị suy vành tim nhưng không hề xuất hiện các biểu hiện của đau thắt ngực. Là một bệnh lý tim mạch nên suy vành tim thường tiến triển thầm lặng.

 

Các cơn đau thắt ngực là biểu hiện của bệnh suy vành.

 

Cơn đau thắt ngực thường được mô tả là có cảm giác đau thắt ở ngực, dưới xương ức, lồng ngực cảm giác bị đè nén như đang chịu áp lực lớn. Người bệnh có thể cảm thấy buốt, bỏng rát ở ngực, biểu hiện có thể lan lên vùng cổ, vai, gáy hoặc cánh tay.

Mức độ của cơn đau sẽ tùy thuộc vào độ tắc nghẽn của mạch vành. Cơn đau thắt ngực thông thường sẽ xuất hiện khi người bệnh gắng sức và giảm dần khi nghỉ ngơi, trừ tình trạng đau thắt ngực cấp có thể khiến bạn phải sử dụng đến thuốc dãn mạch.

 

4. Nguyên nhân gây suy mạch vành tim

Nguyên nhân phổ biến gây bệnh mạch vành là do sự lắng đọng cholesterol làm tổn thương đến lớp nội mạc của động mạch vành, đồng thời kích hoạt các phản ứng viêm mãn tính của thành mạch máu. Khi đó, một lượng lớn tiểu cầu và các tế bào miễn dịch tập trung về vị trí bị viêm để phục hồi và làm lành vết thương.

Tuy nhiên, chính các tế bào này sau đó lại bị kết dính với cholesterol và canxi, hình thành nên các mảng xơ vữa trên thành mạch. Các mảng xơ vữa này dần dần phát triển dày hơn và gây tổn thương động mạch, chóng có thể bị nứt vỡ ra và tạo tiền đề hình thành các cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu.

 

5. Những ai có nguy cơ mắc bệnh suy vành

Có rất nhiều yếu tố gây xo vữa động mạch, chủ yếu đến từ các thói quen sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh, những người càng mang nhiều yếu tố nguy cơ thì càng dễ hình thành, các nguy cơ hình thành bao gồm:

  • Rối loạn mỡ máu, huyết áp cao, bệnh tiểu đường: Làm tổn thương mạch máu, thúc đẩy sự phát triển của các mảng xơ vữa động mạch.
  • Hút thuốc lá: Chất nicotin có trong thuốc lá có thể gây tổn thương và co thắt động mạch vành.
  • Thừa cân, béo phì, ít vận động: việc ít hoạt động và nhất là đối với những người thừa cân hay béo thì sẽ làm tăng lượng cholesterol trong máu nguyên nhân gây ra tình trạng xơ vữa động mạch.
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất béo, ít rau xanh và trái cây.
  • Cao tuổi: Khi tuổi tác càng cao, mạch vành sẽ càng dễ suy yếu và thoái hoá.
  • Tiền sử gia đình: Nếu bạn có người thân trong gia đình mắc bệnh liên quan đến mạch vành, bạn cũng sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn những người khác.
  • Căng thẳng, stress: Căng thẳng, stress kéo dài có thể gây co thắt động mạch vành, làm tăng tình trạng đau thắt ngực.

 

Những người thừa cân, béo phì thường có nguy cơ cao mắc bệnh suy vành tim.

 

6. Các phương pháp điều trị suy mạch vành

6.1 Điều trị bằng thuốc

Thuốc điều trị suy vành tim nhằm mục đích làm giảm đau thắt ngực, hạn chế sự phát triển của các mảng xơ vữa và ngăn nhồi máu cơ tim. Gồm:

  • Thuốc hạ mỡ máu: Giảm cholesterol và ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
  • Thuốc chống đông máu: Giúp giảm nguy cơ hình thành các cục máu đông và đề phòng nhồi máu cơ tim
  • Thuốc giãn mạch: Giúp giảm nhanh các cơn đau thắt ngực bằng cách làm giãn các động mạch vành.
  • Dẫn xuất của nitrat: Làm giảm gánh nặng hay giảm công co bóp của tế bào cơ tim, nhờ vậy giảm được mức tiêu thụ oxy của cơ tim.
  • Các chất ức chế thụ thể bêta giao cảm: Giúp làm giảm sức cản ngoại vi, giảm co bóp cơ tim, từ đó giảm mức tiêu thụ oxy của cơ tim. Một số thuốc nhóm này như propranolol, bisoprolol, metoprolol, atenolol…
  • Các thuốc chẹn kênh calci: điển hình là verapamil, diltiazem, tác dụng tương tự chất chẹn beta giao cảm.

Đây là các loại thuốc phổ biến trong điều trị bệnh suy vành. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không được tự ý sử dụng các loại thuốc khi chưa có sự cho phép của bác sĩ chuyên khoa. Ngay khi thấy dấu hiệu bệnh lý, nên đi thăm khám sớm tại chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán đúng, tìm ra nguyên nhân và kê đơn chuẩn nhất.

Đối với những bệnh nhân rơi suy vành nặng, sử dụng thuốc không hiệu quả thì cần xem xét can thiệp khác. Các phương pháp này sẽ được bác sĩ chỉ định dựa trên tình trạng sức khỏe thực tế của bệnh nhân.

6.2. Xây dựng lối sống lành mạnh

Một lối sống lành mạnh chính là phương pháp tốt nhất để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh lý tim mạch nói riêng và nhiều bệnh lý khác nói chung. Người bệnh cần chú ý những điều sau:

  • Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia tối đa.
  • Luyện tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày, tập luyện ở mức nhẹ nhàng vừa phải.
  • Giảm cân nếu thừa cân, kiểm soát đường huyết, mỡ máu.
  • Duy trì chế độ ăn khoa học: Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, hạn chế ăn đồ quá nhiều chất béo và cholesterol, giảm ăn muối.

Như vậy, bệnh suy vành tim sẽ không quá đáng sợ nếu bạn tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, kết hợp với một lối sống lành mạnh, chế độ ăn khoa học, sẽ hỗ trợ người bệnh có cuộc sống khỏe mạnh hơn và phòng tránh các rủi ro bệnh tim mạch nguy hiểm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top