1. Những thói quen không tốt đối với người huyết áp thấp
Nhiều thói quen xấu có thể khiến cho tình trạng huyết áp thấp trở nên nghiêm trọng hơn như:
– Lười uống nước: không uống đủ nước sẽ khiến cho lưu lượng tuần hoàn giảm xuống, dẫn đến tình trạng huyết áp hạ thấp hơn.
– Thức khuya: Hệ thần kinh điều khiển mọi hoạt động của cơ thể trong đó có quá trình điều hòa huyết áp. Ban đêm là khoảng thời gian hệ thần kinh nghỉ ngơi. Vì thế khi thức khuya, hệ thần kinh không những không được nghỉ ngơi mà còn phải hoạt động nhiều hơn, khiến nó bị “mệt mỏi”. Vì vậy sẽ gây ảnh hưởng xấu tới quá trình điều hòa huyết áp.
– Ăn uống không điều độ: Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình hấp thu chất dinh dưỡng từ đó dẫn đến tình trạng giảm khả năng tạo máu của cơ thể.
– Ăn quá no: Khi ăn no, máu dồn đến ruột và dạ dày để hỗ trợ việc tiêu hóa thức ăn, lúc này lượng máu tới các cơ quan khác sẽ bị suy giảm, đặc biệt đó là não bộ, dễ dẫn tới tình trạng chóng mặt choáng váng… Hiện tượng này còn gọi là hạ huyết áp sau ăn.
– Thay đổi tư thế đột ngột: khi đang ngồi hay nằm sau đó đứng lên đột ngột có thể dẫn đến choáng váng, chóng mặt… tình trạng này làm tăng nặng hơn khi có tiền sử hạ huyết áp tư thế đứng.
2. Giải pháp hữu ích cho người huyết áp thấp
Đối với người bị huyết áp thấp cần lưu ý những điều sau:
– Ăn uống điều độ, tăng cường thực phẩm có tác dụng bổ máu chẳng hạn: Thịt nạc, trứng gà, sữa, tim gan động vật, rau bina, đậu tương, , táo, lựu, đu đủ…
– Chia nhỏ các bữa ăn: Thay vì 3 bữa một ngày giờ bạn có thể chia nhỏ thành 5 – 6 bữa.
– Ăn mặn và uống nhiều nước hơn: ăn mặn và uống nhiều nước giúp tăng lưu lượng tuần hoàn từ đó nâng cao chỉ số huyết áp.
– Thường xuyên vận động thể chất: Tập luyện thể dục thường xuyên sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh và nâng cao khả năng tự điều hòa huyết áp.
– Khi gặp phải các triệu chứng như chóng mặt, choáng váng bạn có thể uống một cốc trà, cà phê, nước gừng để nâng chỉ số huyết áp tạm thời, tuy nhiên không nên dùng quá 2 cốc một ngày.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh