Những thông tin cần biết về đột quỵ

1. Đột quỵ không “kỵ” tuổi tác

Đột quỵ luôn là nỗi ám ảnh về sức khỏe với mọi nền y tế. Trên thế giới, hàng năm có khoảng 14 triệu bệnh nhân đột quỵ mới mắc và 6 triệu người tử vong do đột quỵ. Bệnh khiến cho hơn 80 triệu người sống trong tình trạng tàn phế.

Tại nhiều quốc gia, tử vong do đột quỵ đã đứng hàng đầu, vượt trên tim mạch, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc. Điều đáng lo là, đột quỵ không chừa độ tuổi, xảy ra ở cả người trẻ.

Trong nghiên cứu mới đây, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cho biết bệnh đột quỵ đang có xu hướng gia tăng ở độ tuổi dưới 45. Mỗi năm có gần 795.000 người ở Mỹ (10 - 15% dân số) bị đột quỵ ở độ tuổi từ 18 đến 45.

Tại Việt Nam, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ tăng trung bình 2% mỗi năm, trong đó nam giới cao hơn nữ giới 4 lần. Thực tế, tại một số bệnh viện đã ghi nhận những người bệnh trên 30 tuổi, thậm chí có người chỉ mới vừa qua ngưỡng 20 tuổi.

Điển hình như tại Bệnh viện Quân Y 175 (TPHCM), vài năm gần đây, trung bình cứ 4-5 bệnh nhân đột quỵ nhập viện thì có 1 trường hợp là người trẻ. Hiện mỗi ngày, tại bệnh viện tiếp nhận từ 8-10 bệnh nhân đột quỵ, trong đó người trẻ mắc bệnh chiếm từ 20-25%. Con số này cũng tương tự tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108 (Hà Nội).

Hay tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ (một bệnh viện chuyên sâu về cấp cứu, can thiệp đột quỵ tại miền Tây), mỗi ngày cấp cứu 20-30 bệnh nhân đột quỵ, trong đó số người trẻ dưới 40 tuổi chiếm đến 5%.

 

2. Thói quen xấu tích lũy nguy cơ hình thành cục máu đông ở người trẻ

Đột quỵ là kết quả của nhiều yếu tố nguy cơ diễn tiến âm thầm, kéo dài trước đó. Trong đó, cục máu đông là nguyên nhân hàng đầu gây ra khoảng 80% ca đột quỵ.

Theo bác sĩ, sự gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu ở người trẻ cũng là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra cục máu đông và dẫn đến đột quỵ có xu hướng trẻ hóa.

Song song đó, người trẻ cũng có tâm lý “lạm dụng” tuổi trẻ, thường xuyên thực hiện nhiều thói quen xấu mà không biết điều đó có thể dẫn đến sự hình thành cục máu đông, bao gồm:

- Thức khuya lâu ngày sẽ làm rối loạn đồng hồ sinh học và khiến cơ thể tiết ra quá nhiều epinephrine và norepinephrine làm co mạch máu, máu lưu thông chậm, tăng độ nhớt.

- Ít vận động dẫn đến tuần hoàn máu kém, chất thải trong mạch máu không thể thải ra ngoài, lâu dần tích tụ lại trên thành mạch máu, cuối cùng gây tắc nghẽn mạch máu. Hơn nữa, ít vận động còn có khả năng đưa đến thừa cân béo phì, càng làm tăng nguy cơ xuất hiện cục máu đông.

- Hút thuốc lá làm hỏng các lớp lót của mạch máu, tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông không mong muốn và làm cho tiểu cầu kết dính với nhau nhiều hơn.

- Lạm dụng rượu bia không chỉ làm giảm lưu lượng máu não mà còn gây ra chuyển hóa lipid bất thường - một yếu tố nguy cơ của xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ phát triển cục máu đông.

- Ăn uống không lành mạnh: Thức ăn nhanh, thực phẩm ngọt nhiều đường… là những món “khoái khẩu” của giới trẻ, nhưng lại dễ gây ra tình trạng mỡ máu cao, huyết áp cao, thúc đẩy nhanh quá trình hình thành xơ vữa động mạch.

- Làm việc quá sức, stress sẽ gây những áp lực lớn lên não, đồng thời khiến cho huyết áp tăng cao, cơ tim co bóp mạnh. Khi dòng máu chảy về não tăng đột ngột cũng gây nguy cơ hình thành cục máu đông.

 

3. Đột quỵ - đừng đợi “ngày mai” mới rục rịch phòng ngừa!

Đột quỵ không chỉ cướp đi của bạn sinh mạng, mà nếu may mắn vượt qua cũng sẽ tước đi rất nhiều thứ. Đó là tuổi trẻ, sức lao động và tương lai.

Bạn có biết rằng, trong đột quỵ, mỗi phút trôi qua sẽ làm mất khoảng 1,9 triệu nơron thần kinh không thể hồi phục, tương đương với thời gian già đi khoảng 3 tuần. Như vậy, đột quỵ có thể khiến một cô gái trẻ ngoài 30 trở thành “bà lão”, vì lượng nhu mô não tương đương với người gần 70 tuổi.

Để giải quyết được gốc rễ gánh nặng của đột quỵ, không gì tốt hơn là phòng ngừa. Tuổi trẻ, đừng nghĩ thanh xuân còn dài mà lơ là sức khỏe. Bác sĩ khuyến cáo, một số biện pháp dự phòng đột quỵ bạn có thể áp dụng bao gồm:

- Kiểm soát các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, rung nhĩ… bằng cách tuân thủ chỉ định, hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Không tự ý thay đổi liều hoặc ngưng thuốc.

- Thay đổi lối sống, bắt đầu từ việc loại bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia và điều chỉnh thói quen sinh hoạt - dinh dưỡng, nghỉ ngơi đầy đủ, tập thể thao đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày. Giảm BMI xuống < 25kg/m2, giảm vòng bụng (dưới 90cm với nam và dưới 80cm với phụ nữ)

- Khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, từ đó có liệu trình điều trị, phòng ngừa phù hợp.

- Sử dụng thêm các sản phẩm chứa nattokinase, men gạo đỏ để phòng ngừa đột quỵ nhưng phải đảm bảo biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, được Bộ Y tế cấp phép và có nghiên cứu, bằng chứng lâm sàng cụ thể. Tốt nhất là lựa chọn những sản phẩm có dấu mộc JNKA - chứng nhận của Hiệp hội Nattokinase Nhật Bản để có sự bảo chứng cho chất lượng, hiệu quả và tính an toàn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top