Theo trang Mirror, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Dấu hiệu cảnh báo bệnh tim thường gặp gồm những cơn đau ngực và nhịp tim không đều. Bên cạnh đó, một số triệu chứng ở bàn chân cũng có thể báo hiệu sớm căn bệnh chết người này.
Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD), có ba dấu hiệu cảnh báo các vấn đề tim mạch cần chú ý ở bàn chân và ngón chân. Cụ thể:
- Sưng tấy ở bàn chân: Nhiều bệnh về tim khiến chất lỏng tích tụ ở bàn chân và cẳng chân. Khi chất lỏng tích tụ, bạn có thể thấy sưng tấy chân, thậm chí còn kéo dài đến tận bắp chân và háng.
- Ngón chân màu xanh hoặc tím: Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bị tắc nghẽn mạch máu. Các chuyên gia cho biết thêm, nếu một vùng da ngón chân có màu xanh lam hay tím, đó có thể là dấu hiệu máu không nhận đủ oxy. Nếu không được điều trị, tình trạng thiếu oxy có thể khiến da và các mô bên dưới cuối cùng bị chết.
- Cục u ở ngón chân: Nhiễm trùng máu và tim có thể gây ra các cục u ở ngón chân. Các cục u này có thể tồn tại trong vài giờ đến vài ngày sẽ biến mất. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần được điều trị nhiễm trùng. Vì nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra nên thuốc kháng sinh thường có thể điều trị được.
Để phòng ngừa bệnh tim mạch, Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) gợi ý mọi người nên thực hiện chế độ ăn ít chất béo, nhiều chất xơ, tránh thực phẩm chứa chất béo bão hòa và quá nhiều muối. Bên cạnh đó, nên bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia. Nam giới và phụ nữ được khuyên không nên uống nhiều hơn 14 đơn vị mỗi tuần, tương đương với 6 lon bia có độ mạnh trung bình.
Tập thể dục điều độ cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể, trong đó có tim mạch. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người trưởng thành nên tập ít nhất 150 phút tập thể dục vừa phải hoặc 75 phút tập thể dục mạnh mỗi tuần.
Khi bạn gặp bất cứ dấu hiệu bất thường nào nên đến gặp bác sĩ để thăm khám, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời (nếu cần).
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh