✴️ Phù phổi cấp do bệnh tim là gì?

Nội dung

Phù phổi cấp là tình trạng ứ dịch ở khoảng kẽ và phế nang. Sự ứ dịch này dẫn đến làm tắc nghẽn sự trao đổi khí giữa phế nang với các mao mạch phổi, gây nên tình trạng suy hô hấp cấp.

Phù phổi cấp do tim gây nên tình trạng suy hô hấp cấp. Do đó, bệnh cần được phát hiện sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Nguyên nhân phù phổi do tim

Tất cả các yếu tố góp phần làm tăng áp lực ở phía bên trái và tích tụ máu ở phía bên trái của tim có thể gây ra phù phổi do tim. Kết quả của tất cả các tình trạng này sẽ là tăng áp lực bên trái tim: tăng áp lực tĩnh mạch phổi -> tăng áp lực mao mạch phổi -> phù phổi. 

  • Bệnh động mạch vành và nhồi máu cơ tim.
  • Suy tim sung huyết.
  • Bệnh cơ tim.
  • Hẹp van 2 lá.
  • Rối loạn nhịp tim. 

 

Chẩn đoán lâm sàng

Phù phổi cấp triển cấp tính, do đó, các triệu chứng bệnh thường xuất hiện đột ngột và tiến triển nhanh với các triệu chứng sau đây:

Xuất hiện cơn khó thở đột ngột, mức độ ngày càng tăng làm người bệnh hoảng hốt, vã mồ hôi, nghẹt thở, cảm giác như sắp chết.

Bệnh nhân thường thở nhanh. Phải ngồi mới thở được, tím môi và tím đầu chi (đặc trưng ở ngón tay), trường hợp nặng có thể thấy khạc ra bọt hồng.

Nhịp tim thường nhanh, tùy theo tình trạng bệnh cụ thể mà có thể nghe thấy các tiếng tim bệnh lý khác nhau: rung nhĩ, rung tâm trương nếu có hẹp van hai lá,...

Nghe phổi thường thấy tiếng ran ẩm ở đáy phổi. 

Đo huyết áp có thể bình thường hoặc tăng. Tuy nhiên, khi biến chứng sang suy hô hấp cấp bệnh nhân có thể tụt áp, rối loạn ý thức...

 

Các cận lâm sàng, thăm dò

  • Chụp Xquang tim - phổi.
  • Điện tim.
  • Siêu âm tim: Có thể giúp phát hiện các tổn thương trong các bộ phận của tim. 
  • Khí máu: ở giai đoạn sớm của phù phổi cấp, thông số khí máu động mạch PO2 và PCO2 đều giảm.

Khi bệnh tiến triển nặng hơn PO2 giảm trong khi PCO2 lại tăng. 

Để ý thông số có thể cần đặt nội khí quản hoặc thở máy cho bệnh nhân. 

  • Các xét nghiệm sinh hóa (CK, CKMB, Ure, creatinin, điện giải,...) cũng rất có ích trong việc đánh giá tình trạng chung bệnh tim mạch của bệnh nhân.
  • Thăm dò huyết động: Thường thấy áp lực tĩnh mạch trung tâm cao, áp lực mao mạch phổi bít cao.

 

Chẩn đoán phân biệt

Cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh phù phổi cấp do nguyên nhân khác không phải tim, phù phổi cấp do: 

  • Thường xảy ra sau nguyên nhân viêm phổi do virus, vi khẩn, hít phải khí độc, sốc nhiễm khuẩn...
  • Suy hô hấp tiến triển từ từ. 
  • Không có dấu hiệu của suy tim trái, chụp Xquang và siêu âm tim đa số các trường hợp không có tổn thương tim thực thể. 
  • Thường thấy áp lực tĩnh mạch trung tâm và áp lực mao mạch phổi bình thường.

Cơn hen phế quản cấp

  • Thường có tiền sử hen phế quản (HFQ).
  • Cơn khó thở thường xuất hiện theo mùa hay khi người bệnh bị dị ứng khi tiếp xúc với dị nguyên (phấn hoa, lông thú vật, tôm, cua...).
  • Nghe phổi thường có ran rít ran ngáy, nếu chụp Xquang thường hai phế trường rất sáng,...

 

Tài liệu tham khảo

  1.  Alwi I. Diagnosis and management of cardiogenic pulmonary edema, NCBI. 
  2.  Sureka B, Bansal K, Arora A. Pulmonary edema - cardiogenic or noncardiogenic? NCBI. 
  3.  Muhammad Areeb Iqbal; Mohit Gupta, Cardiogenic Pulmonary Edema, NCBI. 
  4. Crane SD. Epidemiology, treatment and outcome of acidotic, acute, cardiogenic pulmonary oedema presenting to an emergency department, Pubmed. 
  5.  Wiener RS, Moses HW, Richeson JF, Gatewood RP. Hospital and long-term survival of patients with acute pulmonary edema associated with coronary artery disease, Pubmed. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top