Tầm quan trọng của kali với người bệnh rung nhĩ

Tầm quan trọng của kali với người bệnh rung nhĩ

Bổ sung đủ lượng kali trong chế độ ăn uống hàng ngày có thể giúp ổn định nhịp tim. Ngược lại, bổ sung quá ít hoặc quá nhiều kali đầu có thể làm tăng nguy cơ hình thành cơn rung nhĩ - rối loạn nhịp tim nhanh.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra lời khuyên nên bổ sung 4.700mg kali/ngày trong chế độ ăn uống của bạn.

 

Bổ sung kali giúp kiểm soát huyết áp

Tăng huyết áp có thể làm gia tăng nguy cơ phát triển các bệnh tim mạch như suy tim, đột quỵ và rung nhĩ - những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay. Chính vì vậy kiểm soát huyết áp là điều bạn phải làm hàng ngày để đảm bảo sức khỏe.

Tăng huyết áp là tình trạng huyết áp tăng cao trên 140/90 mmHg. Các chuyên gia khuyên nên bổ sung lượng kali vừa phải (4.700 mg/ngày) để giữ huyết áp ổn định (dưới 120/80 mmHg).

 

Bổ sung đủ kali giúp giảm nguy cơ đột quỵ ở phụ nữ mãn kinh

Theo một nghiên cứu năm 2014 của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, bổ sung đủ kali giúp kiểm soát huyết áp và nhịp tim, từ đó giúp giảm 12 - 16% nguy cơ đột quỵ cho những phụ nữ mãn kinh bị rối loạn nhịp tim nhanh. Các nhà nghiên cứu cho biết, những người phụ nữ bổ sung đủ kali trong chế độ ăn uống cũng giảm 10% nguy cơ tử vong trong vòng 11 năm tiếp theo.

 

Các thực phẩm giàu kali người bệnh rung nhĩ nên bổ sung trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày

Các thực phẩm giàu kali rất đa dạng, bao gồm khoai tây, khoai lang, rau chân vịt, quả bí, cà chua; Các loại đậu, các loại hạt như đậu nành, đậu lăng, đậu Hà Lan, hạnh nhân; Các loại trái cây như chuối, quả mơ, cam, dưa vàng…

Các chuyên gia khuyến cáo chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension) giúp hạ huyết áp, phòng ngừa đột quỵ rất phù hợp với người bệnh rung nhĩ. Theo đó, chế độ ăn này bao gồm nhiều thực phẩm giàu kali, giúp giữ huyết áp ổn định và kiểm soát rung nhĩ tốt. Để theo chế độ ăn DASH, bạn nên ăn nhiều trái cây, rau củ, ăn ít chất béo và natri (trong muối).

 

Bạn có đang bổ sung đủ kali trong thực phẩm?

Những người bệnh rung nhĩ có thể không bổ sung đủ kali nếu bị đổ mồ hôi nhiều do tập thể dục hay do thời tiết nóng bức. Chú ý bổ sung kali trong những trường hợp này để kiểm soát rung nhĩ tốt hơn.

Những người bệnh rung nhĩ bị suy thận hoặc đang dùng một số loại thuốc nhất định lại nên cẩn thận với việc bổ sung quá nhiều kali. Trong các trường hợp này, bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ để biết cách cân bằng lượng kali trong cơ thể.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top