Tìm hiểu thông tin về suy tim cấp

Suy tim cấp

Suy tim xảy ra khi chức năng bơm máu của tim không đủ đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Suy tim mạn tính có nghĩa là bệnh tiến triển từ từ; khi bệnh xuất hiện đột ngột thì gọi là suy tim cấp tính. Ước tính có khoảng 15 triệu trường hợp mắc mới suy tim mỗi năm trên thế giới. Ở Mỹ, suy tim là nguyên nhân số 1 khiến những người trên 65 tuổi phải nhập viện.

 

Phân loại

Suy tim có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Bạn có thể bị suy tim trái, suy tim phải hoặc cả 2 bên trong cùng một thời điểm (suy tim toàn bộ). Các buồng tim có chức năng bơm máu được gọi là tâm thất. Nếu cơ tim của bạn quá yếu, tâm thất có thể bị giãn ra và làm việc kém hiệu quả.

Có một số loại suy tim khác nhau:

Suy tim trái: là loại suy tim thường gặp nhất. Bạn có thể bị khó thở do ứ dịch ở phổi. Có 2 loại suy tim trái là:

  • Suy tim tâm thu: chức năng bơm máu của tâm thất trái không đảm bảo và thường liên quan nhiều nhất đến suy tim cấp.
  • Suy tim tâm trương: gây ra bởi vấn đề về đổ đầy máu ở tâm thất trái.

Suy tim phải: thường xảy ra đồng thời với suy tim trái. Khi tâm thất trái bị suy sẽ dẫn đến tăng áp lực, sau đó dẫn đến tổn thương ở bên phải. Tim phải bơm máu không hiệu quả gây ra ứ dịch ở các tĩnh mạch, dẫn đến phù ở cẳng chân và bàn chân.

 

Nguyên nhân gây suy tim

Nhiều vấn đề có thể gây yếu và tổn thương tim theo thời gian và dẫn đến suy tim mạn. Nó thường do các yếu tố bên trong như bệnh lý và dị tật bẩm sinh. Một số trường hợp có thể do các yếu tố bên ngoài như chế độ ăn thiếu thốn và ít tập thể dục. Các vấn đề có thể gây ra suy tim mạn bao gồm tăng huyết áp, tiểu đường, khiếm khuyết ở van tim, bệnh mạch vành, tim bẩm sinh và các tổn thương, viêm tim. Với tất cả các bệnh lý trên, tim đều thích nghi theo thời gian cho đến khi không thể thích nghi thêm nữa và dẫn đến suy tim.

Suy tim và bệnh lý tim mạch nói chung đều có thể di truyền. Nếu bố hoặc mẹ của bạn bị suy tim thì bạn sẽ tăng nguy cơ bị bệnh, đặc biệt là nếu các triệu chứng của họ xảy ra trước 50 tuổi – chứng tỏ suy tim có liên quan nhiều đến gen hơn là chỉ do lối sống (chế độ ăn nghèo nàn và lối sống tĩnh tại dẫn đến tăng huyết áp, xơ vữa động mạch…)

Đôi khi một trong những vấn đề gây suy tim mạn có thể dẫn đến suy tim cấp. Hoặc có thể gặp ở những người khỏe mạnh đột ngột bị suy tim. Các nguyên nhân gây suy tim cấp bao gồm:

  • Nhiễm trùng
  • Phản ứng dị ứng
  • Cục máu đông ở phổi
  • Những virus gây tổn thương tim
  • Phẫu thuật tim phổi
  • Rối loạn nhịp tim nặng
  • Nhồi máu cơ tim

Khi một yếu tố nguy cơ có thể đủ để gây suy tim thì sự phối hợp với những yếu tố khác sẽ làm tăng khả năng suy tim. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Bệnh mạch vành hoặc hẹp động mạch
  • Tăng huyết áp
  • Tiểu đường
  • Nhồi máu cơ tim
  • Rối loạn nhịp tim
  • Một số thuốc, đặc biệt là thuốc tiểu đường
  • Ngưng thở khi ngủ
  • Dị tật tim
  • Lạm dụng rượu hoặc các ma túy độc hại khác
  • Nhiễm virus
  • Các vấn đề về thận

 

Triệu chứng của suy tim cấp

Suy tim mạn và nặng có thể có nhiều triệu chứng nhưng các triệu chứng của suy tim cấp thường rõ ràng hơn. Cẳng chân và bụng của bạn có thể đột ngột bị phù và bạn sẽ tăng cân nhanh chóng do ứ dịch. Bạn có thể buồn nôn và chán ăn. Những triệu chứng khác gặp ở cả suy tim cấp và mạn bao gồm:

  • Khó thở (triệu chứng phổ biến nhất, gặp ở hầu hết những người bị suy tim)
  • Yếu
  • Mệt mỏi
  • Tim đập nhanh hoặc không đều
  • Ho và khò khè
  • Khạc bọt hồng
  • Giảm khả năng tập trung
  • Nếu bạn bị nhồi máu cơ tim, bạn có thể bị đau ngực.

Ở người già có các bệnh lý nặng thường khó để tách biệt các triệu chứng về tim mạch với nhưng nguyên nhân khác. Nếu bạn có bất kì triệu chứng nào kể trên, tốt nhất bạn nên tìm sự hỗ trợ y tế ngay lập tức. Theo ScienDaily, những người phải nhập viện vì suy tim cấp trung bình phải mất khoảng 13,3 giờ từ khi có triệu chứng cho đến khi tiếp nhận điều trị. Càng phát hiện triệu chứng sớm và điều trị kịp thời thì tiên lượng càng tốt.

 

Chẩn đoán

Bác sỹ sẽ hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng, nghe tim phổi của bạn bằng ống nghe để phát hiện sự tắc nghẽn hoặc rối loạn nhịp tim. Họ có thể kiểm tra sự ứ dịch ở bụng, cẳng chân và các tĩnh mạch ở cổ. Bên cạnh đó, có thể làm thêm một số xét nghiệm như:

  • Chụp Xquang: chẩn đoán hình ảnh để đánh giá tốt hơn về tim và phổi
  • Xét nghiệm máu: Đánh giá chức năng tuyến giáp và thận của bạn. Mẫu máu được phân tích nồng độ một số chất, ví dụ như điện giải và protein. Nồng độ bất thường của các chất này trong máu có thể chỉ ra vấn đề về gan và thận mà thường là nguyên nhân gây ra suy tim.
  • Test gắng sức: Đây là loại test đánh giá hoạt động của tim khi vận động thể lực. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn đi bộ trên máy chạy bộ hoặc đạp xe tại chỗ để kiểm tra đáp ứng của tim với gắng sức. Test có thể được tiến hành bằng cách uống thuốc làm tăng nhịp tim nếu bạn đang tập luyện. Nó sẽ đánh giá nhịp tim của bạn cả khi hoạt động thể lực và khi nghỉ ngơi. Test có thể sử dụng tiêm thuốc cản quang để đánh giá dòng máu lưu thông trong tim.
  • Điện tâm đồ: Khi làm điện tâm đồ, bác sĩ sẽ gắn các điện cực trên da của bạn và ghi lại các hoạt động điện của tim.
  • Siêu âm tim
  • Chụp mạch
  • Chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ

Nếu bạn được chẩn đoán suy tim, bác sĩ có thể phân loại mức độ nặng của bệnh theo một trong những thang phân loại đang được sử dụng.

 

Điều trị

Điều trị nội khoa, phẫu thuật và thay đổi lối sống là những phương pháp chính để điều trị suy tim.

Thuốc

Trong nhiều trường hợp, cần phối hợp ít nhất 2 thuốc: ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin II, thuốc chẹn beta, digitalis, thuốc lợi tiểu và thuốc kháng aldosteron.

Bạn cũng có thể cần dùng thuốc để giảm cholesterol máu và điều trị đau ngực. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc chống đông để ngăn ngừa đông máu.

Nhập viện, phẫu thuật và cấy ghép các thiết bị y tế

Người bị suy tim cấp cần được nhập viện. Họ thường cần sử dụng oxy và cũng cần các thiết bị cung cấp oxy trong thời gian dài.

Phẫu thuật được sử dụng rộng rãi trong điều trị suy tim. Các loại phẫu thuật tim thường gặp bao gồm: thay thế hoặc sửa chữa van tim; phẫu thuật bắc cầu mạch vành; phẫu thuật đặt máy tạp nhịp; liệu pháp tái đồng bộ tim, ghép tim…

Thay đổi lối sống: thay đổi một số hành vi như bỏ thuốc lá, giảm uống rượu, chế độ ăn lành mạnh, giảm căng thẳng...cũng có thể giúp bạn giảm các yếu tố nguy cơ và triệu chứng của suy tim. Khi bạn đang trong quá trình điều trị, hãy theo dõi cân nặng hàng ngày: nếu bạn tăng hơn 1,3 kg mỗi ngày có nghĩa là bạn đang bị ứ dịch và cần thay đổi chiến lược điều trị.

 

Phòng bệnh

Mặc dù có một vài yếu tố nguy cơ gây suy tim như gen và các bệnh lí mạn tính là không thể thay đổi được nhưng chìa khóa để phòng ngừa suy tim vẫn là kiểm soát các yếu tố nguy cơ.

Thay đổi lối sống sẽ làm giảm hoặc hạn chế những vấn đề có thể dẫn đến suy tim như tăng huyết áp hoặc cholesterol máu cao. Các biện pháp này bao gồm:

  • Duy trì cân nặng hợp lí
  • Tập luyện đều đặn (trao đổi với bác sĩ để lựa chọn bài tập phù hợp nhất)
  • Chế độ ăn cân bằng, Ăn ít muối
  • Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu
  • Kiểm soát căng thẳng: luyện tập, thiền và nghỉ ngơi là những cách giảm căng thẳng hiệu quả nhất.
  • Kiểm soát các bệnh lí đã tồn tại trước đó, đặc biệt là những vấn đề tim mạch. Kiểm tra định kì và uống thuốc đầy đủ.

 

Tiên lượng

Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào sức khỏe tổng thể của bạn, nguyên nhân và mức độ suy tim. Nhiều người cảm thấy tốt trong nhiều năm khi họ uống thuốc tim hoặc cấy ghép các thiết bị y tế.

Tuy nhiên, tiên lượng có thể phức tạp hơn nếu suy tim dẫn đến tổn thương gan thận hoặc các vấn đề về van tim. Các cục máu đông thường gặp sau suy tim.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top