Bài tiết nước tiểu là hiện tượng sinh lý quan trọng giúp cơ thể đào thải các chất cặn bã sau chuyển hóa làm cân bằng acid base. Khi xuất hiện một số triệu chứng bất thường khi đi tiểu như: đái buốt, đái dắt, đái nhiều, đái không tự chủ... thì cần nghĩ tới các bệnh lý của đường tiết niệu, mọi người nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
Bình thường nước tiểu từ thận xuống bàng quang được tích trữ khoảng 300ml sẽ đạt ngưỡng kích thích, lúc đó cơ thành bàng quang co thắt, cơ thắt cổ bàng quang mở ra và hoạt động đái được thực hiện. Khi một trong các cơ quan này có bệnh lý (viêm, khối u, chấn thương...) dễ đưa đến tình trạng rối loạn tiểu tiện.
Đái buốt là đau buốt trước, trong hoặc sau khi đái, đau có cảm giác nóng rát thường tăng dần lên sau tiểu, làm cho bệnh nhân rất khó chịu, thường kèm theo tiểu dắt. Trong khi tiểu dắt là đi tiểu nhiều, mót tiểu nhưng lượng nước tiểu ít.
Nguyên nhân và cơ chế gây tiểu buốt tiểu dắt: bình thường khi bàng quang có khoảng 300ml nước tiểu tăng mới có phản xạ kích thích bàng quang co bóp đồng thời cơ thắt bàng quang cũng được mở và nước tiểu tống ra ngoài. Tiểu buốt, tiểu dắt là do bàng quang bị kích thích bởi yếu tố viêm hoặc yếu tố ngoại lai hoặc do ngưỡng kích thích hạ thấp.
Tiểu buốt tiểu, dắt thường gặp trong các bệnh: Viêm bàng quang cấp tính; sỏi bàng quang, nhất là khi gặp sỏi đã lọt vào niệu đạo; viêm tiền liệt tuyến, viêm niệu đạo, viêm quanh hậu môn, viêm bộ phận sinh dục nữ (như tử cung); u bàng quang, u tiền liệt tuyến, nhất là khi có nhiễm khuẩn kèm theo.
Đi tiểu nhiều lần trong ngày mặc dù không uống nhiều nước. Bệnh nhân không đau nóng buốt trước, trong và sau khi tiểu, mỗi lần tiểu đều có nước tiểu, nhưng số lượng ít có thể chỉ chừng 50ml và đi nhiều lần trong ngày (có thể 20-30 lần).
Nguyên nhân gây tiểu nhiều: Do bàng quang giảm dung tích hoặc giảm ngưỡng kích thích phản xạ đi tiểu; thường gặp trong các bệnh: lao bàng quang mạn tính gây xơ và teo bàng quang; khối u, ung thư bàng quang chiếm chỗ thể tích chứa của bàng quang, khối u ngoài chèn lấn vào bàng quang.
Do rối loạn thần kinh chức năng, thần kinh chi phối bàng quang làm ngưỡng kích thích co bóp bàng quang và mở cổ bàng quang sớm hơn bình thường; thường gặp ở người bị chấn thương thận hoặc bị bệnh tủy sống.
Đi tiểu nhiều lần trong ngày cũng có thể gặp trong các bệnh đường tiết niệu như:
Nhiễm khuẩn tiết niệu: gây nên kích thích bàng quang và niệu đạo dẫn đến thường xuyên buồn tiểu, đi tiểu nhiều lần, có thể kèm theo triệu chứng như đi tiểu buốt, tiểu ra máu...
Viêm bàng quang kẽ: viêm thường không rõ nguyên nhân, có các triệu chứng điển hình như đi tiểu nhiều, đau vùng bụng dưới hoặc hố chậu, tiểu cấp.
Hẹp niệu đạo: có thể do phì đại tuyến tiền liệt, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tổn thương niệu đạo hoặc khung xương chậu, viêm niệu đạo mạn tính. Ngoài đi tiểu nhiều còn có các triệu chứng khác đi kèm như: tiểu đau buốt, có máu trong nước tiểu, tinh dịch, dương vật sưng to.
Sỏi, dị vật đường tiết niệu: Sỏi hay dị vật di chuyển cọ xát, kích thích vào cổ bàng quang gây đi tiểu nhiều lần, tiểu không hết,... sỏi cũng có thể gây tắc đường tiểu.
Là trạng thái người bệnh không chủ động điều khiển được các lần đi tiểu trong ngày, nước tiểu tự rỉ ra thường xuyên hoặc từng lúc, có nhận biết hoặc không nhận biết được.
Nguyên nhân gây tiểu không tự chủ gặp trong các bệnh lý: chấn thương cột sống, tai biến mạch máu não, tổn thương thần kinh trong đái tháo đường, bệnh Parkinson. Bị rò niệu đạo vào âm đạo; rò bàng quang vào âm đạo; niệu quản dị dạng cắm vào âm đạo nữ. Tiểu không tự chủ do kích thích vì bàng quang quá nhạy cảm (gặp trong viêm bàng quang, viêm lao và u bàng quang)... Do dùng thuốc an thần, thuốc ngủ quá nhiều.
Là tình trạng nếu thường xuyên bệnh nhân đái trên 2 lít/ngày là đái nhiều.
Các nguyên nhân gây đái nhiều: do uống quá nhiều nước hoặc truyền dịch quá nhiều cũng gây đái nhiều. Viêm thận kẽ, viêm thận - bể thận gây tổn thương ống thận ảnh hưởng tới chức năng ống thận là cô đặc nước tiểu không thực hiện được nên tiểu nhiều. Viêm ống thận cấp (suy thận cấp) ở giai đoạn đái trở lại do ống thận chưa hồi phục chức năng cô đặc nước tiểu nên gây tiểu nhiều. Tiểu nhiều cũng gặp trong bệnh đái tháo đường và đái tháo nhạt.
Tiểu ít là lượng nước tiểu < 500ml/ngày, còn vô niệu là lượng nước tiểu < 100ml/ngày.
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh: Là do thận giảm chức năng không sản xuất được nước tiểu do suy thận cấp và suy thận mạn giai đoạn cuối. Các bệnh thận nhất là viêm cầu thận mạn có hội chứng thận hư hoặc hội chứng thận hư đơn thuần (là loại bệnh thận có đặc điểm là phù to, phù nhiều nên cũng có thể thiểu niệu, vô niệu) hoặc trong viêm cầu thận cấp hoặc đợt cấp của viêm cầu thận mạn.
Thiểu niệu, vô niệu còn gặp trong các bệnh suy tim, xơ gan ở giai đoạn mất bù (điều trị suy tim, xơ gan và thuốc lợi tiểu không đáp ứng). Một số bệnh nhiễm trùng gây sốt cao cũng gây thiểu niệu, vô niệu.
Các bệnh rối loạn tiểu tiện không khó phát hiện, tuy nhiên mọi người cần nâng cao ý thức phòng bệnh: Có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh uống nhiều rượu, bia, thuốc lá, cà phê và các chất có ga.
Tập thể dục, nâng cao sức khỏe, có thể áp dụng bài tập làm mạnh cơ vùng đáy chậu cho các đối tượng có nguy cơ cao như: phụ nữ có thai, sinh con, người cao tuổi, người có bệnh lý đường tiết niệu. Giữ vệ sinh cơ thể, vệ sinh đường sinh dục tiết niệu sạch sẽ, tránh nhiễm khuẩn. Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý có thể gây rối loạn tiểu tiện, được tư vấn, điều trị kịp thời tránh để tiến triển bệnh nặng và có biến chứng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh