Tổng quan về hội chứng mạch vành cấp

Hội chứng mạch vành cấp là tình trạng lưu lượng máu nuôi tim bị giảm đột ngột do tắc nghẽn mạch vành, khiến bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong rất cao. Cùng tìm hiểu những đặc điểm bệnh mạch vành cấp qua bài viết sau đây để nhận biết và chủ động phòng tránh.

 

1. Hội chứng mạch vành cấp là gì?

Hội chứng mạch vành cấp (ACS)  là thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng giảm cung cấp máu đột ngột, chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn rồi chấm dứt. Hội chứng cấp tính này thường biểu hiện dưới hai dạng là: cơn đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim.

1.1 Cơn đau thắt ngực không ổn định

Là tình trạng người bệnh xuất hiện những cơn đau thắt ngực do sự nứt vỡ đột ngột của các mảng xơ vữa, gây tắc nghẽn lòng động mạch vành và giảm sút lưu lượng máu tới nuôi cơ tim. Tình trạng này có thể xảy ra mà không cần bất kỳ sự gắng sức nào, tức là cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi hay đang ngủ. Điều này khác với những cơn đau chỉ xảy ra khi gắng sức và thuyên giảm khi nghỉ ngơi hợp lý, được gọi là cơn đau thắt ngực ổn định.

Trong cơn đau thắt ngực không ổn định, các tế bào cơ tim không bị chết đi, nhưng bị tổn hại trong thời gian dài do thiếu oxy và dưỡng chất, khiến cho cơ tim không thể làm việc một cách chính xác và hiệu quả.

 

Hội chứng mạch tắc nghẽn mạch vành cấp gồm 2 dạng là cơn đau thắt ngực ổn định và nhồi máu cơ tim.

 

1.2 Nhồi máu cơ tim

Khi lòng động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, thường do sự hình thành của các cục máu đông, sẽ gây ra một cơn nhồi máu cơ tim cấp tính. Lúc này các tế bào cơ tim hoàn toàn bị thiếu oxy và năng lượng sẽ bị chết đi nhanh chóng. Một vùng cơ tim bị hoại tử và hình thành mô sẹo trên tim. Nếu không được xử lý kịp thời, người bệnh sẽ tử vong.

Nhồi máu cơ tim gồm 2 dạng: nhồi máu cơ tim không ST chênh lên và nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên.

 

2. Triệu chứng

Các dạng của hội chứng tim mạch cấp tính này có đặc điểm chung là các triệu chứng thường xảy ra rất đột ngột, nhiều trường hợp còn không có dấu hiệu báo trước.

Những triệu chứng thường gặp của hội chứng này nếu có bao gồm:

  • Đau thắt ngực có cảm giác bị bóp nghẹt, đè nén ở vùng ngực. Cơn đau có thể lan lên cổ, hàm, vai và cánh tay.
  • Khó thở và đổ mồ hôi lạnh
  • Buồn nôn
  • Đầy bụng, khó tiêu
  • Chóng mặt, đầu óc quay cuồng

Khi phát hiện bản thân hoặc những người xung quanh có triệu chứng này, cần nhanh chóng gọi cấp cứu. Vì hội chứng này dù xuất hiện trong thời gian ngắn nhưng lại có thể tiến triển nhanh chóng và khiến người bệnh tử vong bất cứ lúc nào.

Đau thắt ngực là một trong những biểu hiện của hội chứng tắc nghẽn mạch vành cấp.

 

2. Các yếu tố nguy cơ của hội chứng mạch vành

Sau đây là các yếu tố nguy cơ của hội chứng ACS:

  • Nam giới trên 45 tuổi, nữ giới trên 55 tuổi
  • Những người bị tăng huyết áp, tăng cholestol máu hay mắc bệnh đái tháo đường
  • Hút thuốc lá thường xuyên
  • Lười vận động, lối sống tĩnh tại
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Tiền sử gia đình có người từng mắc bệnh hội chứng mạch vàng cấp tính

 

3. Chẩn đoán và điều trị hội chứng tắc nghẽn mạch vành cấp tính

3.1 Chẩn đoán hội chứng mạch vành cấp

Vì là tình trạng cấp cứu, nên người bệnh gặp phải hội chứng ACS cần được đưa đến bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để điều trị càng sớm càng tốt. Tại đây, bệnh nhân sẽ được khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu như:

  • Điện tâm đồ để kiểm tra nhịp tim để xác định có sự chênh lên của đoạn ST hay không, tìm kiếm những bất thường có thể xảy ra trong hội chứng cấp tính này
  • Xét nghiệm men tim nhằm tìm kiếm tổn thương cơ tim
  • Chụp mạch vành nếu bệnh nhân đau ngực dai dẳng, hạ huyết áp, men tim tăng rõ rệt, loạn nhịp,…

Việc thực hiện chụp mạch ngay lập tức hay trì hoãn còn tùy thuộc vào mức độ biểu hiện các triệu chứng.

3.2 Điều trị hội chứng mạch vành cấp

Sau khi chẩn đoán, các bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị phù hợp. Các biện pháp điều trị bao gồm:

  • Điều trị bằng thuốc: Các loại thuốc thường sử dụng thường là thuốc chống ngưng tiểu cầu, thuốc giãn mạch nhằm giảm đau thắt ngực, thuốc chống đông và một số loại thuốc khác. Tùy trong từng trường hợp (nguyên nhân, mức độ bệnh, thể trạng của bệnh nhân,…) mà các bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc và cách sử dụng phù hợp.
  • Điều trị tái tưới máu mạch vành: Các phương pháp gồm sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, các can thiệp vào mạch vành trong trường hợp cần thiết theo chỉ định.
  • Chăm sóc và phục hồi chức năng sau xuất viện: Sau khi xuất viện, bệnh nhân có thể cần duy trì uống một số loại thuốc nhằm kiểm soát tình trạng huyết áp, cholesterol máu. Một số bệnh nhân có di chứng sau biến cố cần thực hiện các bài tập phục hồi để khôi phục lại chức năng của tim và cơ thể.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top