I. ĐỊNH NGHĨA
Là áp xe khu trú ở vùng má, nguyên nhân thường do răng.
II. NGUYÊN NHÂN
- Do răng
+ Răng viêm quanh cuống không được điều trị.
+ Răng có viêm quanh răng không được điều trị.
+ Do biến chứng răng khôn.
- Do nguyên nhân khác
+ Do tai biến điều trị.
+ Do chấn thương.
+ Nhiễm trùng các vùng lân cận.
III. CHẨN ĐOÁN
1. Chẩn đoán xác định
1.1. Lâm sàng
a. Toàn thân
Có biểu hiện nhiễm trùng: sốt cao, mạch nhanh, hơi thở hôi….
b. Tại chỗ
- Ngoài miệng
+ Vùng má có 1 khối sưng lớn, da trên khối sưng nóng đỏ hoặc tím, căng, nề, có thể thâm nhiễm lan rộng lên trên đến mi mắt dưới hoặc hố thái dương, ra sau tới vùng cơ cắn hoặc mang tai, xuống dưới tới vùng dưới hàm. Các rãnh tự nhiên trên mặt bị xóa.
+ Giai đoạn đầu khối có mật độ cứng, về sau ấn lõm hoặc có dấu hiệu chuyển sóng. Bệnh nhân đau dữ dội khi sờ vào.
- Trong miệng
+ Không có dấu hiệu khít hàm.
+ Niêm mạc má căng phồng, đầy ngách tiền đình, niêm mạc in dấu răng và có nhiều cặn tơ huyết hoặc giả mạc.
+ Khi ấn tay vào khối sưng trong miệng thấy mềm, lún, chuyển sóng.
+ Răng nguyên nhân: có biểu hiện bệnh lý của răng nguyên nhân.
1.2. Cận lâm sàng
- X quang thường quy: Có biểu hiện tổn thương răng nguyên nhân.
- CT Scanner: có khối thấu quanh ranh giới rõ ở vùng má.
2 Chẩn đoán phân biệt
- Áp xe vùng cơ cắn: vị trí áp xe ở vùng cơ cắn và có dấu hiệu khít hàm.
- Áp xe vùng mang tai: vị trí áp xe ở vùng mang tai và dấu hiệu chảy mủ qua lỗ ống Stenon khi thăm khám.
IV. ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc
Dẫn lưu mủ và điều trị răng nguyên nhân.
2. Điều trị cụ thể
2.1 Điều trị toàn thân
Kháng sinh và nâng cao thể trạng.
2.2. Điều trị tại chỗ
a. Đường trong miệng
- Chỉ định: khi áp xe tiến triển về phía niêm mạc miệng.
- Kỹ thuật
+ Vô cảm.
+ Rạch niêm mạc ở chỗ thấp nhất và phồng nhất của ổ áp xe.
+ Bộc lộ ổ áp xe và dẫn lưu mủ.
+ Bơm rửa.
+ Đặt dẫn lưu.
+ Điều trị răng nguyên nhân.
b.Đường ngoài mặt
- Chỉ định: khi áp xe tiến triển về phía dưới da vùng má.
- Kỹ thuật
+ Vô cảm.
+ Rạch da vùng dưới hàm.
+ Bóc tách da và mô dưới da.
+ Dùng kẹp Korche thâm nhập vào vùng áp xe để dẫn lưu mủ.
+ Bơm rửa.
+ Đặt dẫn lưu.
+ Điều trị răng nguyên nhân.
V. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG
1. Tiên lượng
Nếu dẫn lưu mủ phối hợp với điều trị răng nguyên nhân thì có kết quả điều trị tốt.
2. Biến chứng
- Viêm tấy tỏa lan vùng mặt.
- Nhiễm trùng huyết.
VI. PHÒNG BỆNH
Khám răng miệng định kỳ để phát hiện các răng sâu, tổn thương viêm quanh răng, mọc lệch để điều trị kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh