Codeblue: Cứu sống bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở trên đường chuyển viện

Nội dung

Khi còn ở nhà, trước khi nhập viện 1 giờ, bệnh nhân đột ngột nặng ngực, khó thở. Người nhà gọi xe taxi đưa vào bệnh viện, nhưng trước khi  vào đến cấp cứu, bệnh nhân gục xuống xe, tím tái, người nhà kêu không thấy trả lời.

BS CKII Nguyễn Quang Dũng – TK Cấp cứu BV Nguyễn Tri Phương, cho biết bệnh nhân Dương V. K. (71 tuổi, Quận 6) đã được cứu sống, bình phục và không bị tổn thương não, dù đã ngưng tim ngưng thở hơn 5 phút trên đường vào viện. Ảnh: An Quý

“Chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân này trong tình trạng ngưng tim, ngừng thở. Các bác sĩ tiến hành hồi sức cấp cứu tim phổi tích cực như nhấn tim, bóp bóng giúp thở. Trên màn hình giám sát của máy sốc điện lúc đó là một đường thẳng, trong y khoa gọi là vô tâm thu, tức là không tim không còn đập. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không từ bỏ vì vẫn hy vọng cứu sống bệnh nhân do người nhà cho biết, bệnh nhân vừa mới gục xuống chừng 5 phút,” BS. Dũng nhớ lại.

Hơn 15 phút sau, may mắn những cố gắng của ê kíp cấp cứu không uổng phí, tim bệnh nhân đập trở lại. Bệnh nhân tiếp tục được đặt ống nội khí quản để giúp thở. Kết quả đo điện tâm sau hồi sức cho thấy bệnh nhân có dấu hiệu bị nhồi máu cơ tim cấp vùng phía dưới của quả tim.

“Bệnh nhân được hội chẩn và chuyển lên khoa Tim mạch can thiệp để điều trị can thiệp mạch vành. Tuy nhiên, bệnh nhân không có điều kiện về kinh tế để điều trị can thiệp mạch vành. Nên giai đoạn đầu, bệnh nhân được các bác sĩ điều trị bảo tổn bằng thuốc. Trong thời gian đó, bệnh nhân tiếp tục phải thở máy, uống thuốc. Bệnh nhân liên tục khó thở, phù phổi do suy tim. Bệnh nhân có những lần bị loạn nhịp tim, phải sốc điện tim nhiều lần,” BS. Dũng cho biết thêm.

 

Bệnh nhân K. đã bình phục và được tái khám lần đầu vào ngày 29/8 sau khi xuất viện.

Được biết, chi phí điều trị can thiệp mạch vành tùy thuộc vào stent có thuốc hay không, bao nhiêu stent cần đặt, mà ước tính từ 50 – 90 triệu đồng, bảo hiểm y tế hỗ trợ một phần. Quỹ Từ Tâm đã hỗ trợ bệnh viện và bệnh nhân trong điều trị can thiệp mạch vành.

Kết quả chụp mạch vành cho thấy, ba mạch máu nuôi tim đều bị hẹp nặng, trong đó có một nhánh – động mạch vành phải, động mạch nuôi phần phía dưới quả tim - tắt hoàn toàn. Bệnh nhân đã được can thiệp đặt 2 stent thành công. Bệnh nhân hiện đã xuất viện sau 12 ngày nằm viện và không có di chứng bị tổn thương não sau cái ngưng tim, ngừng thở suốt 5 phút trên đường vào cấp cứu.

Từ tháng 7/2018, Khoa Cấp cứu (BV Nguyễn Tri Phương) đã triển khai Codeblue - quy trình phản ứng nhanh cứu sống bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở không chỉ áp dụng cho các khoa phòng có bệnh nhân lâm vào tình trạng này mà còn cứu sống được rất nhiều ca từ ngoài chuyển vào. Đội này gồm 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng và 1 nhân viện vận chuyển mang theo máy sốc điện.

Ngưng tim hiện nay chủ yếu do loạn nhịp tim và trong điều trị hồi sức tim phổi, khâu quan trọng nhất là phải nhấn tim sớm và sốc điện dành cho những trường hợp rung thất, loạn nhịp tim nặng.

Trích nguồn Sức khỏe và đời sống

return to top