Cách vệ sinh vết mổ rò hậu môn như thế nào để nhanh lành và phục hồi sức khỏe là thắc mắc chung được nhiều người quan tâm, tìm hiểu. Bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp những thắc mắc chung của độc giả về cách vệ sinh vết mổ để tránh viêm nhiễm.
Cách vệ sinh và chăm sóc vết mổ rò hậu môn
Sau khi mổ rò hậu môn, người bệnh sẽ được băng bó vết mổ cho tới khi lành hoàn toàn. Để vết mổ không bị nhiễm trùng, người bệnh cần phải thay băng thường xuyên:
Vệ sinh tại chỗ: Ngâm hậu môn vào trong nước ấm có pha nước sát trùng sau đó vệ sinh nhẹ nhàng hậu môn mỗi ngày, đặc biệt sau khi đại tiện xong.
Thay băng gạc thường xuyên, tại nhà: Thực hiện mỗi ngày theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Nếu không tự thay được có thể tới các cơ sở y tế để được thực hiện đúng cách, ngăn ngừa viêm nhiễm sau mổ.
Nhiều người có thể sẽ gặp phải tình trạng chảy máu hoặc chảy dịch từ vết thương trong vài tuần đầu tiên, đặc biệt là khi tắm hoặc đi vệ sinh. Nhưng nhìn chung mất khoảng 6 tuần để vết thương lành lặn hoàn toàn.
Lưu ý khi vệ sinh vết mổ rò hậu môn
Sử dụng nước hoặc vải bông mềm để rửa vùng vết mổ, vỗ nhẹ để da khô thay vì dùng khăn lau, cũng có thể sử dụng máy sấy ở mức thấp để sấy khô.
Tránh sử dụng các sản phẩm có mùi thơm vì chúng có thể gây kích ứng da xung quanh lỗ rò.
Chế độ ăn uống sau mổ rò hậu môn
Ngoài cách vệ sinh vết mổ sau rò hậu môn nêu trên, người bệnh cũng cần có chế độ dinh dưỡng tốt để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giúp vết thương lành lại nhanh chóng.
Người bệnh nên ăn các loại thực phẩm như rau xanh, trái cây tươi và uống nhiều nước để đảm hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả, tránh tình trạng táo bón khiến việc đại tiện khó khăn, làm vết thương chảy máu. Cung cấp thêm protein và vitamin với các loại thực phẩm như: thịt gà, thịt lợn, các loại đậu…
Tránh các thực phẩm mặn, khó tiêu, chế biến với nhiều gia vị cay nóng hoặc nhiều dầu mỡ
Chế độ nghỉ ngơi sau mổ rò hậu môn
Sau phẫu thuật rò hậu môn, người bệnh có thể vận động, tuy nhiên trong thời gian đầu nên nghỉ ngơi và nhờ sự chăm sóc, giúp đỡ của người thân để tránh hiện tượng chảy máu và lâu lành vết thương.
Ngoài ra, người bệnh nên mặc áo quần rộng rãi tránh gây cọ xát, khi ngồi nên kê gối hoặc nệm để thoái mái hơn…
Nếu sau mổ rò hậu môn thấy vêt mổ có hiện tượng chảy máu nặng, vết mổ sưng, nóng, đỏ và đau, người bệnh sốt cao 38 độ C hoặc hơn, khó chịu, buồn nôn, táo bón… thì cần thông báo với bác sĩ để có biện pháp xử trí hiệu quả, cải thiện sớm tình trạng sức khỏe.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh