1. Đại cương
Bệnh sán máng (schistosomiasis) còn gọi là bệnh Bilharzs hay sốt ốc là một bệnh nhiễm ký sinh trùng, gây ra bởi một số loài sán thuộc giống Schistosoma. Mặc dù tỷ lệ tử vong do bệnh này rất thấp, song bệnh sán máng thường tiến triển mạn tính và có thể gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể trong đó có phổi, ở trẻ em chúng gây chậm phát triển về trí tuệ và thể chất.
2. Biểu hiện phổi trong bệnh sán máng
- Tổn thương phổi do Schistosoma không phải hiếm gặp.
- Tình trạng tổn thương của phổi phụ thuộc vào chủng loại, số lượng ký sinh trùng, phản ứng miễn dịch của người bệnh và giai đoạn nhiễm trùng.
- Schistosoma Haematobium, S.mansoni, S. japonicum Schistosoma Haematobium, S. Mansoni và S. Japonicum có các thể khác nhau gây tổn thương ở nhiều cơ quan và bệnh lý mang tính địa phương, vùng địa lý.
- Lâm sàng bệnh phổi do sán máng có thể biểu hiện cấp, bán cấp hoặc mạn tính do tính phức tạp của chu trình phát triển của sán trong vật chủ, các thể tổn thương của phổi gây ra.
2.1. Nhiễm sán máng phổi cấp tính:
- Sự xâm nhập của các ấu trùng sán máng (schistosomules) vào cơ thể có thể gây ra viêm phổi thoáng qua, thâm nhiễm mau hay trên phim X-quang (hội chứng Loeffler).
- Sự phát triển của sán máng trưởng thành trong thời gian từ 2-4 tuần sẽ gây ra một phản ứng cấp, tình trạng này có thể gây tổn thương phổi cấp.
- Bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng: sốt, ho, thở rít và ban đỏ trên da kết hợp với tăng bạch cầu ái toan (hội chứng Katayama). Ngoài ra, bệnh nhân có thể có rét run, đau đầu, nổi hạch ngoại biên và gan lách to.
- Phản ứng viêm tại phổi được cho là một dạng của viêm phổi phế quản dị ứng do có kết hợp với các phức hợp miễn dịch tuần hoàn và tăng bạch cầu ái toan trong máu.
- X-quang: Hình ảnh thâm nhiễm dạng nốt nhỏ (micronodular infiltrates), hiếm gặp hơn đó là hình ảnh đông đặc phế nang. Gần đây, nhiều trường hợp do S. mansoni phát hiện dấu hiệu thường gặp là dày thành phế quản trên X-quang.
2.2. Nhiễm sán máng phổi bán cấp:
-Tùy thuộc vào chủng loại, sán máng sẽ chu du từ các mạch máu hệ cửa đến vị trí đẻ trứng. Trứng sán dichuyển ngược với dòng tĩnh mạch vào các tổ chức được dẫn lưu bằng tĩnh mạch, kích thích phản ứng viêm mạch và hình thành u hạt
- Trong trường hợp nhiễm S. haematobium các trứng hoặc sán có thể gây tắc động mạch phổi cũng như xâm nhập vào nhu mô phổi.
- Phản ứng viêm hạt có thể lan toả, khu trú hoặc ổ viêm có thể lan rộng giống như khối u phổi trên X-quang. Quá trình này có thể tiến triển không có triệu chứng hoặc nếu chụp cắt lớp vi tính ngực có tiêm cản quang tính mạch có thể phát hiện thấy tổn thương tắc nghẽn mạch phổi.
- Lâm sàng có thể có: ho, thiếu ôxy, phù phổi mà hậu quả dẫn đến tình trạng bệnh nặng hoặc tử vong người bệnh.
- Chụp X-quang phổi: có thể thấy hình ảnh thâm nhập dạng đám mờ, đôi khi có tràn dịch màng phổi. Việc điều trị có thể gây viêm phổi phản ứng.
- Các trứng và sán chết trong phổi kích thích viêm biểu hiện bằng sốt, ho, thở rít đôi khi có thể kết hợp với tăng bạch cầu ái toan máu. Đối với những trường hợp này chụp X-quang phổi có thể phát hiện các tổn thương thâm nhiễm mới. Đôi khi viêm phổi cấp xẩy ra sau khoảng 2 tuần điều trị. Tác nhân của tình trạng viêm phổi này được cho là do sán trưởng thành từ tĩnh mạch chậu đến phổi gây tắc nghẽn mạch tại đây.
2.3. Nhiễm sán máng phổi mạn tính:
Nhiễm sán máng phổi mạn tính biểu hiện tổn thương u hạt hoặc tổn thương kẽ do viêm mạch, là hậu quả của tình trạng lắng đọng lan toả của trứng sán trong các mạch máu phổi.
3. Chẩn đoán
3.1. Chẩn đoán xác định:
- Lâm sàng có ho kéo dài ở bệnh nhân có yếu tố dịch tễ, sống hoặc đi du lịch ở những vùng có bệnh do Schistosoma lưu hành, có tiền sử tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm.
- Xét nghiệm công thức máu: Tăng bạch cầu ái toan, có thể có thiếu máu, giảm tiểu cầu.
- X-quang: Tổn thương dạng thâm nhiễm nốt.
- Test huyết thanh chẩn đoán: IgG ELISA test với độ đặc hiệu 97% là phương pháp chẩn đoán nhanh nhất hiện nay thường được sử dụng.
- Tìm trứng sán trong các mẫu bệnh phẩm dưới kính hiển vi: trong phân, nước tiểu, đờm hoặc dịch rửa phế quản phế nang.
3.2. Chẩn đoán phân biệt:
- Viêm phổi tăng bạch cầu ái toan.
- Viêm phế quản mạn.
- Các bệnh tăng áp lực động mạch phổi.
- Các bệnh tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
4. Điều trị
- Praziquantel (Biltricide) 40 mg/kg liều duy nhất, tỷ lệ thành công 85-90%.
Các tác dụng không mong muốn của Praziquantel:
- Thường nhẹ, xảy ra khoảng một phần ba số bệnh nhân.
- Bao gồm chóng mặt, nhức đầu, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy và mẩn ngứa. Những triệu chứng này một phần do thuốc nhưng một phần liên quan đến phản ứng miễn dịch của cơ thể với các ký sinh trùng chết.
- Ngoài ra còn một số thuốc khác ít hiệu quả hơn:
- Chỉ dùng khi không có Praziquantel.
- Các thuốc: Oxamniquin, Metrifonat.
- Oxamniquin: chỉ sử dụng điều trị đối với sán máng đường ruột châu Phi và Nam Mỹ .
- Metrifonat: được sử dụng điều trị đối với bệnh sán máng bàng quang.
5. Phòng bệnh
Tránh tiếp xúc với các nguồn nước ô nhiễm có ấu trùng sán máng ở những vùng dịch tễ có loại sán này lưu hành.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh