✴️ Chọc dịch tủy sống

Nội dung

I.   ĐẠI CƯƠNG

Chọc dịch não tủy là một thủ thuật được thực hiện với mục đích chẩn  đoán và điều trị. Việc chọc dò tủy sống thắt lưng chỉ nên được thực hiện sau khi khám lâm sàng người bệnh và xét đến những lợi ích, nguy cơ của thủ thuật.

 

II.   CHỈ ĐỊNH

1. Chẩn đoán các bệnh thần kinh

  • Bệnh lý nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương: viêm màng não, viêm não, viêm tủy, viêm não tủy…
  • Bệnh lý ác tính màng não: ung thư màng não, di căn màng não.
  • Bệnh lý viêm hệ thống: viêm đa rễ dây thần kinh, xơ cứng rải rác
  • Tai biến mạch não: nghi ngờ xuất huyết dưới nhện có chụp cắt lớp vi tính bình thường.
  • Một số bệnh rối loạn chuyển hóa.

2.   Điều trị

  • Đưa thuốc vào khoang dưới nhện như kháng sinh, kháng nấm, thuốc chống ung thư.
  • Gây tê tủy sống.

3.   Theo dõi điều trị

Theo dõi kết quả điều trị trong viêm màng não.

4.   Tiến hành các thủ thuật chọc tủy sống

  • Đo áp lực nội sọ.
  • Chụp tủy cản

 

III.   CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Nhiễm trùng da hoặc mô mềm vùng chọc dò.
  • Tăng áp lực nội sọ.
  • Nguy cơ chảy máu: các trường hợp rối loạn đông máu, đang dùng thuốc chống đông.., cần xem xét cụ thể trên từng người bệnh.

 

IV.   CHUẨN BỊ

1.  Người thực hiện

Bác sỹ: 01, điều dưỡng: 02

2.  Phương tiện

  • Bông, cồn iod, cồn trắng, gạc vô khuẩn, băng dính, khăn có lỗ vô khuẩn, găng tay vô khuẩn…
  • Thuốc gây tê tại chỗ dạng bôi hoặc dạng xịt.
  • Kim chọc dò các cỡ có thông nòng (trong một số trường hợp ở trẻ  nhỏ  có thể dùng kim không có thông nòng, có thể sử dùng kim tiêm hoặc kim pha thuốc nhỏ mặt vát kim hướng lên trần nhà).
  • Áp kế để đo áp lực dịch não tủy.
  • Ống nghiệm để chứa dịch não tủy (2-5 ống tùy theo yêu cầu xét nghiệm).

3.  Người bệnh và gia đình

  • Phải giải thích kỹ, động viên để người bệnh yên tâm, đối với trẻ nhỏ  phải giải thích với cha mẹ người bệnh.
  • Hỏi kỹ tiền sử dị ứng với thuốc gây tê.
  • Chuyển người bệnh sang phòng thủ thuật, nếu làm tại giường phải có bình phong.

4.   Hồ sơ bệnh án

Theo quy định của Bộ Y tế

 

V.   CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1.  Kiểm tra hồ sơ bệnh án

Chỉ định chọc dò tủy sống, các yêu cầu xét nghiệm

2.   Kiểm tra người bệnh

Tình trạng toàn thân, các chỉ số sinh tồn ổn định, không có hội chứng tăng áp lực nội sọ.

3.   Thực hiện kỹ thuật chọc dò tủy sống ở bệnh nhi

  • Nơi thực hiện: phòng thủ thuật
  • Bác sỹ phải đảm bảo vô khuẩn: đội mũ, đeo khẩu trang, rửa tay, đi găng vô khuẩn.
  • Người phụ 1: đặt người bệnh nằm nghiêng, lưng sát mép giường quay ra phía bác sỹ, bộc lộ vùng chọc dò. Giữ người bệnh ở tư thế nằm bằng cách 1 tay đặt ở gáy người bệnh, 1 tay đặt ở khoeo chân, luôn có xu thế kéo vào để lưng người bệnh cong tối đa và phải đảm bảo vai và hông vuông góc với mặt giường, lưng song song với thành giường.
  • Người phụ 2: rửa tay, đội mũ, đeo khẩu trang, sát trùng vùng da định chọc dò bằng cồn iod hoặc betadin sau đó bằng cồn trắng đảm bảo lau hết cồn iod, xịt thuốc tê tại chỗ.
  • Bác sỹ trải khăn có lỗ vô khuẩn xung quanh vùng chọc dò, xác định vị trí chọc dò: người lớn thường chọc ở khe liên đốt L3-L4, L4-L5, L5-S1 (do tủy sống tận cùng ở L2 , đối với trẻ em tủy sống có thể kéo dài đến L3-L4 nên vị trí chọc thường thấp hơn.
  • Kim chọc dịch não tủy (trong một số trường hợp trẻ  nhỏ  có thể dùng  kim không nòng được đưa vào đường giữa và vuông góc với mặt phẳng lưng,  nên đưa vuông góc với trục cơ thể để giảm thiểu rách màng cứng và đau đầu sau chọc dịch não tủy.
  • Khi đưa kim vào sâu khoảng 3 – 4cm hoặc thấy hẫng tay rút nòng thông ra xem dịch não tủy có chảy qua kim không, nếu không có dịch não tủy đưa kim vào thêm 2 – 3mm sau đó rút nòng thông ra kiểm tra lại. Khi kim đi chệch hướng rút kim ra tới tổ chức dưới da, đưa kim lên phía đầu tạo góc 1500 hoặc ít hơn và đi đúng đường giữa sau đó đưa kim vào lại.
  • Khi đặt kim vào khoang dịch não tủy có thể đo áp lực dịch não tủy và lấy dịch vào các ống xét nghiệm. Sau đó lắp lại nòng thông trước khi rút bỏ
  • Sau khi lấy được bệnh phẩm ghi hồ sơ: ngày giờ làm thủ thuật, áp lực dịch não tủy, tính chất, màu sắc, chỉ định các xét nghiệm, tình trạng người bệnh.

​​​​​​​

VI.   THEO DÕI

  • Người bệnh nằm tại chỗ với đầu thấp tối thiểu 30 phút
  • Người bệnh nằm tại chỗ với đầu bằng tối thiểu 30 phút
  • Các chỉ số sinh tồn
  • Tình trạng tri giác
  • Tại vị trí chọc dò tủy sống

​​​​​​​

VII.  TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

1.  Đau đầu sau khi chọc dịch

Là biến chứng thư ng gặp nhất do áp lực nội sọ giảm hoặc thoát dịch não tủy qua lỗ chọc ở màng cứng, có thể liên quan đến cỡ kim chọc dò và số lượng dịch não tủy lấy ra nhiều hoặc người bệnh ngồi dậy sớm. Hạn chế bằng  cách  cho người bệnh nằm tại giường không gối đầu cao khoảng 3- 4 giờ, đảm bảo đủ  lượng dịch cho người bệnh, dùng thuốc giảm đau.

2.   Tụt não

Là biến chứng nguy hiểm nhất có thể gây tử vong do tụt hạnh nhân tiểu não vào lỗ chẩm hoặc tụt kẹt hồi hải mã thùy thái dương qua lều tiểu não. Biến chứng này có thể xảy ra ngay lập tức hoặc trong vòng 12h sau khi chọc dịch não tủy.

3.   Nhiễm khuẩn

Thường do không đảm bảo vô khuẩn trong khi làm thủ thuật, có thể gây viêm màng não mủ, áp xe dưới màng cứng hay viêm nhiễm khoang đĩa đệm.

4.   Tụ máu dưới màng cứng

Đây là biến chứng hiếm, có thể gặp ở những ngư i bệnh lớn tuổi có teo não.

5.   Chảy máu

Có thể gặp các biến chứng chảy máu dưới màng cứng, ngoài màng cứng, chảy máu dưới nhện nhất là trong những trường hợp có rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top