✴️ Đau thần kinh tọa hoặc hội chứng đau thắt lưng hông (tọa cốt phong, yêu cước thống, tọa cốt thống )

Nội dung

I. ĐẠI CƯƠNG:

Đau thần kinh tọa là chỉ các cơn đau gây ra bởi dây thần kinh tọa khi nó bị tổn thương hoặc chèn ép. Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài nhất trong cơ thể, đi từ tủy sống đến hông và xuống mặt sau của cẳng chân.Đau thần kinh tọa là triệu chứng của các bệnh về dây thần kinh chứ không phải là một bệnh tách biệt và thường biến mất sau 4 đến 8 tuần điều trị.

 

II. ĐIỀU TRỊ:

A.YHHĐ:

- Thuốc giảm đau: chọn một trong các thuốc theo bậc thang của tổ chức y tế thế giới: Acetaminophen ( paracetamol, efferalgan ), efferalgan codein, morpphin… tùy theo tình trạng đau mà điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp.

- Thuốc chống viêm không steroid:

 Chọn một trong các thuốc sau:

+ Diclophenac ( voltaren ) viên 50mg: 2 viên/ngày chia 2 lần sau ăn no. có thể sử dụng dạng ống tiêm bắp 75mg/ngày trong 2-3 ngày đầu khi bệnh nhân đau nhiều sau đó chuyển sang đường uống.

+ Meloxicam ( Mobic ) viên 7,5mg: 1- 2 viên/ngày sau ăn no hoặc dạng ống tiêm bắp 15mg/ngày x 2 - 3 ngày nếu bệnh nhân đau nhiều sau đó chuyển sang đường uống.

+ Piroxicam ( Felden ) viên hay ống 20mg, uống 1 viên/ngày sau ăn no hoặc tiêm bắp ngày một ống trong 2 - 3 ngày đầu khi bệnh nhân đau nhiều sau đó chuyển sang đường uống.

+ Celecoxib ( Celebrex ) viên 200mg, liều 1 đến 2 viên/ngày sau ăn no.

- Thuốc giãn cơ: chọn một trong các thuốc trong trường hợp hội chứng cột sống ( + ): schober +, Neri + , cơ cạnh sống co cứng, hội chứng rễ thần kinh -.

        + Mydocalm: 150mg x 3 viên/ngày ( nếu co cơ nhiều ) hoặc Mydocalm 50mg x 4 viên/ngày.

        +  Myonal 50mg x 3 viên/ ngày.

Thuốc có tác dụng giảm đau thần kinh: gabapentin 300mg 1-3 viên/ngày.

- Thuốc tăng cường dẫn truyền thần kinh Nivalin 2,5mg x 2 ống/ngày chia 2 lần. Trong trường hợp hội chứng cột sống - , hội chứng chèn ép rễ + .

- Mecobalamin ( methyllcoban ) 1500mcg x 1 viên/ ngày.

- Điều trị phẫu thuật được chỉ định khi điều trị nội khoa không kết quả ( thường sau 3 đến 6 tháng điều trị nội khoa đúng cách mà bệnh không đỡ đau và hoặc có teo cơ, bệnh nhân có dấu hiệu chèn ép rễ như rối loạn cơ tròn, liệt 2 chân hoặc teo cơ nhanh.

B. YHCT:

1. Đau thần kinh tọa do lạnh: (trúng phong hàn ở kinh lạc )

- Phép chữa: Khu phong, tán hàn, hành khí, hoạt huyết:

- Bài thuốc :

Độc hoạt 12g

Tế tân 08g

Phòng phong 08-10g

Chỉ xác 08g

Uy linh tiên 12g

Trần bì 08g

Đan sâm 12g

Ngưu tất 12g

Tang ký sinh 12g

Xuyên khung 12g

Quế chi 08g

 

 

Thủy châm: Vitamin B6, B12 Đại trường du hoặc giáp tích L4/5 ngày 1 lần.

Châm cứu, Laser châm: Đại trường du, trật biên, hoàn khiêu, thừa phù, ủy trung, thừa sơn, dương lăng tuyền, giải khê, côn lôn...

Xoa bóp bấm huyệt cột sống thắt lưng và chân bên đau, thủ pháp: miết, xoa, xát, lăn, day, bấm....

2. Đau thần kinh tọa do thoái hóa cột sống hoặc thoát vị đĩa đệm gây chèn ép :

- Phép chữa: Khu phong tán hàn trừ thấp, hoạt huyết, bổ san thận, nếu teo cơ phải bố khí huyết:

- Bài thuốc :

Độc hoạt tang ký sinh thang

Hoặc bổ thận thang gia giảm :

Thục địa 12g

Bổ cốt chỉ 08g

Đỗ trọng 12g

Thỏ ty tử 08g

Tang ký sinh 16g

Tục đoạn 12g

Cẩu tích 16g

Khương hoạt 08g

Phòng kỷ 12g

Độc hoạt 08g

Kỷ tử 12g

Thương truật 08g

 

Thủy châm,Châm cứu,Laser châm, xoa bóp bấm huyệt như trên.

Ngoài các phương thuốc cổ phương trên có thể dùng đối pháp lập phương tùy theo từng chứng trạng và người bệnh để gia giảm cho hiệu quả và theo kinh nghiệm của mỗi người

 

III. PHÒNG BỆNH:

Áp dụng các bài tập tăng cường sự dẻo dai, khỏe mạnh của các khối cơ lưng cạnh cột sống, cơ bụng và tăng sự mềm mại của cột sống, gồm cả những bài tập co giãn nhẹ.

- Tránh mọi chấn thương cho cột sống, tránh ngã dồn mông xuống đất.

- Điều trị kịp thời các bệnh thoái hóa cột sống.

- Người bị đau thắt lưng tránh tuyệt đối các động tác thể thao hoặc vận động quá mức như golf, bóng chuyền, tennis, vác balô nặng.

- Không nên nằm đệm quá dày và mềm, giường lò xo. Ngủ nằm với một chiếc gối dưới đầu gối hoặc ngủ nghiêng với chiếc gối giữa hai chân.

- Các động tác sinh hoạt, lao động hằng ngày phải thích nghi với tình trạng đau cột sống thắt lưng. Bảo đảm tư thế đúng khi đứng, ngồi, mang vác... hay nhấc vật nặng. Thực hiện nâng nhấc đồ vật một cách an toàn.

- Cần đứng trên tư thế thẳng, không rũ vai, gù lưng. Để tránh khom lưng, khi đọc và viết lâu, nên ngồi gần bàn viết, ghế không quá cao hoặc bàn viết không quá thấp.

- Tránh đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu. Nếu phải ngồi lâu, nên thường xuyên đứng lên và làm các động tác thể dục giữa giờ.

- Trong lao động chân tay, cần chú ý tránh khiêng vác vật nặng, nhất là bê vật nặng ở tư thế cúi lom khom. Để tránh tải trọng quá mức lên cột sống, bệnh nhân có thể đeo đai lưng khi mang vác vật nặng; hãy để cho trọng lượng của vật chia đều cả hai bên cơ thể, không bao giờ mang vật nặng ở một bên người hay trong thời gian dài.

Khi muốn nhấc một vật nặng lên, nên co đùi gấp gối đôi chân gập lại vừa phải nhưng vẫn giữ lưng thẳng. Không nên giữ thẳng hai chân và cúi cong người xuống khi nhấc.

- Tự giữ vững nếu cảm thấy có một cơn ho hay hắt hơi mạnh sẽ đến.

- Làm nhẹ ví và đừng để nó ở túi quần ngay sau hông.

- Mang giày đúng cỡ, thoải mái..

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top