✴️ Các dấu hiệu thoát vị bẹn thường gặp

Dấu hiệu thoát vị bẹn thường gặp nhất là xuất hiện khối phồng ở vùng bẹn, đặc biệt khi đứng lên, chạy, nhảy, ho, rặn…Cũng có nhiều trường hợp thoát vị bẹn hầu như không gây ra triệu chứng hoặc rất mờ nhạt khó nhận biết. Đây là bệnh lý thường gặp ở nam giới, đe dọa gây nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng sinh sản, thậm chí là tính mạng.

Dấu hiệu thoát vị bẹn là gì

Dấu hiệu thoát vị bẹn thường gặp nhất là có khối phồng ở vùng bẹn.

1. Những dấu hiệu thoát vị bẹn cần biết

1.1. Dấu hiệu thoát vị bẹn thường gặp ở người trưởng thành

– Thoát vị bẹn xảy ra khi một tạng trong ổ bụng xuyên qua một khu vực yếu của thành bụng xuống ống bẹn. Một người khi bị thoát vị bẹn có thể có các dấu hiệu sau:

– Có khối phồng ở một hoặc cả hai bên bẹn. Khối phồng mềm, xuất hiện rõ khi bạn có các hoạt động tạo áp lực lên vùng bụng như ho, rặn, chạy, nhảy, mang vật nặng…Khối này xẹp xuống khi bạn nằm xuống hoặc nghỉ ngơi.

– Có cảm giác nặng nề ở vùng bẹn khi nâng hoặc cúi xuống.

– Nóng rát hoặc đau nhức ở chỗ phồng.

1.2. Dấu hiệu thoát vị bẹn ở trẻ em

Trẻ em cũng có nguy cơ bị thoát vị bẹn, nhất là trẻ sơ sinh. Bệnh xảy ra là hậu quả của bất thường bẩm sinh do ống phúc tinh mạc không đóng kín tạo điều kiện cho các cơ quan ở ổ bụng chui xuống ống này.

Dấu hiệu thoát vị bẹn ở trẻ dễ nhận thấy nhất cũng tương tự như ở người lớn là khối phồng ở vùng bẹn. Khối này phồng to khi trẻ khóc, ho hoặc khi rặn mạnh và xẹp xuống khi trẻ nằm nghỉ. Trẻ cũng quấy khóc nhiều và chán ăn.

Khối phồng do thoát vị bẹn thường xuất hiện ngay sau từ khi trẻ ra đời, mềm, không đau. Do đó nhiều gia đình chủ quan, xem nhẹ cho đến khi trẻ có các biểu hiện nặng hơn mới đến bệnh viện để kiểm tra.

1.3. Cảnh báo

Một số dấu hiệu cảnh báo thoát vị bẹn trở nặng thành biến chứng thoát vị kẹt hoặc thoát vị nghẹt như: nôn, buồn nôn, đau nhức dữ dội, sốt, khối phồng bẹn tím đỏ, sưng nóng…Nếu gặp phải tình trạng này, bệnh nhân cần được cấp cứu ngay lập tức để can thiệp y tế.

Có dấu hiệu thoát vị bẹn

Nên thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa khi nghi ngờ bị thoát vị bẹn.

 

2. Nên làm gì khi phát hiện dấu hiệu thoát vị bẹn?

Thăm khám ngay với bác sĩ chuyên khoa là việc phải làm đầu tiên khi có các dấu hiệu thoát vị bẹn.

Thông qua tìm hiểu các triệu chứng, khám lâm sàng và chỉ định thực hiện một số chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp Xquang, chụp CT bụng – chậu để đánh giá chính xác tình trạng thoát vị.

Quá trình thăm khám và thực hiện các chẩn đoán hình ảnh này rất đơn giản, nhẹ nhàng nên người bệnh không nên quá lo lắng. Chủ động điều trị sớm là điều rất cần thiết vì thoát vị bẹn có thể dẫn đến nhiều biến chứng khó lường như:

– Thoát vị nghẹt: xảy ra khi các tạng trong ổ bụng chui xuống ống bìu và bị xoắn lại với nhau hoặc bị đè ép, thắt nghẽn lại. Tình trạng này có thể dẫn tới hoai tử, gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng nhiễm độc do hoại tử các tạng (ruột, mạc nối…) đe dọa đến tính mạng.

– Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản: thoát vị bẹn là yếu tố thuận lợi gây xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn.

 

3. Điều trị thoát vị bẹn

Điều trị thoát vị bẹn chi có một cách duy nhất là phẫu thuật. Mục tiêu của phẫu thuật là đẩy các tạng bị sa xuống về vị trí ban đầu và tái tạo vững chắc lại thành bụng yếu.

Tùy theo tình trạng cụ thể của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện mổ nội soi hoặc mổ mở để xử lý khối thoát vị.

Các dấu hiệu thoát vị bẹn cần biết

Phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất của thoát vị bẹn.

3.1. Mổ mở

Trong phương pháp này, bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân nên không có cảm giác đau. Đầu tiên bác sĩ sẽ rạch một đường ở gần vị trí khối thoát vị. Sau đó đẩy tạng sa xuống về vị trí thích hợp, phẫu tích bao thoát vị và thắt lại. Bệnh nhân sau mổ mở thường đau hơn và cần nhiều thời gian để phục hồi hơn so với mổ nội soi.

3.2. Mổ nội soi

Mổ nội soi xâm lấn tối thiểu vì bác sĩ chỉ tạo một vài đường rạch rất nhỏ để đưa ống nội soi và các dụng cụ y tế khác vào bên trong tiếp cận khối thoát vị. Tiếp đến là đẩy các tạng về vị trí thích hợp, cắt bỏ túi thoát vị và đặt lưới nhân tạo để bịt kín chỗ thoát vị, củng cố vững chắc thành bụng. Sau mổ bệnh nhân đau ít, vết mổ nhỏ đảm bảo tính thẩm mỹ, có thể ra viện sớm sau 24h khi sức khỏe đã ổn định.

Một số trường hợp như trẻ nhỏ hoặc người lớn tuổi có nhiều bệnh lý nền phức tạp không thể phẫu thuật có thể được chỉ định điều trị bảo tồn: theo dõi thường xuyên, sử dụng dải đeo túi thoát vị, mặc quần chật…

3.3. Lưu ý

Mặc dù thoát vị bẹn không thể tự khỏi nhưng một số lưu ý về chăm sóc tại nhà sẽ giúp bạn giảm bớt khó chịu. Cụ thể nên tăng cường chất xơ trong bữa ăn hàng ngày để giảm nguy cơ táo bón. Vì  táo bón khiến người bệnh phải rặn mạnh, gia tăng áp lực lên vùng bụng dẫn tới tình trạng thoát vị bẹn trở nặng hơn. Ăn vừa phải, không nên ăn quá no. Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh vận động mạnh, không cúi xuống quá nhiều.

Hy vọng những thông tin về dấu hiệu thoát vị bẹn đã giúp bạn có đủ kiến thức để phát hiện sớm căn bệnh này và điều trị kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top