✴️ Co giật không động kinh do tâm lý

Co giật không động kinh do tâm lý (Psychogenic nonepileptic seizures - PNES), trước đây được xem là cơn động kinh giả, nguyên nhân thường do tâm lý ví dụ như một tình trạng stress tinh thần nghiêm trọng. Tuy nhiên, cơn co giật này không liên quan đến những thay đổi xung điện trong não.

Các triệu chứng của PNES tương tự như của động kinh, nhưng nguyên nhân và tình trạng bệnh lý giữa chúng khác nhau. Theo Viện Quốc gia về Rối loạn thần kinh và Đột quỵ của Mỹ, cách điều trị nhằm kiểm soát động kinh thường không có hiệu quả ở những bệnh nhân bị co giật do tâm lý, nhưng liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) có thể hỗ trợ họ. Trước đây, tình trạng này được gọi là cơn động kinh giả, tuy nhiên nó không phù hợp vì cách gọi này có thể được hiểu theo nghĩa một người giả vờ bị động kinh. Do đó, ngày nay, tình trạng này thường được gọi là co giật không động kinh do tâm lý. Ngoài ra, bác sĩ có thể gọi chúng là các đợt động kinh do tâm lý (Psychogenic nonepileptic episodes - EPEE).

1. Cơn động kinh giả là gì?

PNES là một loại co giật không động kinh mà nguồn gốc do vấn đề tâm lý chứ không liên quan đến chức năng não bộ.

Có nhiều loại co giật, nhưng được chia làm 2 loại chính là động kinh và không động kinh.

Những người bị động kinh sẽ có những cơn co giật động kinh. Các cơn co giật động kinh điển hình xuất hiện khi có sự thay đổi dòng điện bất thường tại các tế bào thần kinh ở não bộ, dẫn đến tình trạng người bệnh mất khả năng kiểm soát cơ thể. Các cơ có thể giât hoặc co giật tới mức không kiểm soát được và người bệnh cũng có thể rơi vào trạng thái mất ý thức.

Co giật không động kinh xảy ra ở những người không bị bệnh động kinh. Một trong những nguyên nhân của nó là PNES, bắt nguồn từ nguyên nhân tâm lý hoặc tâm thần và không có sự bất thường các xung điện trong não.

Theo nhóm hỗ trợ cho Tổ chức Động kinh của Mỹ cho biết có khoảng 20 – 30% đến các trung tâm điều trị động kinh vì các cơn co giật khó kiểm soát, trong đó có PNES. Trong cộng đồng, ước tính tình trạng này xảy ra với tỉ lệ từ 2 – 33 người trong 100.000 người.

 

2. Triệu chứng

PNES khác với co giật do động kinh nhưng triệu chứng có thể giống nhau. Bao gồm:

  • Mất ý thức hoặc nhận thức
  • Lú lẫn
  • Co giật
  • Lắc đầu từ bên này sang bên kia
  • Nhắm mắt
  • Đóng hoặc siết chặt miệng
  • Nhìn chằm chằm

Một vài dấu hiệu gợi ý PNES hơn là động kinh như:

  • Lắc đầu từ bên này sang bên kia
  • Nói lắp hoặc la hét
  • Nhắm chặt miệng và mắt và kháng cự việc mở miệng hoặc mắt thụ động trong cơn co giật
  • Phản ứng hoặc bị giật mình trước tiếng động lớn hoặc các kích thích khác
  • Thiếu sự buồn ngủ sau cơn co giật

Ngoài ra, những người bị PNES có thể không buồn ngủ sau cơn co giật nhưng những người bị động kinh thường sẽ ngủ sau đó. Tuy nhiên, không phải tất cả những người bị PNES đều có những đặc điểm trên, một số chỉ mất nhận thức đột ngột trong thời gian ngắn mà không có bất kỳ triệu chứng nào khác.

Những người bị PNES cũng có thể có các triệu chứng của vấn đề sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như lo âu.

 

3. Nguyên nhân

PNES thường xảy ra trên những người có tiền sử bị sang chấn hoặc có bệnh lý tâm thần hoặc căng thẳng tâm lý (stress). Stress có thể do hậu quả của sang chấn tâm lý hoặc một bệnh lý mãn tính tiềm ẩn.

Các chuyên gia y tế cho rằng PNES là một rối loạn chuyển đổi (Conversion disorder) – một tình trạng một người không nhận thức được chuyện gì đang diễn ra và lên cơn co giật một cách vô thức.

Một số tình trạng tiềm ẩn có thể dẫn đến PNES như:

  • Tiền sử rối loạn khí sắc hoặc rối loạn nhân cách
  • Sang chấn tâm lý
  • Rối loạn phân ly
  • Lo âu hoặc rối loạn lo âu
  • Trầm cảm
  • Tiền sử lạm dụng tình dục hoặc thể chất
  • Xung đột gia đình hoặc căng thẳng
  • Tiền sử chấn thương sọ não
  • Các vấn đề về chú ý, chẳng hạn như rối loạn tăng động giảm chú ý
  • Sử dụng nghiện chất
  • Rối loạn hành vi, chẳng hạn như rút lui, tức giận hoặc gây hấn

PNES và những tình trạng đi kèm có thể gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, vì vậy cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân

 

4. Chẩn đoán

Việc chẩn đoán PNES có thể gặp nhiều khó khăn vì bác sĩ thường không chứng kiến được cơn động kinh mà chỉ thông qua sự mô tả của người bệnh, các triệu chứng mô tả thường sẽ giống với co giật do động kinh. Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán là động kinh và chỉ nghĩ tới PNES khi thuốc điều trị động kinh không có hiệu quả.

Theo Viện Quốc gia về Rối loạn thần kinh và đột quỵ của Mỹ cho biết từ 5 đến 20% người bệnh được chẩn đoán động kinh thực sự bị PNES. Một số người có thể có cả hai tình trạng này.

Nếu một người bị co giật thường xuyên và không đáp ứng với thuốc điều trị động kinh, bác sĩ có thể đề nghị họ nhập viện. Trong thời gian này, bệnh nhân sẽ được theo dõi điện não đồ EEG và được quay video, thông qua đó, bác sĩ có thể kiểm tra sự thay đổi các sóng điện não để đánh giá vai trò của chúng đối với tình trạng bệnh lý. Ngoài ra, bác sĩ có thể quan sát bất kỳ triệu chứng thực thể nào của bệnh nhân thông qua video ghi hình.

Bác sĩ có thể chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác gây ra các triệu chứng tương tự, thông qua:

  • Rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như ngủ rũ
  • Rối loạn vận động, ví dụ hội chứng Tourette
  • Co giật từng phần phức tạp
  • Không có cơn co giật
  • Ngất xỉu
  • Chóng mặt
  • Nhịp tim không đều hoặc rối loạn nhịp tim

Đối với những bệnh nhân từng được chẩn đoán động kinh và hiện đang sử dụng thuốc điều trị động kinh thì nên cần được ngưng chỉ định, vì những thuốc này không có hiệu quả và có thể gây hại trên những người không có chỉ định dùng thuốc.

Việc phối hợp giữa tâm lý gia, bác sĩ tâm thần và bác sĩ thần kinh có thể giúp đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị phù hợp cho người bệnh.

 

5. Điều trị

Điều trị trong PNES nhắm tới việc kiểm soát các triệu chứng của bất kỳ vấn đề sức khỏe tâm thần hoặc các yếu tố căng thẳng khác. Tham vấn tâm lý hoặc liệu pháp CBT là các lựa chọn có thể hỗ trợ bệnh nhân.

Việc điều trị có thể là một thách thức đối với những người không nhận thức được sự xuất hiện các cơn co giật, và chúng chỉ được nhận biết thông qua gia đình hoặc bạn bè.

Bác sĩ tâm thần thường sẽ thực hiện đánh giá tổng quát để nhận biết được nguồn gốc của sang chấn, rối loạn hoặc căng thẳng. Sau đó, họ có thể gợi ý việc điều trị các bệnh lý tiềm ẩn cho người bệnh.

 

6. Phòng ngừa

PNES không có một biện pháp phòng ngừa chính xác nào nhưng việc giải quyết bất kỳ tình trạng sức khỏe tâm thần nào có thể giúp ngăn ngừa bị PNES.

Việc tham vấn trị liệu kịp thời có thể giúp ngăn ngừa xảy ra sang chấn tâm lý. Các kĩ thuật có thể bao gồm: trò chuyện về sự kiện đã xảy ra, học cách thư giãn, các bài tập suy nghĩ hoặc các liệu pháp khác.

 

7. Tiên lượng

Bất kỳ người nào bị co giật và không đáp ứng với thuốc điều trị động kinh nên thảo luận với bác sĩ điều này. Nếu các triệu chứng là do PNES thì chúng có thể đáp ứng với các phương pháp điều trị thay thế khác.

Theo một số nghiên cứu, việc tìm hiểu và chấp nhận bệnh lý có thể giúp giảm triệu chứng PNES. Một số người hết bị co giật ngay khi họ được chẩn đoán theo phương pháp video và điện não đồ. Một nghiên cứu cho biết có 16% người bệnh không còn bị co giật trong 6 tháng kể từ khi họ được chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu từ năm 2013 lại cho kết quả từ 66% đến 87% những người bị PNES có thể vẫn bị co giật.

Nhìn chung, việc giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần tiềm ẩn hoặc lo âu có thể giúp kiểm soát triệu chứng và giảm nguy cơ bị co giật về sau.

 

8. Tổng kết

Những người bị PNES có những cơn co giật không phải do động kinh. Sự thay đổi sóng điện não không có ý nghĩa trong trường hợp này, tuy nhiên tiền sử bị sang chấn, lo âu hoặc tiền sử bị lạm dụng có thể là nguyên nhân tiềm ẩn.

Vì PNES và động kinh có thể xuất hiện tương tự nhau, do đó trước tiên bác sĩ có thể kê đơn thuốc để kiểm soát động kinh nhưng chúng thường không có hiệu quả. Khi người bệnh nhận được chẩn đoán đúng, họ có thể được cải thiện thông qua tham vấn, liệu pháp CBT và điều trị các vấn đề liên quan, chẳng hạn như lo âu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top