✴️ Tổng hợp 3 điều cần biết về phẫu thuật amidan

Viêm amidan là một căn bệnh phổ biến, có thể gặp ở mọi đối tượng. Tuy đây không phải là một bệnh ác tính, nhưng nếu không được chữa trị dứt điểm và kịp thời thì sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ nghiêm trọng. Vì thế, nhiều trường hợp được bác sĩ chỉ định phẫu thuật amidan. Dưới đây là những thông tin cần lưu ý trước và sau quá trình phẫu thuật cắt amidan.

 

1. Tìm hiểu bệnh viêm amidan

1.1. Nguyên nhân gây bệnh

Amidan là hệ thống các tế bào lympho, có vai trò sản sinh kháng thể IgG vô cùng cần thiết cho miễn dịch. Hệ thống Amidan được coi là hàng rào miễn dịch, giúp vùng họng – miệng và cơ thể chống lại sự tấn công của vi khuẩn.

Khi vùng họng – miệng bị vi khuẩn tấn công ồ ạt, amidan không thể chống lại, gây ra tình trạng viêm nhiễm, tấy đỏ. Khi đó, “xác” vi khuẩn và “xác” bạch cầu cùng các mô bị hoại tử sẽ tập trung ở amidan, tạo thành các ổ viêm và các cục mủ gây mùi hôi khó chịu. Nếu tình trạng viêm nhiễm này diễn ra nhiều lần sẽ khiến khả năng miễn dịch của amidan bị suy giảm. Đồng thời, những ổ viêm trong amidan lại tiếp tục trở thành nguồn cơn gây viêm nhiễm vùng họng.

Khi vùng họng – miệng bị vi khuẩn tấn công ồ ạt, amidan không thể chống lại, gây ra tình trạng viêm nhiễm, tấy đỏ.

Khi vùng họng – miệng bị vi khuẩn tấn công ồ ạt, amidan không thể chống lại, gây ra tình trạng viêm nhiễm, tấy đỏ

 

1.2. Điểm mặt những triệu chứng thường gặp của bệnh viêm amidan

– Ban đầu, người bệnh sẽ có cảm giác gai người, sốt rét hoặc sốt nóng 39 – 40 ºC, người nhức mỏi, đau đầu, chán ăn.

– Người bệnh cảm thấy nóng rát họng tại vị trí amidan, sau đó các cơn đau tăng dần, nhất là mỗi khi nuốt nước bọt và nuốt thức ăn. Lâu dần, những cơn đau còn lan lên tai.

– Ở trẻ em thì có hiện tượng tăng tiết đờm dãi, thở khò khè, ngáy to, thậm chí ngưng thở khi ngủ.

– Hơi thở có mùi hôi khó chịu.

– Lâu ngày, vết nhiễm trùng có thể lan rộng xuống vùng hạ họng, thanh quản và khí quản gây ho và khàn tiếng.

– Nếu dùng dụng cụ đè lưỡi sẽ thấy: Toàn bộ phần niêm mạc của họng có màu đỏ thẫm, tăng xuất tiết, phần amidan sưng to và tấy đỏ, trụ trước cũng như trụ sau cũng bị phù nề và sưng đỏ.

– Nếu nguyên nhân gây viêm amidan là do virus thì người bệnh còn xuất hiện một số triệu chứng đi kèm như viêm đường hô hấp, chảy nước mắt, nước mũi, xung huyết củng mạc… Ngoài ra, khi xét nghiệm máu sẽ thấy lượng bạch cầu lympho tăng đáng kể.

– Nếu nguyên nhân là do nhiễm khuẩn thì bề mặt amidan xuất hiện rất nhiều chấm mủ, bã đậu ở các hốc amidan. Khi xét nghiệm máu sẽ thấy bạch cầu tăng rất cao, đặc biệt là tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính và tốc độ máu lắng.

Khi bị viêm amidan, người bệnh cảm thấy nóng rát họng tại vị trí amidan, sau đó các cơn đau tăng dần, nhất là mỗi khi nuốt nước bọt và nuốt thức ăn. Lâu dần, những cơn đau còn lan lên tai.

Khi bị viêm amidan, người bệnh cảm thấy nóng rát họng tại vị trí amidan, sau đó các cơn đau tăng dần, nhất là mỗi khi nuốt nước bọt và nuốt thức ăn. Lâu dần, những cơn đau còn lan lên tai

 

1.3. Viêm amidan có thể gây ra những biến chứng nào?

Như đã nói ở trên, viêm amidan không phải bệnh ác tính nhưng hoàn toàn có thể gây ra nhiều nguy cơ nghiêm trọng nếu không được điều trị. Cụ thể những biến chứng mà viêm amidan có thể gây ra:

– Amidan quá phát, áp xe quanh Amidan và thành bên họng.

– Nhiễm khuẩn hô hấp như viêm mũi, viêm tai giữa, viêm hạch, viêm xoang và viêm thanh khí phế quản.

– Viêm nội tâm mạc, viêm màng tim, viêm khớp, viêm cầu thận…

 

2. Có nên phẫu thuật amidan hay không?

Bản chất amidan chính là hệ thống hàng rào của cửa ngõ, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Tuy nhiên, khi amidan bị viêm tái đi tái lại nhiều lần thì chúng lại trở thành “ổ bệnh” vì chứa một lượng lớn tác nhân gây bệnh như “xác” vi khuẩn, các mô bị hoại tử. Do đó, không phải bất cứ ai bị viêm amidan cũng sẽ được chỉ định phẫu thuật.

2.1. Những trường hợp được chỉ định phẫu thuật amidan

– Viêm Amidan cấp tính diễn ra hơn 6 lần/năm hoặc hơn 3 lần/năm trong 2 năm liên tiếp mà người bệnh phải dùng kháng sinh mới khỏi.

– Người bệnh bắt đầu gặp phải những biến chứng do viêm amidan gây ra.

– Người bệnh bị đau họng dai dẳng, hốc amidan xuất hiện mủ, sỏi, gây hôi miệng nghiêm trọng.

– Amidan quá phát khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc thở, phát âm, ăn uống. Thậm chí việc phát triển sọ mặt của người bệnh cũng bị ảnh hưởng.

– Bác sĩ nghi ngờ người bệnh có khối u Amidan.

2.2. Những trường hợp chống chỉ định phẫu thuật amidan

– Người bệnh đang bị viêm amidan cấp và có biến chứng tại chỗ.

– Người bệnh đang bị nhiễm khuẩn cục bộ hoặc toàn thân.

– Người bệnh mắc bệnh mạn tính nhưng chưa được điều trị ổn định.

– Người bệnh đang trong vùng dịch (những bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp) ở địa phương như cúm, sởi…

– Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt hoặc đang mang bầu.

– Những người có cơ địa mẫn cảm, dễ dị ứng như hen xuyễn…

– Đặc biệt, những trường hợp chống chỉ định tuyệt đối, bao gồm: Những người mắc các bệnh về máu hoặc suy tim, suy tâm phế mãn tính.

2.3. Những biến chứng có thể gặp khi thực hiện cắt amidan

Một trong những nguyên nhân khiến các bác sĩ chuyên khoa không đưa ra chỉ định cắt amidan ngay lập tức là do phẫu thuật này vẫn có nguy cơ gây ra những biến chứng nhất định. Một số biến chứng có thể gặp phải khi thực hiện cắt amidan bao gồm:

– Sốc phản vệ với thuốc gây mê;

– Cắt không đúng kỹ thuật, chạm mạch máu gây xuất huyết, nhất là những người mắc bệnh rối loạn đông máu…

Do đó, trước khi tiến hành phẫu thuật cắt amidan, người bệnh cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ, thực hiện đầy đủ tất cả các loại xét nghiệm, đặc biệt là các xét nghiệm về chức năng gan, thận, khả năng đông máu. Bên cạnh đó, người bệnh nên cân nhắc kỹ lưỡng, lựa chọn nơi phẫu thuật phải là những bệnh viện, cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa, vững tay nghề và giàu kinh nghiệm.

 

3. Những lưu ý khi thực hiện phẫu thuật amidan

3.1. Trước khi phẫu thuật amidan

– Lứa tuổi nào cũng có thể tiến hành cắt amidan nhưng tốt nhất là nên thực hiện phẫu thuật sau 5 tuổi và trước 45 tuổi. Bởi đối với trẻ dưới 5 tuổi, khi cắt amidan có thể gây ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch; người trên 45 tuổi thường bị amidan xơ dính hoặc mắc bệnh mạn tính (tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường…) nên khi cắt amidan dễ bị chảy máu.

– Tuy nhiên, một số trường hợp dưới 5 tuổi hoặc trên 45 tuổi mà amidan quá phát gây khó thở, ngưng thở khi ngủ thì cần được can thiệp phẫu thuật sớm.

– Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết mình có đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật amidan hay không.

– Nếu người bệnh đang mắc bệnh nhiễm trùng hoặc suy giảm miễn dịch thì cần điều trị dứt điểm trước khi phẫu thuật.

3.2. Sau khi phẫu thuật amidan

– Người bệnh có thể cảm thấy đau nhức những ngày đầu. Tuy nhiên, cơn đau sẽ nhanh chóng biến mất sau khoảng 5 – 7 ngày. Người bệnh có thể xin ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc giảm đau.

– Người bệnh có cảm giác lợm giọng nhưng không nên khạc nhổ, hoặc hắng giọng vì có thể làm tổn thương vết mổ, gây chảy máu.

– Khoảng 15 ngày đầu sau khi phẫu thuật, vết mổ có thể xuất huyết nhẹ. Tuy nhiên, nếu có hiện tượng chảy máu ồ ạt, sau 5 – 10 phút không cầm được thì người bệnh cần nhanh chóng tới gặp bác sĩ.

– Vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng để tránh nhiễm trùng vết mổ nhưng không nên súc miệng quá mạnh gây tác động đến vết mổ.

– Tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật như kiêng tuyệt đối các đồ ăn cứng, nóng, chua cay…; Ưu tiên uống sữa, ăn cháo loãng nguội và các đồ mềm để giảm áp lực lên vết mổ; Chỉ nên ăn cơm như bình thường sau mổ 15 ngày.

Sau khi thực hiện phẫu thuật amidan, người bệnh nên ưu tiên uống sữa, ăn cháo loãng nguội và các đồ mềm để giảm áp lực lên vết mổ; Chỉ nên ăn cơm như bình thường sau mổ 15 ngày.

 

Sau khi thực hiện phẫu thuật amidan, người bệnh nên ưu tiên uống sữa, ăn cháo loãng nguội và các đồ mềm để giảm áp lực lên vết mổ; Chỉ nên ăn cơm như bình thường sau mổ 15 ngày.

Trên đây là toàn bộ thông tin về việc phẫu thuật amidan cho những ai còn thắc mắc có nên cắt amidan hay không. Hy vọng bài viết trên đã giúp người bệnh hiểu hơn về bệnh viêm amidan và có thể đưa ra lựa chọn phù hợp

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top