Trong một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nutrients, các tác giả từ Đại học Foro Italico ở Rome - Ý chỉ ra tập thể dục trước và sau bữa ăn một khoảng thời gian nhất định sẽ rất hiệu quả để hạn chế tình trạng đường huyết biến động.
Điều này đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường type 2, một vấn đề đang ảnh hưởng đến 463 triệu người trưởng thành toàn cầu, theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2021.
Theo các tác giả, tập thể dục cải thiện lưu lượng máu trong các cơ hoạt động và huy động vi mạch, do đó làm tăng sự hấp thu glucose và giảm mức độ của nó trong máu.
Tuy nhiên, tình trạng dinh dưỡng tại thời điểm tập luyện là yếu tố quyết định sự biến động của lượng đường trong máu.
Hiệu quả của việc tập thể dục, đặc biệt là khi thực hiện 12-16 giờ trước khi ăn, sẽ ít hơn đáng kể đối với việc kiểm soát đường huyết cấp tính.
Vì vậy, tập thể dục nhịp điệu hoặc tập sức đề kháng cường độ vừa phải 20-45 phút trước bữa ăn là tốt nhất ngừa tăng đường huyết quá cao sau bữa ăn.
Tập thể dục trước bữa ăn gây ra sự nhạy cảm với insulin và quá trình oxy hóa chất béo bằng cách thúc đẩy quá trình phân giải glycogen, sau đó ổn định lượng đường trong máu và ngăn ngừa được hạ đường huyết mà người mắc tiểu đường cũng thường gặp.
Ít phút đi bộ với cường độ vừa phải hay đạp xe vào thời điểm khoảng 15-30 phút sau khi ăn rất có lợi với người bệnh tiểu đường lẫn người khỏe mạnh.
Như vậy, tập thể dục vào bất cứ thời điểm nào tương đối gần bữa ăn đều đem lại lợi ích tốt hơn cho người bệnh tiểu đường.
Cũng theo phân tích mới này, các buổi tập nên kéo dài khoảng 30-60 phút để đạt được hiệu quả.