Các mức độ hẹp động mạch vành (ĐMV)

Bài viết này để dành cho những người bệnh hoặc gia đình mình có người bị hẹp động mạch vành trên phim chụp cắt lớp - một xét nghiệm cận lâm sàng được sử dụng khá rộng rãi những năm gần đây. Ngoài ra cũng để cho các bác sĩ không phải chuyên khoa tim mạch và nhũng bác sĩ trẻ hiểu bản chất để giải thích cho người bệnh của mình. (BS Nguyễn Lân Hiếu)

Chỉ định chụp cắt lớp động mạch vành chủ yếu trên các bệnh nhân đau ngực ổn định hoặc không đau ngực nhưng nhiều yếu tố nguy cơ như nam giới lớn tuổi, hút thuốc lá, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, béo phì, gia đình nhiều người bị nhồi máy cơ tim, đột quỵ ... Các bệnh nhân bị đau ngực không ổn định (xin xem thêm bài phân biệt 2 nhóm này mà tôi đã chia sẻ trước đây) thường không có chỉ định chụp cắt lớp chẩn đoán mà cần theo lộ trình điều trị khẩn cấp hơn. Nói dễ hiểu nếu đã đau ngực vã mồ hôi đừng có đi chụp động mạch vành cắt lớp nữa vừa tốn tiền vừa nguy hiểm ạ.

Sau khi chụp cắt lớp các bác sĩ sẽ đưa ra nhiều thông số nhưng quan trọng nhất là vị trí hẹp, % mức độ và chiều dài chỗ hẹp, tình trạnh mạch máu sau chỗ hẹp, mức độ vôi hoá thành mạch, tuần hoàn bàng hệ ... Quyết định can thiệp thường dựa vào nhiều yếu tố, không hoàn toàn dựa vào mức độ hẹp mà phụ thuộc triệu chứng của bệnh nhân và kết quả các xét nghiệm đánh giá thiếu máu cơ tim.

 

Về lý thuyết sẽ chia làm các mức độ hẹp ĐMV như sau:

1. Hẹp từ 50% trở lên (không kể hẹp ở vị trí lỗ vào ĐMV): được coi là có ý nghĩa lâm sàng, đặc biệt nếu bệnh nhân có triệu chứng như đau thắt ngực hoặc khó thở.

Trong trường hợp này, các xét nghiệm khác cần được thực hiện để đánh giá ảnh hưởng của hẹp đến mức độ thiếu máu cơ tim như: Nghiệm pháp gắng sức (với điện tim đồ hay siêu âm có tiêm thuốc tăng nhịp tim) nhằm mục đích làm tim đập thật nhanh để xem có thiếu máu phía sau chỗ hẹp hay không. Nếu nghiệm pháp này âm tính (vẫn đủ máu nuôi tim trong hoàn cảnh tim hoạt động mạnh nhất), không cần phải can thiệp mà chỉ dùng thuốc và thay đổi lối sống, chế độ ăn. Hàng năm Trung tâm Tim mạch BV ĐHY HN chúng tôi tiến hành hàng nghìn ca gắng sức và rất nhiều các bệnh nhân không phải đặt stent, yên tâm trở về sinh hoạt bình thường.

Các xét nghiệm khác phức tạp tốn kém hơn cũng có thể sử dụng là chụp Xạ hình cơ tim (Scintigraphy) hay Cộng hưởng từ 3.0 (MRI) có phần mềm đánh giá mức độ thiếu máu cơ tim ở các pha khác nhau... chủ yếu thực hiện ở các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối. Chính vì vậy ở nhóm này (hẹp từ 50-70%), tôi vẫn khuyên bệnh nhân chỉ cần làm nghiệm pháp gắng sức định kỳ. Tuỳ theo từng trường hợp, nếu quản lý tốt được yếu tố nguy cơ thông thường tôi sẽ đề nghị 2 -3 năm một lần .

 

2. Hẹp từ 70% trở lên: Thường được coi là "nhiều" và có khả năng cao cần can thiệp, đặc biệt nếu bệnh nhân có triệu chứng hoặc nếu hẹp xảy ra ở các vị trí quan trọng như đoạn đầu nhánh trái trước (LAD). Vậy nhưng những trường hợp không triệu chứng tôi vẫn khuyên nên làm thêm các xét nghiệm không chảy máu (nghiệm pháp gắng sức, Scintigraphy, MRI). Nếu kết quả các xét nghiệm này nghi ngờ +|- (thiếu máu cơ tim có nhưng không rõ ràng), trước khi đặt stent tôi vẫn yêu cầu làm thêm thủ thuật đo lưu lượng dự trữ vành (FFR) hoặc siêu âm trong lòng mạch (IVUS, OCT) để khẳng định sự cần thiết có nên đặt stent hay không (Các thăm dò chuyên sâu này xin để dịp khác sẽ chia sẻ với mọi người về nguyên lý cũng như hiệu quả.)

 

3. Hẹp từ 90% trở lên: Gần như chắc chắn cần can thiệp, do nguy cơ cao gây tắc nghẽn hoàn toàn và dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Tuy nhiên cần lưu ý còn một trường hợp bác sĩ chẩn đoán đọc sai kết quả, đặc biệt khi động mạch vành vôi hoá, kỹ thuật chụp không đạt tiêu chuẩn và/hoặc máy CT Scanner thế hệ thấp... Chính vì vậy nhiều bệnh nhân hẹp 90% trên phim chụp khi được đưa vào phòng DSA luồn ống thông để chuẩn bị đặt, chụp lại hẹp không nghiêm trọng, được cho "xuống bàn" về điều trị nội khoa.

Để kết thúc, tôi xin nhấn mạnh mức độ hẹp động mạch vành trên phim chụp cắt lớp là quan trọng nhưng không phải quyết định tất cả. Hãy bình tĩnh gặp các bác sĩ chuyên khoa, mô tả chính xác và chi tiết các triệu chứng của mình, tuân thủ thực hiện các thăm dò chức năng tim (đặc biệt là nghiệm pháp gắng sức), các bạn và người thân của mình sẽ có được phương pháp điều trị hiệu quả và an toàn nhất.

return to top