Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 350 triệu tấn rác thải nhựa, từ túi ni-lông, chai nước, hộp đựng thức ăn đến bao bì sử dụng một lần. Chỉ 9% trong số này được xử lý bằng cách tái chế, tất cả phần còn lại được chôn lấp, hoặc đáng lo ngại hơn, bị đổ ra sông và trôi ra đại dương, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là sáu quốc gia gồm Philippines, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan, đóng góp hơn 50% lượng rác thải nhựa đại dương trên toàn cầu.
Rác thải nhựa, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần, khi phân hủy trong môi trường – nhất là trong nước – sẽ tạo ra vi nhựa (microplastic) và nano nhựa (nanoplastic):
- Vi nhựa: Các hạt nhựa có kích thước từ 1 micromet đến 5 mm
- Nano nhựa: Các hạt nhỏ hơn 1 micromet, có khả năng xâm nhập sâu vào tế bào và mô cơ thể.
Những hạt nhựa này không chỉ xuất hiện từ quá trình phân hủy mà còn được sản xuất trực tiếp trong các sản phẩm như mỹ phẩm. Ví dụ:
- Sản phẩm tẩy tế bào chết: Chứa các hạt microbead gây ô nhiễm nguồn nước.
- Kem chống nắng: Có thể chứa titan dioxide hoặc kẽm oxit dạng nano, đặc biệt nguy hiểm với dạng xịt do nguy cơ hít vào phổi.
- Son môi, phấn phủ, dầu gội: Thường chứa vi nhựa, làm tăng nguy cơ tiếp xúc qua da.
Vi nhựa hiện diện khắp nơi – từ không khí, nước uống đến thực phẩm. Nghiên cứu chỉ ra rằng 83% mẫu nước uống trên thế giới chứa vi nhựa, trong đó nước đóng chai có nguy cơ nhiễm cao hơn nước máy. Con người có thể tiếp xúc với vi nhựa qua:
- Đường tiêu hóa: Ăn uống thực phẩm hoặc nước nhiễm vi nhựa.
- Hô hấp: Hít phải vi nhựa trong không khí.
- Tiếp xúc qua da: Sử dụng mỹ phẩm chứa vi nhựa.
Vi nhựa và nano nhựa không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như:
- Da: Dị ứng, viêm da tiếp xúc.
- Hệ hô hấp: Viêm phổi, ung thư phổi.
- Hệ tiêu hóa: Ung thư đại tràng, ung thư tụy, hội chứng ruột kích thích.
- Các vấn đề nghiêm trọng khác: Rối loạn sinh sản, tổn thương DNA, và tăng nguy cơ mắc các bệnh ác tính.
Rác thải nhựa và vi nhựa là vấn đề toàn cầu, nhưng mỗi cá nhân có thể góp phần giảm thiểu tác động bằng cách:
- Hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần: sử dụng cụ đựng thực phẩm như thủy tinh, kim loại, vật dụng có nguồn gốc tự nhiên
- Chọn mỹ phẩm không chứa vi nhựa
- Sử dụng nước uống từ nguồn đáng tin cậy và giảm phụ thuộc vào nước đóng chai.
- Lựa chọn thực phẩm an toàn: không ăn các loại thực phẩm hoặc thủy hải sản trên khu vực bị ô nhiễm hoặc loại hải sản ven biển gần đô thị. ...
Nguồn
1. Microbeads in exfoliating products: occurrence, abundance, and potential for water contamination in Ho Chi Minh City, Vietnam
2. The potential impact of nano- and microplastics on human health: Understanding human health risks.
Biên soạn: BS Lại Thị Bích Thủy