✴️ Một số chế phẩm không cần kê đơn cho người bị mụn trứng cá

Nội dung

Đến 90% thanh thiếu niên mắc mụn trứng cá, và nhiều người tình trạng bệnh sẽ kéo dài đến lúc trưởng thành; Mụn trứng cá vẫn có thể xuất hiện ở độ tuổi 40 với tỷ lệ nam là 1%  và nữ là 5%. Mặc dù tỷ lệ mắc mụn trứng cá ở thanh thiếu niên cao hơn, nhưng độ tuổi trung bình của những bệnh nhân mắc mụn trứng cá là 24 tuổi, với 10% số bệnh nhân trong độ tuổi 35 đến 44. Tổng chi phí dành cho điều trị mụn được báo cáo vượt quá 3 tỷ đô la mỗi năm.

Mặc dù không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng mụn trứng cá có thể gây sẹo vĩnh viễn và gây ảnh hưởng tâm lý kéo dài như kém tự tin, lo lắng và trầm cảm. Do bị ảnh hưởng tâm lý nên bệnh nhân luôn tìm cách để điều trị mụn trứng cá; hàng năm hơn một tỷ đô la đã được chi cho những đơn thuốc điều trị mụn trứng cá, và chi phí cho thuốc không kê đơn ước tính gấp từ 2 đến 4 lần con số này. Nhiều bệnh nhân thích lựa chọn thuốc không kê đơn vì nhiều lý do như chi phí thấp, dễ tiếp cận, ít kích thích so với các thuốc kê đơn và cảm thấy an toàn hơn. Có rất nhiều thuốc không kê đơn được dùng để điều trị mụn trứng cá và các dược sĩ đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ bệnh nhân lựa chọn đúng cách điều trị, cung cấp kiến thức về sử dụng thuốc hợp lý.

 

SINH LÝ BỆNH

Mụn trứng cá là tình trạng viêm mãn tính ở nang lông – tuyến bã nhờn, là kết quả do sự phát triển của vi khuẩn và viêm. Bốn quá trình sinh lý bệnh đã được ghi nhận có đóng góp vào sự hình thành các tổn thương bao gồm: 1) Bất thường trong quá trình hình thành và tróc các tế bào sừng; 2) Tăng tiết bã nhờn do tăng tiết androgen; 3) Sự phát triển của vi khuẩn Propionibacterium acnes; và 4) Chất trung gian gây viêm.

Mỗi đơn vị pilosebaceous bao gồm một nang lông và các tuyến bã nhờn xung quanh. Các đơn vị này có thể được tìm thấy trên tất cả các lớp hạ bì ngoài trừ lòng bàn tay và bàn chân; tập trung nhiều nhất ở mặt, lưng và vùng ngực. Sự gia tăng sản xuất androgen, thường trùng vào thời kỳ dậy thì, gây ra sự bất thường làm bong vảy biểu mô và tăng sừng hóa, đồng thời làm tăng tiết ở các tuyến bã nhờn. Sự tích tụ bã nhờn, các tế bào biểu mô và cả tế bào sừng trong nang gây tắc nghẽn nang lông, dẫn đến sự hình thành 1 nút bằng chất sừng và gây phình nang lông. Từ đó hình thành của một ngòi mụn nhỏ (microcomedone), tổn thương tiền thân của mụn trứng cá, không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nang lông tiếp tục sưng phồng và nút sừng tiếp túc phát triển, một mụn không viêm nhìn thấy được sẽ hình thành. Hai loại mụn không viêm có thể xuất hiện: mụn không viêm với lỗ chân lông mở rộng (open comedone hay mụn đầu đen) hoặc mụn không viêm với lỗ chân lông không mở (closed comedone hay mụn đầu trắng).

Tăng sản xuất bã nhờn có thể dẫn đến sự gia tăng của P acnes – một vi khuẩn gram dương kỵ khí ký sinh trên da bình thường. Điều này dẫn đến việc giải phóng các chất trung gian hóa học thúc đẩy sự viêm. Sự hình thành các tổn thương mụn trứng cá nghiêm trọng hơn như mụn đỏ, mụn mủ, mụn bọc, mụn nang phát triển khi các mụn không viêm bị vỡ bên trong lỗ chân lông và các thành phần của nang lông – tuyến bã nhờn lan ra các khu vực xung quanh.

 

YẾU TỐ NGUY CƠ VÀ ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG

Mụn trứng cá xuất hiện sớm hơn ở nữ, nhưng đến thời kỳ thanh thiếu niên nam bị ảnh hưởng hơn; mụn trứng cá thường xuất hiện ở nữ trong độ tuổi trung bình là 11 tuổi với tỷ lệ khoảng 82%; đối với nam là 12 tuổi với tỷ lệ là 95%. Gần đây, có sự gia tăng sự xuất hiện của mụn trứng cá ở trẻ từ 8 đến 9 tuổi. Sự gia tăng này ở độ tuổi trẻ như vậy được cho là do tuổi dậy thì giảm. Mụn trứng cá ở người trưởng thành thường thấy ở phụ nữ hơn.

Yếu tố dân tộc và di truyền có thể liên quan đến mức độ xuất hiện và mức độ trầm trọng của mụn trứng cá. Một người có tiền sử gia đình bị mụn trứng cá có thể làm tăng đáng kể nguy cơ nổi mụn. Sẹo và tăng sắc tố xảy ra phổ biến hơn ở những người có da sẫm màu. Một số yếu tố có thể điều chỉnh được cũng có liên quan đến nguy cơ làm mụn trứng cá gia tăng, bao gồm hút thuốc lá, chế độ ăn uống có nhiều bơ, sữa và nạp nhiều glycemic carbohydrate, điều kiện nóng và ẩm, kích thích cục bộ hoặc ma sát (quần áo gây ẩm hoặc chà xát), sử dụng các sản phẩm ở dạng dầu cho da và tóc, mồ hôi kéo dài và stress

Tiền sử dùng thuốc của bệnh nhân cũng cần được xem xét khi đánh giá các yếu tố nguy cơ gây mụn trứng cá. Thuốc có thể làm tăng nguy cơ bị mụn trứng cá như thuốc chống động kinh, thuốc corticosteroid, hormone, thuốc chẹn kênh calci, phenytoin, carbamazepine, lithium, aripiprazole, trazodone và haloperidol.

Mụn trứng cá thường gặp nhất trên mặt, cổ, ngực, hoặc lưng. Những tổn thương này bao gồm mụn không viêm đầu đen hoặc đầu trắng và các tổn thương viêm như như mụn đỏ, mụn mủ, mụn bọc, mụn nang. Hiện tại, không có hệ thống phân loại nào được chấp nhận. Nói chung, mụn trứng cá có thể được phân loại là nhẹ, trung bình hoặc nặng ( BẢNG 1 ).

PHÒNG NGỪA

Bệnh nhân nên tránh tất cả yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển mụn trứng cá. Ngoài ra, cần chăm sóc da bằng việc rửa sạch sẽ hai lần mỗi ngày bằng xà phòng không gây mụn. Bệnh nhân cũng nên tránh dùng các sản phẩm dạng dầu cho da, tránh chạm vào mặt, sờ hoặc nặn tại các tổn thương.

 

ĐIỀU TRỊ

Mụn trứng cá thường là một bệnh tự giới hạn, nhưng có nhiều tác nhân có thể giúp giảm thiểu các triệu chứng và giảm sẹo gây ra, có thể cải thiện chất lượng cuộc sống. Điều trị mụn có thể được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn điều trị ban đầu, nhằm giảm mức độ nghiêm trọng trong một khoảng thời gian tương đối ngắn; giai đoạn duy trì, nhằm ngăn ngừa tái phát. Điều trị mụn trứng cá có thể được yêu cầu thực hiện từ vài tháng đến vài năm. Việc cải thiện triệu chứng ban đầu có thể mất đến 8 tuần. Điều quan trọng là giáo dục bệnh nhân về tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc liên tục và các triệu chứng có thể xuất hiện trở nên tồi tệ hơn trong vài tuần đầu điều trị.

Có nhiều liệu pháp điều trị mụn trứng cá mà không cần kê đơn như các sản phẩm dùng tại chỗ, các sản phẩm điều trị bằng cơ học, tinh dầu và vitamin (BẢNG 2) Việc lựa chọn sản phẩm phụ thuộc vào độ tuổi, sở thích, loại da, vị trí và mức độ nghiêm trọng của mụn.

Trị liệu tại chỗ là tiêu chuẩn chăm sóc đối với các bệnh nhẹ đến trung bình. Có rất nhiều sản phẩm dùng tại chỗ không kê đơn có thể điều trị mụn trứng cá. Các tác nhân tại chỗ chỉ hoạt động ở vị trí và thời điểm chúng được bôi lên. Liệu pháp trị liệu tại chỗ có thể được sử dụng như một liệu pháp đơn trị hoặc kết hợp với các liệu pháp tại chỗ khác và/hoặc các thuốc uống để đồng thời điều trị ban đầu và duy trì mụn trứng cá.

  • Benzoyl Peroxide:

Benzoyl peroxide đã được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá kể từ cuối những năm 1970. Nó có hoạt tính diệt khuẩn chống lại Propionibacterium acnes và thường được sử dụng như là một lựa chọn hàng đầu. Đáp ứng nhanh chóng và có thể thấy hiệu quả sớm nhất là 5 ngày sau khi bắt đầu điều trị. Không có vi khuẩn nào được báo cáo là đề kháng với tác nhân này, làm cho nó trở thành một chất bổ sung lý tưởng cho liệu pháp kháng sinh tại chỗ hoặc đường uống theo đơn.

Benzoyl peroxide vẫn là sản phẩm thông dụng nhất trong các sản phẩm trị mụn không kê đơn. Thuốc có các dạng, liều khác nhau, bao gồm kem, lotion, gel, sữa rửa, với nồng độ từ 2,5% đến 10%. Nó có thể được sử dụng dưới dạng bôi hoặc rửa, tuy nhiên, việc diệt vi khuẩn Propionibacterium acnes  hiệu quả hơn với các sản phẩm bôi. Một số nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt về hiệu quả giữa các nồng độ khác nhau, nhưng có sự gia tăng kích ứng da.  Nên sử dụng nồng độ thấp, sản phẩm dạng nước, sản phẩm dạng rửa cho bệnh nhân có làn da nhạy cảm. Các sản phẩm mới thường kết hợp với chất làm ẩm để làm giảm triệu chứng đỏ da và kích ứng. Bệnh nhân nên được tư vấn về tầm quan trọng của việc tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá mức, sử dụng kem chống nắng và quần áo bảo vệ. Ngoài ra, bệnh nhân cần được cảnh báo về khả năng nhuộm và tẩy trắng vải, tóc.

  • Hydroxy Acids: 

Hydroxy acid được chia thành 2 nhóm: alpha-hydroxy acids (AHAs) và beta-hydroxy acids (BHAs). Hai loại AHA  có trong các sản phẩm OTC gồm acid glycolic từ đường mía và acid lactic từ sữa. Các chất này hiện diện với nồng độ lên đến 10% và có thể được tìm thấy trong nước rửa mặt, kem, sữa dưỡng da và bộ tẩy tế bào chết. Glycolic acid được sử dụng trong công thức của một sản phẩm lột da hoá học có thể hữu dụng cho điều trị các vết lồi nhẹ hay cải thiện nhẹ các vết thương không viêm nhiễm.

Acid Salicylic là BHA duy nhất được sử dụng ngoài da. Đây là một tác nhân gây dị ứng nhưng được xem là ít gây dị ứng hơn benzoyl peroxide; nó có thể được xem xét sử dụng cho các bệnh nhân không dung nạp với benzoyl peroxide hoặc có thể dùng phối hợp với các thuốc khác có hiệu quả hơn. Acid salicylic có trong khá nhiều sản phẩm OTC trị mụn trứng cá với nồng độ trong khoảng từ 0,5 – 2%. Khi được sử dụng ở nồng độ > 2%, nó sẽ liên kết với các tế bào chết ở đây. Cần tránh sử dụng acid salicylic tại chỗ cho các bệnh nhân đái tháo đường hoặc có tuần hoàn máu kém.

  • Lưu huỳnh (Sulfur): 

Lưu huỳnh đã được sử dụng làm trong y học từ hàng trăm năm trước. Nó có tác dụng chống nấm, kháng khuẩn, và tẩy lớp sừng nhẹ. Lưu huỳnh không có hiệu quả điều trị khi sử dụng đơn độc, chúng thường được sử dụng kết hợp với các sản phẩm khác như benzoyl peroxide,acid salicylic, và resorcinol. Các tác dụng phụ tuy hiếm gặp nhưng có thể gặp kích ứng và mẫn cảm nhẹ. Tuy nhiên, mùi khó chịu của lưu huỳnh cũng làm chất này bị hạn chế trong sử dụng.

  • Các tác nhân khác: 

Tinh dầu cây chè là một loại tinh dầu thiết yếu có khả năng kháng khuẩn và kháng nấm rộng. Đã có hai nghiên cứu chứng minh được hiệu quả của tinh dầu chè trong điều trị mụn trứng cá, mặc dù khi so sánh với benzoyl peroxide thì tác dụng của nó vẫn chậm hơn một chút. Nicotinamide là một dẫn xuất của Niacin sử dụng được ở cả đường uống và đường ngoài da trong điều trị mụn trứng cá. Nicotinamide 4% dùng ngoài da đã cho thấy tác dụng tương tự với clindamycin 1% dạng gel tuy nhiên, vẫn cần thêm các nghiên cứu để đánh giá rõ hơn vai trò của nicotinamide trong điều trị căn bệnh này. Retinol là một dạng tự nhiên của vitamin A. Nó biến đổi thành nhiều công thức khác nhau, trong đó có retinoic acid. Trên lý thuyết, retinol ngoài da cũng có những hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá, tuy nhiên vẫn chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh được tác dụng này. Kẽm cũng là một  tác nhân chống lại vi khuẩn P acnes và có thể có hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá nặng và viêm. Các tác động lên đường tiêu hoá khi sử dụng kẽm dạng uống có thể hạn chế sự hữu dụng của nó.

  • Gel Adapalene: 

Vào tháng 7/2016, FDA đã cho phép sử dụng Differin Gel 0.1% (adapalene) trong các chế phẩm OTC cho người từ 12 tuổi trở lên. Sự chấp thuận này đã khiến Differin là thuốc kê đơn đầu tiên trở thành một sản phẩm OTC kể từ năm 1980. Bệnh nhân nay đã có thể tiếp cận với một lựa chọn OTC mới, an toàn và không kém phần hiệu quả. Đây là một điều hết sức quan trọng vì mụn trứng cá hiện nay đang ngày càng trở nên phổ biến. Differin cũng được sử dụng dưới dạng gel 0,3%, tuy nhiên, ở nồng độ này vẫn cần phải sử dụng theo đơn.

Differin là một dạng của retinoid, một nhóm các hoạt chất thường được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá. Differin gắn vào DNA của các tế bào da và làm thay đổi sự sản xuất các enzym cần thiết cho việc tạo thành các tế bào da mới. Bên cạnh đó, nó cũng chống lại quá trình sừng hoá và phát triển quá mức của lỗ chân lông, đồng thời làm giảm các triệu chứng viêm của da. Các cơ chế này làm cho việc tích tụ da chết trong các lỗ chân lông trở nên khó khăn hơn, giúp các lỗ chân lông trở nên khô thoáng. Differin là một chất ưa lipid, vì vậy nó dễ dàng thâm nhập vào các lỗ chân lông một cách nhanh chóng. Một điều quan trọng cần lưu ý là Differin không có tác dụng chữa mụn trứng cá. Nó giúp ngăn chặn sự tạo thành các mảng bám mới, vậy nên các thói quen chăm sóc vệ sinh da cũng nên được thực hiện.

Differin không có các tác dụng toàn thân và nhìn chung là một sự thay thế với tác dụng nhẹ hơn so với các sản phẩm thuốc trị mụn trứng cá tác dụng mạnh. Chương trình phát triển lâm sàng cho Differin gồm 5 nghiên cứu nhằm đánh giá độ an toàn và hiệu quả của nó trong điều trị cho bệnh nhân với mức độ nổi mụn từ nặng đến trung bình. Hiệu quả tối ưu nhất đã được tìm ra, và sự ưu việt khi điều trị bằng Differin khi so sánh với các dẫn chất đã được xác nhận với tổng số các vết tổn thương đã  giảm đến 30 – 50% ở tuần điều trị thứ 12 so với các dữ liệu cơ sở ban đầu. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng cho thấy mụn trứng cá cũng có dấu hiệu giảm dần ngay trong tuần điều trị đầu tiên với liệu pháp Differin.

Mặc dù có rất nhiều chất dùng điều trị mụn, đặc biệt là các nhóm retinoid, nhưng Differin lại là thuốc đầu tiên trở thành thuốc OTC. Điều này có lẽ  do có sự khác biệt rõ ràng giữa Differin và các retinoids về độ an toàn. Differin rất ổn định về mặt hoá học và đã được chứng minh có khả năng dung nạp cực tốt so với các chất khác trong cùng nhóm. Đặc điểm này đã cho phép Differin kết hợp với các hoạt chất điều trị mụn khác như benzoyl peroxide và clindamycin. Không những thế, Differin cũng an toàn khi sử dụng cho phụ nữ mang thai. Rất nhiều retinoid khác gây ra các dị tật bẩm sinh, nhưng không có bất kỳ nghiên cứu nào cho thấy  tác dụng phụ này khi sử dụng Differin tại chỗ.

Differin là một thuốc trị mụn đã được FDA thông qua kể từ năm 1996, tuy nhiên khi hiện nay nó đã có thể sử dụng mà không cần đơn của bác sĩ, việc đưa ra những lời khuyên cho bệnh nhân để sử dụng đúng cách là một điều hết sức quan trọng. Differin làm gia tăng sự nhạy cảm của da, làm da dễ bị cháy nắng, vì vậy bệnh nhân cần phải hết sức lưu ý khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tránh tiếp xúc với tia cực tím và kể cả các loại giường tắm nắng. Differin chỉ được sử dụng tại chỗ một lần mỗi ngày, và không nên bôi lên các vết thương hở, vết cắt, vết xước, vùng da chàm hay vùng da bị tổn thương. Tác dụng phụ thường gặp nhất của Differin là khô da, ngứa và làm da khó chịu. Bệnh nhân nên ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu tình trạng kích ứng trở trên trầm trọng, không có sự cải thiện nào trong 3 tháng khi dùng thuốc mỗi ngày, hoặc nếu có bất kỳ phản ứng dị ứng nào xảy ra.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top