Giải phẫu túi mật và đường mật

Nội dung

1. Giải phẫu túi mật

Túi mật nằm ở hạ sườn bên phải bụng, ở phía dưới gan. Túi mật được chia thành ba phần gồm đáy, thân, cổ. Cổ túi mật đổ vào trong ống túi mật. Ống túi mật thường dài 3 – 4 cm. Ống dẫn mật từ túi mật (ống cổ túi mật) tới ống mật chủ dài 3 - 4cm, đoạn đầu rộng 4 - 5mm, đoạn cuối hẹp 2,5mm. Trong lòng phần trên ống túi mật có những van được gọi là van Heister có chức năng giúp cho ống túi mật không bị gấp lại và làm cho mật lưu thông dễ dàng.

Túi mật bình thường của người trưởng thành có chiều dài từ 7-10 cm và đường kính ngang 3-4 cm. Mỗi túi có thể chứa đến 50ml dịch mật, tham gia vào quá trình hỗ trợ tiêu hóa.

Túi mật là một phần của hệ tiêu hóa. Túi mật có chức năng chính là dự trữ mật. Mật giúp hệ tiêu hóa phân hủy chất béo. Dịch mật là hỗn hợp chứa chủ yếu là cholesterol, bilirubin, muối mật.

 

Giải phẫu của đường mật trong và ngoài gan

Đường mật bao gồm đường mật trong gan và đường mật ngoài gan.

Đường mật trong gan xuất phát từ các tiểu ống trong thuỳ rồi đổ ra các ống quanh thuỳ. Những ống này được nối với nhau và hợp lại ở khoảng cửa tạo thành những ống lớn hơn. Vị trí của đường mật trong gan giống với sự phân chia của tĩnh mạch cửa. Mỗi tĩnh mạch phân thuỳ có một hoặc hai ống mật đi về rốn gan để tạo thành một ống gan phải và một ống gan trái.

Đường mật ngoài gan (đường mật chính) có 4 đoạn: đoạn rốn gan, đoạn trong mạc nối, đoạn sau tá tụy và đoạn trong thành. Hai đoạn đầu góp phần tạo nên cuống gan mà nó gồm các thành phần chính đi và đến gan qua rốn gan là tĩnh mạch cửa, động mạch gan và đường mật chính (ống gan chung) . Trong đó, tĩnh mạch cửa nằm ở mặt phẳng phía sau của cuống gan, mặt phẳng trước gồm đường mật chính đi xuống ở bên phải và động mạch gan đi lên ở bên trái.

 

return to top