✴️ Ngộ độc Carbamat

Nội dung

1. ĐẠI CƯƠNG:

-  Carbamat là hóa chất trừ sâu thuộc nhóm ức chế enzym Cholinesterase như Phospho hữu cơ, Carbamat gắn vào enzym yếu hơn nên enzym dễ hồi phục hơn Phospho hữu cơ. Tác dụng trên lâm sàng của Carbamat và Phospho hữu cơ không khác nhau, chỉ khác nhau về thời gian ngắn.

-  Carbamat hấp thụ dễ dàng qua đường đường tiêu hóa, da và niêm mạc. Các dấu hiệu và triệu chứng nhiễm độc rất thay đổi tùy theo đường nhiễm và mức độ nhiễmđộc.. Có hai loại receptor:  Muscarin (ở hậu hạch phó giao cảm) và Nicotin (ở hạch thần kinh thực vật và ở các điểm nối thần kinh cơ vân-các bản vận động) chịu tác động của Acetylcholin. Vì vậy các triệu chứng lâm sàng rất phức tạp và tập trung thành các hội chứng bệnh lý khác nhau.

2. NGUYÊN NHÂN NGỘ ĐỘC:

-  Tự tử: là nguyên nhân thường gặp.

-  Uống nhầm.

-  Ăn rau quả còn Carbamat tồn dư khi thu hoạch trước thời gian cho phép.

-  Bị đầu độc.

 

3. CHẨN ĐOÁN:

3.1. Chẩn đoán xácđịnh:

a) Triệu chứng lâm sànglà dấu hiệu của cường cholin cấp, có  3 hội chứng :

* Hội chứng Muscarin: sảy ra sớm nhất và hay gặp nhất :

- Kích thích cơ trơn gây co thắt ruột, phế quản, bàng quang, co đồng tử, giảm phản xạ ánh sáng.

- Kích thích tuyến ngoại tiết: tăng tiết nước bọt, dịch ruột, mồ hôi, nước mắt, dịch phế quản... tức ngực, cảm giác chẹn ngực, khó thở, đau bụng, buồn nôn, nôn, ỉa chảy, ỉa đái không tự chủ. Khám thấy tình trạng suy hô hấp, lồng ngực kém di động, nghe phổi có thể thấy rì rào phế nang giảm, có nhiều ran ẩm, đôi khi có ran rít. Biểu hiện tim có thể thấy nhịp chậm xoang, giảm dẫn truyền nhĩ thất, rối loạn nhịp thất.

* Hội chứng Nicotin:

- Giật cơ, máy cơ, co cứng cơ, liệt cơ bao gồm cả các cơ hô hấp.

- Kích thích hệ thần kinh giao cảm: da lạnh, xanh tái, mạch nhanh, huyết áp tăng, giãn đồng tử.

*Hội chứng thần kinh trung ương: thường chỉ gặp trong ngộ độc nặng.

- Lo lắng, bồn chồn, rối loạn ý thức, nói khó, thất điều, nhược cơ toàn thân, hôn mê, mất các phản xạ.

- Ngộ độc nặng: suy hô hấp, trụy mạch, co giật, hôn mê sâu.

b) Triệu chứng cận lâm sàng:

- Các xét nghiệm cơ bản: công thức máu, đông máu cơ bản, urê, đường, creatinin, điện giải máu, AST, ALT máu, amylase máu, nước tiểu, khí máu động mạch.

- Xét nghiệm ChE trong máu: giảm<50%giá trị bình thường tối thiểu.

- Chụp tim phổi: để chẩn đoán nguyên nhân gây suy hô hấp.

- Điện tim: ghi điện tim và theo dõi trên Monitor để phát hiện rối loạn nhịp tim.

- Xét nghiệm độc chất trong máu, nước tiểu, dịch dạ dày bằng sắc ký lớp mỏng, sắc ký khí.

3.2. Chẩn đoán xác định dựa vào:

- Hỏi bệnh: hỏi người bệnh và người nhà về: tên hoá chất, mầu sắc, số lượng, dạng hoá chất (bột, lỏng), yêu cầu người nhà mang tang vật đến (vỏ bao bì, lọ hoá chất….). Hỏi về hoàn cảnh, tâm lý của người bệnh.

- Bệnh sử nhiễm độc cấp rõ ràng: uống hoặc tiếp xúc với thuốc trừ sâu.

- Triệu chứng lâm sàng có hội chứng cường Cholin.

- Enzym Cholinesterase giảm<50% giá trị bình thường tối thiểu.

- Xét nghiệm độc chất Carbamat trong nước tiểu, hoặc trong máu, dịch dạ dày(+).

3.3. Chẩn đoán phân biệt:

- Ngộ độc các hóa chất trừ sâu khác như Phospho hữu cơ.

- Hội chứng Muscarin do ngộ độcnấm.

- Ngộ độc các chất ức chế ChE dùng trong y học như Prostigmin, Neostigmin,...

 

4. ĐIỀU TRỊ:

 4.1. Nguyên tắc:

Điều trị tích cực, sớm, sử dụng thuốc kháng độc đặc hiệu Atropin theo dấu hiệu thấm.

4.2. Cấp cứu ban đầu:

-  Gây nôn nếu người bệnh vừa uống trong giờ đầu: cho uống nhiều nước, móc họng hoặc dùng ống thông mềm đưa sâu vào họng. Đưa ra khỏi vùng có hơi độc (nếu ngộ độc qua đường khí – phải đảm bảo an toàn cho người cứu hộ trước).

-  Than hoạt 20g nếu tỉnh, tốt nhất là uống Antipois 1týp.

-  Tiêm Atropin 1 – 2mg/lần, mỗi 10 – 15 phút cho đến khi thấm Atropin (hết co thắt và tăng tiết hô hấp, da hồng ấm, đồng tử giãn, mạch 90-100 lần/phút). Duy trì thấm Atropine khi vận chuyển.

-  Bảo đảm huyết áp bằng truyền dịch.

-  Bảo đảm hô hấp bằng bóp bóng, đặt nội khí quản, oxy.

-  Đảm bảo dấu hiệu sống trước và trong khi chuyển bệnh nhân.

-  Mang vỏ lọ hoá chất hoặc thức ăn, đồ uống nghi nhiễm hoá chất để xét nghiệm.

-  Gọi điện cho Trung tâm Chống độc để được tư vấn.

4.3. Tại Bệnh viện :

* Sử dụng thuốc kháng độc Atropin:

Duy trì thấm Atropine điều trị dấu hiệu Muscarin, chủ yếu là hết tăng tiết và co thắt phế quản. Tổng liều Atropine từ vài mg đến vài chục mg trong vài ngày, dùng theo tình trạng lâm sàng. Atropin tiêm tĩnh mạch, liều thấp có thể tiêm dưới da, giảm liều dần, ngừng khi liều giảm tới 0,5mg/24giờ. Không cắt Atropin quá sớm hoặc đột ngột vì có thể thiếu Atropin vào ngày thứ 3-5 gây tử vong. Có thể áp dụng bảng điểm Atropin để tránh ngộ độc Atropin.

Bảng: điểm Atropin

Triệu chứng

Ngấm Atropin

Điểm

Quá liều Atropin

Điểm

1. Da

Hồng, ấm

1

Nóng, đỏ

2

2. Đồng tử

3 – 5 mm

1

> 5mm

2

3. Mạch

70 -100lần/phút

1

> 110 lần/phút

2

4. Hô hấp

Không tăng tiết và co thắt, còn đờm dãi lỏng

1

Đờm khô quánh hoặckhông

có đờm

2

5. Tinh thần

Bình thường

0

Kích thích vật vã, sảng hoặc li bì do atropin.

2

6. Bụng

Mềm bình thường

0

Chướng, gõ trong

2

7.Cầu BQ

Không có

0

Căng

2

Cộng điểm

 

)1

 

)2

Ngấm Atropine khi đạt 4- 6 điểm, quá liều Atropin khi đạt > 6 điểm, thiếu Atropine khi đạt < 4 điểm.

 *Các biện pháp hạn chế hấpthu:

-  Ngộ độc đường tiêu hoá: Rửa dạ dày khi đã ổn định tình trạng bệnh nhân.  Pha 40 - 50g than hoạt (hoặc 1 lọ Antipois) với 50 ml nước bơm vào dạ dày trước khi rửa. Số lượng nước rửa 5 lít, có thể pha thêm 20g than hoạt vào dịch rửa. Sau rửa dạ dày, bơm vào dạ dày (20g than hoạt và 30g Sorbitol) hoặc 1 typ Antipois mỗi 2 giờ/lần, tổng là 3-6 lần. Theo dõi để đảm bảo đi ngoài ra than hoạt trong vòng 24 giờ, cho thêm Sorbitol 1g/kg cân nặng nếu sau 24 giờ vẫn không đi ngoài ra thanhoạt.

Chú ý: cởi bỏ quần áo nhiễm hóa chất. Cần tắm, gội tẩy độc nếu ngộ độc đường uống vì thường nôn ra tóc, quần áo.

* Các biện pháp hồi sức:

-  Hô hấp: rất quan trọng, cho thở oxy, đặt nội khí quản hút đờm dãi và thông khí nhân tạo nếu có suy hô hấp. Tuy nhiên nếu dùng Atropine đủ, nhanh chóng đạt tình trạng ngấm thường sẽ tránh được suy hô hấp.

-  Tuần hoàn: Truyền đủ dịch, cho thuốc vận mạch nếu huyết áp vẫn thấp khi đã bù đủ dịch: Noradrenalin, Dopamin, …

-  Cân bằng nước- điện giải: dễ bị mất nước do nôn, ỉa chảy, ăn uống không đủ, do ngộ độc Atropin hoặc ngộ độc nước gây hôn mê do rửa dạ dày không đúng, truyền dịch quá nhiều. Các điện giải cần chủ ý là Natri và Kali, điều chỉnh sớm theo xét nghiệm.

-  Nuôi dưỡng: Bảo đảm 30 – 50Kcalo/kg/ngày bằng cả đường tiêu hoá và tĩnh mạch. Ngộ độc đường uống ngày đầu tiên thường nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn vì dùng than hoạt  và thuốc tẩy. Chế độ ăn kiêng mỡ và sữa.

-  Vệ sinh thân thể, thay đổi tư thế nếu người bệnh hôn mê.

 

5. TIÊN LƯỢNG, BIẾN CHỨNG:

5.1.Tiên lượng:

- Carbamat thường diễn biễn tốt và ổn định sau một vài ngày nếu được điều trị đúng, tích cực.

5.2. Biến chứng:

- Tụt huyết áp, rối loạn nước-điện giải, toan máu do nôn, ỉa chảy, mất dịch.

- Suy thận cấp: do tiêu cơ vân, giảm thể tích, toan chuyển hóa.

- Suy hô hấp do tình tạng tăng tiết dịch và co thắt phế quản.

- Sặc vào phổi (đặc biệt là sặc than hoạt khi có rối loạn ý thức mà không bảo vệ tốt đường thở).

 

6. PHÒNG TRÁNH:

-  Hướng dẫn cách sử dụng, bảo quản hoá chất bảo vệ thực vật.

-  Mở lớp tập huấn về chẩn đoán và xử trí ngộ độc các hoá chất bảo vệ thực vật.

-  Gọi tới Trung tâm Chống độc, nếu cần thêm thông tin.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top