✴️ Ngoại tâm thu thất

Ngoại tâm thu thất (NTTT) là một trong những rối loạn nhịp tim thường gặp. Tuy NTTT có thể xuất hiện trên người bình thường và không gây nguy hiểm, nhưng trường hợp NTTT thường xảy ra trên một bệnh nhân có bệnh tim ,có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

 

I. Triệu chứng lâm sàng:

- .Bệnh nhân có thể không thấy có triệu chứng gì đặc biệt. Nhưng đa số bệnh nhân thấy có cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, hoặc cảm giác hẫng hụt trong ngực.

- Thăm khám lâm sàng: sờ mạchcó thể thấy có nhát rất yếu hoặc không thấy, tiếp đó là khoảng nghỉ dài hơn. Có trường hợp thấy mạch chậm bằng một nửa so với tần số của tim nếu nghe tim đồng thời (khi NTTT kiểu nhịp đôi). Nghe tim có thể thấy những nhát bóp xảy ra sớm và sau đó thường có một khoảng nghỉ bù. Khi bệnh nhân bị rung nhĩ ,trên lâm sàng khó biết được là có NTTT hay không. Khi đó, ĐTĐ mới giúp chẩn đoán chắc chắn được.

II. Điện tâm đồ:

ĐTĐ là thăm dò quan trọng trong chẩn đoán NTTT.

- Nhát NTT được biểu hiện là một nhát bóp đến sớm, phức bộ QRS thường giãn rộng, hình thù khác biệt so với nhát bóp tự nhiên của bệnh nhân, sóng T và đoạn ST đảo hướng so với QRS, không có sóng P đi trước.

- Phức bộ QRS của NTTT này thường đến khá sớm. Một NTTT điển hình thường hay có thời gian nghỉ bù, tức là khoảng RR’R = 2RR.

- NTTT có thể có nhiều dạng (hình dáng khác nhau trên cùng chuyển đạo), nhiều ổ (các khoảng ghép khác nhau).

- Khi cứ một nhát bóp nhịp xoang xen kẽ một NTTT thì gọi là NTTT nhịp đôi, và khi hai nhịp xoang có một NTTT gọi là NTTT nhịp ba...

 

III. Các thăm dò khác:

- Làm đầy đủ các xét nghiệm cơ bản,  đặc biệt chú ý các rối loạn điện giải đồ máu.

- Siêu âm tim rất hữu ích giúp ta phát hiện các tổn thương thực thể ở tim.

- Holter điện tim để xác định các thời điểm xuất hiện, mức độ nguy hiểm và số lượng NTTT trong 24 giờ.

- Nghiệm pháp gắng sức thể lực được chỉ định trong một số tình huống nhất định để phân biệt các NTTT cơ năng (không có bệnh tim thực tổn) hay thực tổn (có bệnh tim thực tổn)...

 

IV. Các dấu hiệu báo hiệu một NTTT nguy hiểm:

-Xảy ra ở bệnh nhân có bệnh tim thực tổn.

-Số lượng NTTT nhiều.

-NTTT đi thành từng chùm hoặc nhịp đôi, nhịp ba.

-NTTT đến sớm (sóng R’ : là sóng R của phức bộ NTTT) sẽ rơi trên sóng T của phức bộ thất trước đó.

-NTTT đa dạng, đa ổ.

 

V. Điều trị:

1. Đối với NTTT cơ năng:(ở bệnh nhân không có bệnh tim thực tổn).

-Thường là lành tính, tiên lượng tốt và không cần điều trị đặc hiệu. Chỉ nên điều trị khi bệnh nhân có triệu chứng cơ năng dồn dập (đau ngực, khó thở...).

-Việc điều trị nên bắt đầu bằng loại bỏ các chất kích thích (càphê, rượu, thuốc lá...). Tập thể dục đều đặn. Nếu bệnh nhân đang dùng các thuốc khác cần lưu ý đến khả năng các thuốc này có thể gây ra NTTT (lợi tiểu, Cocaine, thuốc cường giao cảm...). Chú ý điều chỉnh điện giải trong máu.

-Thuốc lựa chọn (nếu cần) hàng đầu cho điều trị NTTT cơ năng là một loại chẹn bêta giao cảm liều thấp.

2 .Đối với NTTT thực tổn:(trên bệnh nhân có bệnh tim thực tổn) trong giai đoạn cấp tính của bệnh:

 - Thường gặp nhất là trong NMCT cấp và báo hiệu có thể sắp chuyển thành nhịp nhanh thất hoặc rung thất. NTTT có thể xảy ra khi bệnh nhân có phù phổi cấp do các bệnh van tim, viêm cơ tim cấp, viêm màng ngoài tim... Một số bệnh cảnh cần quan tâm: bệnh nhân có hội chứng Prinzmetal, hội chứng tái tưới máu sau dùng thuốc tiêu huyết khối ,sau can thiệp ĐMV.

 - Thuốc hàng đầu là: Lidocain (Xylocain) tiêm TM 80 - 100 mg sau đó truyền TM 1-4mg/ phút. Có thể gặp các tác dụng phụ của Lidocain như: chóng mặt, nôn, ảo giác...

 - Procainamid: thuốc được chọn để thay thế cho Lidocain khi Lidocain không có tác dụng hoặc bệnh nhân không thể dung nạp được. Liều dùng 100mg tiêm TM mỗi 5 phút cho đến tổng liều là 10-20 mg/kg cân nặng, sau đó truyền TM 1-4mg/phút.

 - Chú ý điều chỉnh tốt các rối loạn điện giải (nếu có) và nhanh chóng giải quyết các căn nguyên nếu tìm thấy.

3 .NTTT ở bệnh nhân có bệnh tim mạn tính:

. - Đối với NTTT sau NMCT: Thuốc được lựa chọn là nhóm chẹn bêta giao cảm hoặc Amiodarone..

 - Bệnh cơ tim là một trong những nguyên nhân quan trọng gây NTTT. Nguy-cơ đột tử sẽ tăng cao khi có NTTT.  Trong giai đoạn mạn tính thì nên dùng Amiodarone.

 - Khi gặp NTTT ở bệnh nhân bị bệnh van tim có suy tim nặng thì cần được xử lý ngay.

- Trong trường hợp bệnh nhân ngộ độc Digitalis có NTTT  thì ngừng Digitalis và cho Lidocain, đồng thời điều chỉnh tốt các rối loạn điện giải. Các trường hợp khác có NTTT ở bệnh nhân có bệnh tim mạn tính ta có thể lựa chọn Amiodarone hoặc Sotalol.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top