I. ĐẠI CƯƠNG
1. Định nghĩa
Nội soi phế quản (NSPQ) là thủ thuật dùng một ống soi đưa vào đường thở (gồm mũi họng, thanh khí phế quản) nhằm đánh giá đường thở. Đây là thủ thuật rất có giá trị trong việc chẩn đoán, điều trị và tiên lượng các bệnh lý hô hấp.
2. Những khó khăn thường gặp trong NSPQ ở trẻ em
- Khó khăn về sự hợp tác của bệnh nhi
- Phản xạ co thắt mạnh
- Đường thở của trẻ em nhỏ, hẹp
- Niêm mạc đường thở dễ tổn thương
- Khó khăn về trang thiết bị
II. CHỈ ĐỊNH
1. Chỉ định NSPQ nhằm mục đích chẩn đoán
- Hút dịch phế quản lấy bệnh phẩm
- Nghi ngờ dị vật đường thở
- Nghi ngờ dị dạng đường thở
- Nghi ngờ có u, chèn ép đường thở
- Tổn thương được gợi ý trên hình ảnh X-quang
2. Chỉ định NSPQ nhằm mục đích điều trị
- Bơm rửa phế quản
- Gắp dị vật
- Đặt giá đỡ khí – phế quản stent
- Can thiệp loại bỏ u, nút nhầy bít tắc đường thở
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Không có chống chỉ định tuyệt đối, tuy nhiên cần cân nhắc NSPQ trong những trường hợp sau:
- Suy hô hấp nặng thở máy áp lực cao
- Suy tim nặng
- Trong quá trình NSPQ, tiên lượng nguy cơ xảy ra tai biến để ra quyết định ngừng soi.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
1 bác sỹ, 2 kỹ thuật viên được đào tạo về NSPQ.
2. Phương tiện
- Phòng NSPQ: được trang bị hệ thống oxy, máy gây mê, đầy đủ các phương tiện cấp cứu theo cơ số.
- Dàn máy NSPQ gồm màn hình, đầu nhận tín hiệu, nguồn sáng, máy hút, phương tiện lưu hình ảnh .
- Ống soi các kích cỡ phù hợp với lứa tuổi người bệnh.
- Mask nội soi phế quản, sonde hút, bơm 5ml, bơm 10ml, kìm sinh thiết, pince gắp dị vật…
- Thuốc gây mê, gây tê, dịch truyền, thuốc cấp cứu theo cơ số.
3. Người bệnh
- Giải thích kỹ cho người bệnh và gia đình người bệnh về lý do cần thiết phải soi phế quản, các tai biến có thể xảy ra.
- Gia đình người bệnh viết giấy cam đoan đồng ý gây mê và làm thủ thuật
- Người bệnh được làm đủ các xét nghiệm cơ bản: Công thức máu, X- quang phổi, đông máu cơ bản, chức năng gan – thận.
- Khai thác tiền sử các bệnh lý khác: bệnh tim mạch, dị ứng, vv…
- Người bệnh nhịn ăn hoàn toàn trước khi nội soi phế quản 4-6 giờ
- Đặt đường truyền tĩnh mạch.
- Vận chuyển người bệnh an toàn.
4. Hồ sơ bệnh án
. Ghi đầy đủ thông tin cá nhân và tình trạng trẻ trước nội soi.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Kiểm tra hồ sơ
Thông tin cá nhân, tình trạng lâm sàng, chỉ định nội soi.
2. Kiểm tra người bệnh
3. Thực hiện kỹ thuật
- Người bệnh được theo dõi liên tục nhịp tim, huyết áp, nồng độ oxy trong máu. Khi cần thiết, cung cấp oxy hoặc h hấp hỗ trợ .
- Tùy trường hợp và mục đích nội soi phế quản mà áp dụng phương pháp gây mê toàn thân bằng đường tĩnh mạch hoặc đường hô hấp hoặc chỉ gây tê tại chỗ.
- Người bệnh sẽ nằm ở tư thế ngửa cổ.
- Tiến hành gây tê tại chỗ bằng lidocain ở mũi và thành họng
- Đưa ống nội soi mềm qua đường mũi hoặc họng (một số trường hợp phải đưa qua ống nội khí quản hoặc canuyl khí quản).
- Xác định vị trí thanh quản; tiến hành gây tê vùng thanh quản rồi đưa ống soi qua hai dây thanh.
- Đưa ống soi thăm dò khí quản và cây phế quản từ từ, vừa soi vừa quan sát, mô tả hình thái, tổn thương đường thở. Tuân thủ nguyên tắc “gây tê đi trước, ống soi đi sau”.
- Ghi nhận xét diễn biến quá trình soi, ghi kết quả nội soi phế quản.
- Bàn giao người bệnh và tiếp tục theo dõi sát người bệnh tại bệnh phòng.
- Tiệt trùng dụng cụ: Ngay sau khi sử dụng, ống nội soi, kìm, pince phải được ngâm, rửa, tiệt trùng, bảo quản đúng quy trình.
VI. THEO DÕI
Sau khi được nội soi phế quản, phải theo dõi người bệnh liên tục trong vòng 1 đến 2 giờ nhịp thở, SpO2, nhịp tim, huyết áp đến khi thuốc hết tác dụng hẳn và người bệnh có thể nuốt bình thường trở lại.
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
- Co thắt, phù nề đường thở: khí dung, corticoid
- Chảy máu đường thở: Adrenalin
- Suy hô hấp: hỗ trợ hô hấp nhân tạo
- Ngừng thở, ngừng tim: Hô hấp nhân tạo, xoa tim ngoài lồng ngực, adrenalin, hồi sức tích cực.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp