✴️ Viêm loét dạ dày có phải mổ không?

Viêm loét dạ dày có phải mổ không? là nỗi lo của rất nhiều bệnh nhân sau khi được chẩn đoán mắc bệnh lý này. Thực tế, đây là bệnh tiêu hoá phổ biến, hầu hết đều có thể tiến hành điều trị nội khoa (dùng thuốc) hiệu quả. Tuy nhiên, nếu bệnh phát sinh biến chứng, phương án điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) sẽ được chỉ định. 

 

1. Hiểu về viêm loét dạ dày

1.1 Bệnh viêm loét dạ dày là gì?

Viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc (mang nhầy) có tác dụng bảo vệ dạ dày bị viêm và loét. Lúc này, lớp mô bên dưới thành dạ dày bị lộ ra sau khi lớp niêm mạc bảo vệ cuối cùng của dạ dày bị bào mòn.

Niêm mạc dạ dày bị tổn thương viêm, hình thành các vết loét

 

1.2 Nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày là tình trạng tổn thương niêm mạc dạ dày do mất cân bằng giữa yếu tố tấn công (acid, pepsin, vi khuẩn...) và yếu tố bảo vệ (chất nhầy, bicarbonat, tưới máu niêm mạc...).

Theo thống kê, nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày là nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP). Vi khuẩn này cư trú ở lớp nhầy niêm mạc dạ dày, tiết ra enzyme urease và các độc tố khác, làm tăng khả năng tổn thương niêm mạc bởi dịch vị acid.

Một nguyên nhân phổ biến khác là việc lạm dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như aspirin, diclofenac, ibuprofen… Các thuốc này ức chế tổng hợp prostaglandin – một chất có vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày, dẫn đến nguy cơ loét dạ dày, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc sử dụng thuốc kéo dài.

Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến lối sống và tâm lý cũng góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng viêm loét, bao gồm:

  • Sử dụng rượu bia, thuốc lá, cà phê và các chất kích thích khác.

  • Căng thẳng, stress kéo dài, rối loạn giấc ngủ.

  • Chế độ ăn uống thiếu khoa học, ăn không đúng giờ, ăn thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ.

1.3 Triệu chứng thường gặp của viêm loét dạ dày

Người mắc viêm loét dạ dày có thể gặp các triệu chứng lâm sàng sau:

  • Đau vùng thượng vị: là triệu chứng phổ biến nhất, thường xuất hiện sau ăn hoặc khi đói, có thể âm ỉ hoặc đau từng cơn, kèm cảm giác nóng rát vùng trên rốn.

  • Ợ hơi, ợ chua, chướng bụng, buồn nôn, có thể nôn ra dịch chua hoặc dịch có máu.

  • Giấc ngủ bị gián đoạn: do cơn đau xuất hiện về đêm hoặc khi dạ dày rỗng.

  • Khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, có thể đi kèm tiêu chảy hoặc táo bón.

Tùy vào mức độ bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc, thay đổi lối sống hoặc can thiệp ngoại khoa nếu có biến chứng.

2. Chỉ định phẫu thuật trong viêm loét dạ dày

2.1 Khi điều trị nội khoa thất bại

Phẫu thuật được cân nhắc khi:

  • Bệnh nhân không đáp ứng với phác đồ điều trị nội khoa (diệt HP, bảo vệ niêm mạc…).

  • Ổ loét có nguy cơ tiến triển thành loét xơ chai, thủng, xuất huyết nặng hoặc ung thư hóa.

Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ một phần dạ dày chứa ổ loét. Sau mổ, bệnh nhân cần nằm viện theo dõi từ 7–10 ngày, tuân thủ chế độ ăn mềm, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, và dùng thuốc hỗ trợ tiêu hóa, chống tái phát.

2.2 Khi có biến chứng hẹp môn vị

Hẹp môn vị là một biến chứng nặng của loét dạ dày mạn tính. Khi ổ loét lâu ngày gây xơ hóa và làm biến dạng vùng môn vị, thức ăn không thể lưu thông xuống ruột non, gây:

  • Tắc nghẽn dạ dày, dẫn đến giãn dạ dày.

  • Nôn ói thức ăn cũ, mệt mỏi, mất nước, rối loạn điện giải.

Phẫu thuật mở rộng hoặc tạo hình môn vị, hoặc cắt một phần dạ dày có thể được chỉ định để giải quyết tắc nghẽn.

\

Môn vị hẹp chặn đường lưu thông của thức ăn đến ruột non

 

Hẹp môn vị gây ra các triệu chứng như đau thượng vị, nôn nhiều, dịch nôn có màu xanh đen, đầy bụng, khó tiêu,… Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời. Do đó, ngay khi nhận thấy các triệu chứng nêu trên, người bệnh cần nhanh chóng đến ngay phòng khám gần nhất để được điều trị.

Ở trường hợp này, các bác sĩ có thể tiến hành cắt bỏ đoạn môn vị bị hẹp cùng với một phần của dạ dày. Sau đó, nối trực tiếp dạ dày với phần đầu ruột non, “làm mới” lại một phần đường tiêu hóa.

2.3 Biến chứng thủng dạ dày

Thủng dạ dày là một biến chứng cấp tính, nguy hiểm của viêm loét dạ dày, thường xảy ra khi ổ loét ăn sâu xuyên qua lớp cơ và thanh mạc dạ dày, tạo thành lỗ thủng. Dịch tiêu hóa, acid và vi khuẩn sẽ thoát ra khỏi lòng dạ dày, tràn vào ổ bụng, gây viêm phúc mạc lan tỏa – một tình trạng đe dọa tính mạng.

Triệu chứng điển hình gồm:

  • Đau bụng dữ dội đột ngột, như dao đâm vùng thượng vị.

  • Vã mồ hôi, thở nhanh, mạch nhanh, tụt huyết áp.

  • Bụng co cứng như "phản ứng ván gỗ".

Xử trí: Hầu hết các trường hợp thủng dạ dày đều cần can thiệp ngoại khoa khẩn cấp. Tùy vào kích thước và vị trí thủng, bác sĩ có thể lựa chọn:

  • Khâu lỗ thủng đơn thuần nếu bệnh nhân ổn định và thủng nhỏ.

  • Cắt đoạn dạ dày nếu loét xơ chai, tái phát nhiều lần hoặc nghi ngờ ác tính.

Nếu không được phẫu thuật kịp thời, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quantử vong.

2.4 Biến chứng chảy máu tiêu hóa

Viêm loét dạ dày tiến triển có thể gây chảy máu tiêu hóa trên, do ổ loét xâm lấn vào mạch máu dưới niêm mạc. Đây là một cấp cứu nội tiêu hóa thường gặp, biểu hiện qua:

  • Nôn ra máu (máu tươi hoặc dịch nâu sẫm).

  • Đi ngoài phân đen (melena).

  • Hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh, tụt huyết áp nếu mất máu nhiều.

Xử trí:

  • Với các trường hợp chảy máu nhẹ đến trung bình, bệnh nhân sẽ được:

    • Nội soi tiêu hóa cầm máu (tiêm xơ, kẹp clip, đốt điện…).

    • Dùng thuốc ức chế bài tiết acid, truyền dịch, truyền máu nếu cần.

  • Với trường hợp chảy máu ồ ạt, không đáp ứng với nội soi cầm máu, hoặc tái phát nhiều lần:

    • Bệnh nhân cần được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ ổ loét, khống chế mạch máu chảy và xử trí các tổn thương liên quan.

Đây là tình trạng nguy cấp, đòi hỏi điều trị sớm tại cơ sở y tế có khả năng nội soi và phẫu thuật tiêu hóa.

Máu ở niêm mạc dạ dày khiến người bệnh nôn, đi ngoài ra máu

 

2.5 Phẫu thuật viêm loét dạ dày khi có các dấu hiệu ung thư dạ dày

Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của viêm loét dạ dày. Do đó, điều trị ngoại khoa là chỉ định cần thiết vì nguy cơ tử vong khi mắc bệnh khá cao. Bệnh nhân có các triệu chứng như đau thượng vị, vẫn đau kể cả khi đã dùng thuốc, đau không theo chu kỳ. Người bệnh gầy, sút cân rất nhanh, ăn không ngon và đắng miệng.

Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt 1 phần dạ dày để tránh phát triển khối u ác tính và di căn không thể cứu chữa. Trong trường hợp vết loét lan rộng và các tế bào ung thư đã di căn ra toàn bộ dạ dày, sẽ phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ và nối trực tiếp thực quản với ruột non.

 

3. Tìm hiểu các phương pháp phẫu thuật viêm loét dạ dày

Tùy vào tính nghiêm trọng của bệnh lý và nhu cầu của người bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị ngoại khoa phù hợp. Các phương pháp phẫu thuật được phân loại dựa trên kỹ thuật và vị trí mổ, cụ thể:

3.1 Kỹ thuật cắt dạ dày

Bao gồm cắt dạ dày mổ mở và cắt dạ dày nội soi. Trong đó:

– Cắt dạ dày mổ mở là phương pháp phẫu thuật kinh điển dùng đường mổ dài giữa bụng để lấy đi một hay toàn phần dạ dày bị viêm. 

– Cắt dạ dày nội soi với công nghệ tiên tiến hơn sẽ dùng nhiều vết cắt nhỏ, ống soi đặc biệt để đưa ra ngoài một phần hay toàn bộ dạ dày.

Bệnh nhân sử dụng kỹ thuật mổ nội soi thường hồi phục nhanh và ít đau hơn so với mổ mở. Tuy nhiên, mổ mở lại hiệu quả hơn nội soi trong điều trị ung thư dạ dày tiến triển.

3.2 Vị trí cắt dạ dày

Tùy theo mức độ tổn thương ở dạ dày mà bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định cắt dạ dày bán phần hoặc toàn bộ:

– Cắt dạ dày bán phần: Phần dưới của dạ dày sẽ được lấy đi kèm với các hạch lân cận vì các hạch này cũng có thể bị tế bào ung thu di căn. Sau khi cắt đi phần dưới dạ dày, sẽ thức hiên khâu nối phần tá tràng và ruột non lại. 

– Cắt dạ dày toàn bộ: Bác sĩ sẽ lấy đi toàn bộ dạ dày, rồi sau đó nối trực tiếp thực quản với ruột non.

Minh họa hai vị trí cắt viêm loét dạ dày

 

Điều trị ngoại khoa bệnh viêm loét dạ dày mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng có nhiều nguy hiểm. Do đó, mổ chỉ được chỉ định khi bệnh diễn tiến thành các biến chứng. Và bệnh nhân không thể đáp ứng được các phương pháp điều trị nội khoa. Người bệnh cũng cần hết sức lưu tâm đến các di chứng sẽ gặp phải khi thực hiên phương pháp can thiệp phẫu thuật này. Hy vọng những giải đáp nêu trên đã giúp các bạn có câu trả lời cho những lo lắng như: Viêm loét dạ dày có phải mổ không?

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top