✴️ Nhiễm ký sinh trùng đường ruột ở trẻ em (Phần 2)

3.2. Nhiễm sán ở trẻ em

3.2.1. Bệnh sán máng (Schistosomasis):

Thường gặp ở những người đi bơi hay lội qua vùng nước ngọt, do ấu trùng đuôi xâm nhập qua da, tùy theo vùng địa lý sẽ bị nhiễm loại sán khác nhau.

Triệu chứng lâm sàng thay đổi tùy theo loài gây bệnh và mật độnhiễmsán: sốt, viêm da, triệu chứng ở đường tiêu hóa đặc trưng là đau bụng kiểu đại tràng, gan to, đôi khi tăng áp tĩnh mạch cửa.

Chẩn đoán: dựa vào sự phối hợp giữa tiền sử bệnh lý, biểu hiện lâm sàng đặc trưng và sự hiện diện của trứng trong các chất bài tiết kết hợp với huyết thanh chẩn đoán.

Điều trị: thuốc được lựa chọn là Praziquantel

  • S. mansoni, S. intercalatum, S. Haematobium: Prariquartel 40mg/kg/ngày, chia 2 lần trong 1 ngày.
  • S. japonicum, S. Mekongi: Prariquartel 60mg/kg/ngày, chia 3 lần trong 1 ngày.

3.2.2. Bệnh sán lá gan:

*Bệnh sán lá Clonorchis: là do nhiễm Clonorchis sinensis, người bị nhiễm do ăn cá nước ngọt chứa ấu trùng đuôi trưởng thành còn sống hoặc nấu không kỹ.

  • Triệu chứng lâm sàng: không rõ ràng thường là không có triệu chứng, có thể gây đau mơ hồ vùng hạ sườn phải nếu nhiễm sán ở mức độ trung bình và nặng.

*Bệnh sán lá Fasciola: do nhiễm Fasciola hepatica; người bị nhiễm do dùng nước ô nhiễm hoặc ăn phải rau cải được rửa trong các loại nước này.

  • Triệu chứng xuất hiện khi ký sinh trùng di chuyển (1- 2 tuần sau khi nhiễm sán), bệnh nhân sốt, đau hạ sườn phải, gan to.
  • Chẩn đoán: dựa vào tiền căn địa lý, tăng bạch cầu ái toan trong máu. Xét nghiệm huyết thanh học có giá trị trong chẩn đoán.
  • Điều trị:
    • C. Sinensis:  Praziquantel 75mg/kg/ngày, chia 3 lần trong 1 ngày. Hoặc Albendazole 10mg/kg/ngày, trong 7 ngày.
    • F. hepatica: Triclabendazole 10mg/kg 1 liều duy nhất.

3.2.3. Bệnh sán lá phổi:

Do nhiễm sán lá phổi Paragonimus westermani, người bị nhiễm do ăn phải ấu trùng nang lây nhiễm trong cơ và nội tạng của tôm và cua nước ngọt.

Triệu chứng biểu hiện rõ rệt trên những người bị nhiễm sán ở mức độ trung bình hay nặng, thường là ho khạc đờm nâu hay ho ra máu, có thể có dấu hiệu của viêm màng phổi. Trong trường hợp mạn tính có thể gặp biểu hiện của viêm phế quản hay dãn phế quản.

Chẩn đoán: dựa vào việc phát hiện trứng sán trong đờm hoặc trong phân. Huyết thanh chẩn đoán có giá trị trong trường hợp tìm trứng cho kết quả âm tính.

Điều trị: Praziquantel 75mg/kg/ngày, chia 3 lần trong 2 ngày.

3.2.4.Bệnh sán dây:

*Bệnh sán dây bò do Taenia saginata:

  • Người bị nhiễm do ăn thịt bò sống hoặc chưa nấu chín.
  • Triệu chứng  lâm sàng có thể đau nhẹ hay khó chịu ở bụng, buồn nôn, ăn mất ngon, mệt mỏi và sụt cân. Bệnh nhân biết mình nhiễm sán thường là thấy các đốt sán trong phân.
  • Chẩn đoán: được xác định khi phát hiện ra trứng hơặc đốt sán trong phân, nếu không tìm thấy có thể kiểm tra vùng hậu môn bằng cách dán 1 dải giấy bóng kính như cách tìm giun kim. Xét nghiệm máu thấy tăng bạch cầu ái toan.
  • Điều trị: Liều duy nhất Praziquantel 5 - 10mg/kg

*Bệnh sán dây heo do Taenia solium và bệnh do Cysticercus: người bị nhiễm do ăn thịt heo nấu không chín.

  • Nhiễm T. solium
    • Triệu chứng lâm sàng: thỉnh thoảng bệnh nhân cảm thấy khó chịu ở vùng thượng vị, buồn nôn, sụt cân và tiêu chảy. Bệnh nhân có thể thấy đốt sán ra theo phân.
    • Chẩn đoán xác định khi tìm thấy trứng hơặc đốt sán trong phân.
    • Điều trị: Liều duy nhất Praziquantel 5 - 10mg/kg
  •  Bệnh do Cysticercus
    • Triệu chứng lâm sàng: hay có biểu hiện thần kinh, khi có phản ứng viêm quanh ấu trùng trong nhu mô não, thường xuất hiện động kinh. Các dấu hiệu tăng áp lực nội sọ gồm nhức đầu, buồn nôn, nôn, biến đổi thị lực, mất điều hòa, chóng mặt hoặc hay nhầm lẫn. Ở bệnh nhân bị tràn dịch não thất có thể thấy phù gai thị và rối loạn tâm thần. Ngoài ra có thể tìm thấy những nốt dưới da.
    • Chẩn đoán xác định khi tìm thấy ấu trùng từ những mẫu sinh thiết mô học qua kính hiển vi hoặc phát hiện ký sinh trùng khi soi đáy mắt. CT hoặc MRI não có thể phát hiện ấu trùng nang sán trong não thất. Huyết thanh chẩn đoán có giá trị trong trường hợp này.
    • Điều trị: Điều trị triệu chứng động kinh và tràn dịch não thất (nếu có) Praziquantel 50 - 60mg/kg/ngày, chia 3 lần/ngày trong 15 ngày
      • Hoặc: Albendazole 15mg/kg/ngày (tối đa 800mg),chia 2 lần/ngày trong 8 – 28 ngày.

*Bệnh sán dây chó do nhiễm Echinococcus granulosus hay E. multilocularis, ký chủ vĩnh viễn là chó, thải trứng qua phân. Bệnh thường gặp ở các vùng có gia súc nuôi chung với chó.

Nhiễm Echinococcus ở gan

  • Triệu chứng lâm sàng : thường đau bụng hay sờ thấy khối u ở vùng hạ sườn phải. Có triệu chứng giống như sỏi mật tái phát và nghẽn mật có thể gây vàng da.
  • Chẩn đoán: X quang phổi có thể phát hiện các nang ở phổi
    • CT ngực khối u hoặc vách nang can xi hóa
    • Huyết thanh chẩn đoán có thể có giá trị nhưng nếu âm tính không loại trừ được nhiễm Echinococcus.
  • Điều trị: Phẫu thuật cắt bỏ nang sán phối hợp với Albendazole
    • Albendazole 15mg/kg/ngày chia làm 2 lần (tối đa 800mg/ngày), bắt đầu tối thiểu 4 ngày trước khi thực hiện thủ thuật, tiếp tục ít nhất 4 tuần sau đối với E.granulosus và 2 năm đối với E. multilocularis.

*Bệnh Gnathostoma do Gnathostoma spinigerum hay Gnathostoma hispidum.

  • Triệu chứng lâm sàng :Người bị nhiễm có triệu chứng ngứa ngoài da do ấu trùng di chuyển, đau bụng, đôi khi có thể gặp triệu chứng ho hoặc tiểu máu.
  • Điều trị: Albendazole 400mg/ngày chia 2 lần trong 21 ngày
    • Hoặc: Ivermectin 200 µg/kg/ngày trong 2 ngày
    • Có thể kết hợp với phẫu thuật cắt bỏ nang.

3.3. Nhiễm đơn bào

3.3.1. Bệnh amip:

Là bệnh nhiễm trùng do đơn bào Entamoeba histolityca gây ra. Người mắc bệnh khi nuốt bào nang của chúng từ nước, thức ăn hoặc tay bị nhiễm phân.

- Các dạng lâm sàng

Bệnh amip ở ruột: Viêm đại tràng do amip: đau bụng dưới và tiêu chảy nhẹ tiến triển từ từ, sau đó là uể oải, sụt cân và tiêu phân nhầy máu.

  • Áp-xe gan do amip: Bệnh nhân sốt và đau ha sườn phải, thường gặp điểm đau trên gan và tràn dịch màng phổi phải. Áp-xe vỡ vào phúc mạc có thể gây đau bụng cấp, nếu áp-xe ở thùy trái gan có thể vỡ vào màng ngoài tim có tiên luợng xấu nhất.
  • Những vị trí nhiễm ký sinh trùng ngoài ruột khác: đường tiết niệu sinh dục có thể bị ảnh hưởng (loét sinh dục gây ðau).

- Chẩn đoán:

  • Xét nghiệm phân tìm thấy thể E. histolytica ăn hồng cầu.
  • Huyết thanh chẩn đoán có giá trị.
  • Siêu âm bụng, CT scan hoặc MRI phát hiện nang.

- Điều trị: Metronidazole 35 – 50mg/kg/ngày, chia làm 3 lần trong 7 – 10 ngày uống hoặc IV.

Hoặc: Tinidazole 50mg/kg/ngày (tối đa 2g) trong 5 ngày.

3.3.2. Bệnh giardia:

- Do đơn bào Giardia lamblia gây ra, người bị nhiễm bệnh khi ăn phải những bào nang có trong thức ăn và nước uống bị nhiễm.

- Triệu chứng lâm sàng : Đa số là không có triệu chứng hoặc nếu có là bệnh nhân tiêu chảy nhiều, buồn nôn, nôn, sưng phù và đau bụng.

- Chẩn đoán:

  • Xét nghiệm phân tươi tìm bào nang hoặc thể tư dưỡng.
  • Tìm kháng nguyên của ký sinh trùng trong phân.

- Điều trị: Metronidazole 15 – 30mg/kg/ngày, chia làm 3 lần trong 5 ngày uống.

Hoặc Tinidazole 50mg/kg, liều duy nhất, (tối đa 2g)

Hoặc Furazolidone 6mg/kg/ngày, chia làm 4 lần trong 7 – 10 ngày uống.

 

4. PHÒNG NGỪA

- Rửa tay cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi tiêu.

- Cho trẻ ăn chín, uống nước chín đun sôi để nguội.

- Cho trẻ đi tiêu đúng hố xí hợp vệ sinh.

- Vệ sinh thân thể cho trẻ, thường xuyên giặt mùng mền chiếu gối.

- Rửa đồ chơi cho trẻ thường xuyên.

- Sổ giun định kỳ 6 tháng một lần.

- Không cho trẻ đi chân đất nhất là ở những vùng có trồng hoa màu, trồng cây ăn trái.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top