✴️Phẫu thuật dị tật dính ngón, bằng và dưới 2 ngón tay

Nội dung

I. ĐẠI CƯƠNG

– Dính ngón là dị tật bẩm sinh của bàn tay. Dính ngón có thể ở dạng đơn giản hoặc phức tạp. Cách điều trị duy nhất là phẫu thuật tách ngón chuyển vạt da, chuyển vạt kết hợp vá da dày toàn bộ hoặc vá da dày hoàn toàn.

– Lâm sàng
+ Đơn giản: chỉ dính da đơn thuần một phần hoặc toàn bộ giữa hai ngón.
+ Phức tạp: dính da + xương ở đốt III, đốt II, đốt I
+ Dính toàn bộ các ngón hội chứng Apert hay còn gọi là bàn tay, bàn chân vịt.
+ Dính ngón kết hợp thiểu sản ngón, thiếu đốt hoặc thiếu ngón tay toàn bộ, ngấn ối ngón.
+ Dính kết hợp cong vẹo các ngón tay.

– X quang: chụp X quang bàn tay, bàn chân để đánh giá mức độ dính xương ở phần nào, có biến dạng xương, thiếu đốt hay không.

 

II. CHỈ ĐỊNH

Người bệnh có dị tật dính ngón bàn tay.

 

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Các trường hợp chống chỉ định chung của phẫu thuật như rối loạn đông máu, nhiễm trùng cấp tính.

 

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

Bác sĩ phẫu thuật viên, điều dưỡng, kỹ thuật viên được đào tạo về phẫu thuật chỉnh hình.

2. Phương tiện

Bộ dụng cụ phẫu

3. Người bệnh

– Người bệnh ký vào giấy chấp nhận phẫu thuật sau khi nghe bác sỹ giải thích.

– Vệ sinh vùng mổ.

4. Hồ sơ bệnh án

Đầy đủ theo quy định

 

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Kiểm tra hồ sơ

Kiểm tra lại chỉ định, chống chỉ định và cam kết đồng ý thực hiện phẫu thuật.

2. Kiểm tra người bệnh

– Tình trạng toàn thân

– Thời gian nhịn ăn

3.Thực hiện kỹ thuật

 – Kháng sinh dự phòng trước mổ.

 – Gây mê toàn thân kèm theo gây tê vùng.

 – Vô trùng vùng mổ.

 – Nguyên tắc phẫu thuật.

 + Nếu hai ngón dính nhau có thể phẫu thuật một thì.

 + Nếu dính 3 ngón trở lên phẫu thuật làm nhiều thì, ưu tiên mạch máu cho mỗi ngón, chỗ ổn định mới phẫu thuật tách tiếp thì 2, thì 3.

 – Phẫu thuật.

+ Thể đơn giản: tạo hình vạt da chữ Z hai mặt mu và gan tay, bảo vệ tốt mạch máu và thần kinh ngón tay.

+ Thể phức tạp: tách ngón và tạo hình, tách chia phần xương dính nhau, chuyển vạt da chữ Z, kết hợp vá dạ dày toàn bộ, cố định đinh kirschner trong trường hợp bị lệch trục ngón.

 

VI. THEO DÕI

– Băng vừa phải tránh chèn ép mạch gây hoại tử.

– Sau 5 ngày tiến hành tiến hành thay băng kiểm tra vết mổ, nếu tốt cho bó bột bàn ngón mục đích để bất động và giữ độ ẩm để da chóng hồi phục. Để bột 1 tháng sau đó thay bột kiểm tra đánh giá tình trạng tại chỗ để có thể tập phục hồi chức năng và mang nẹp cố định nếu cần.

– Sau khi bó bột có thể rút đinh kirschner ((nếu có).

– Khám lại định kỳ 1 tháng 1 lần.

 

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

 – Hoại tử vạt da sau ghép :Cắt lọc tổ chức hoại tử, ghép da dày.

 – Hoại tử ngón do chèn ép bột hoặc mất mạch nuôi: Băng vừa phải, cắt chỉ vết mổ giải phóng chèn ép.

– Sẹo co cứng, hạn chế chức năng: Cắt sẹo ghép da dày.

Trích “Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật Nhi khoa” – BỘ Y TẾ

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top