✴️ Phẫu thuật u thần kinh trên da

Nội dung

I. ĐẠI CƯƠNG

Bệnh lý u thần kinh trên da bao gồm một nhóm các bệnh lý thần kinh có biểu hiện bằng các tổn thương lành tính trên da, có thể kèm theo các triệu chứng loạn sản của cơ quan khác.
Nhóm bệnh này bao gồm:
– U xơ sợi thần kinh ( NF1, NF2 )
– Lao củ
– Bệnh lý von Hippel- Lindau
– Hội chứng Sturge Weber
– Hội chứng Wyburn Mason (u mạch hình chùm hoa)

 

II. CHỈ ĐỊNH

– Người bệnh có khối u gây đau, nguy cơ ung thư hoá
– Khối u tăng nhanh về kích thước, ảnh hưởng đến chức năng hoặc thẩm mỹ.

 

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên với các khối u nhỏ, không phát triển, không ảnh hưởng chức năng thì việc chỉ định lấy u cần cân nhắc.

 

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện:
– Phẫu thuật viên: 1 bác sĩ mổ chính và 2 người phụ
– 1 bác sĩ gây mê và 1 phụ mê
– 1 điều dưỡng dụng cụ và 1 điều dưỡng chạy ngoài

2. Người bệnh

– Người bệnh được vệ sinh thân thể sạch sẽ.
– Người bệnh được làm điện cơ, điện thần kinh vùng chi tổn thương
– Hồ sơ bệnh án đầy đủ các phần: tiền sử, bệnh sử, khám lâm sàng, xét nghiệm cơ bản, chụp phim MRI (nếu cần), giải thích lý do cần phẫu thuật, hội chẩn thông qua mổ.
– Gia đình kí hồ sơ cam đoan phẫu thuật sau khi được bác sĩ giải thích kĩ tình trạng bệnh và các nguy cơ tai biến.

3. Phương tiện

– Bàn mổ, phương tiện gây mê, gây tê.
– Bộ dụng cụ phẫu thuật thần kinh ngoại biên.
– Bộ dụng cụ cò súng (Kerrison) các kích cỡ 1mm-4mm.
– Gạc con: 10 gói; gạc cầu : 1 gói; 1 sợi chỉ prolene 5.0; 1 sợi chỉ vicryl 3.0 hoặc 4.0; 1 sợi chỉ Dafilon 3.0 hoặc chỉ tự tiêu (khâu thẩm mĩ); 1 gói cầm máu surgical.

 

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Tư thế : tuỳ thuộc vị trí khối u có thể nằm ngửa, sấp.

2. Vô cảm: gây tê tại chỗ, gây tê vùng, gây tê đám rối, gây mê nếu người bệnh không hợp tác (trẻ nhỏ).

3. Kĩ thuật:

– Rạch da, kích thước tuỳ thuộc vị trí khối u.
– Tách cân cơ
– Bộc lộ phần khối u
– Kiểm soát cuống khối u
– Tách khối u khỏi phần tổ chức xung quanh dựa theo vỏ (ranh giới )
– Cắt bỏ khối u
– Cầm máu bằng dao lưỡng cực (bipolar)
– Đóng cân cơ
– Đóng da 2 lớp

 

VI. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

1. Theo dõi:
Toàn thân, tình trạng vết mổ (chảy máu, nhiễm khuẩn), tình trạng vận động cảm giác của chi. Về theo dõi sau này đánh giá khả năng tái phát hoặc nguy cơ ung thư hoá.

2. Xử trí tai biến:
– Chảy máu: băng ép, khâu cầm máu, mổ lại nếu tụ máu nhiều gây hội chứng chèn ép.
– Nhiễm khuẩn: sử dụng kháng sinh dự phòng, chăm sóc thay băng vết mổ. Trường hợp áp xe, cần tách vết mổ, dẫn lưu hay mổ lại làm sạch.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top