✴️ Viêm tai giữa ứ dịch điều trị như thế nào?

Nội dung

Viêm tai giữa ứ dịch là sự ứ dịch của tai giữa phía sau một màng tai không thủng. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là di nhiễm khuẩn, rối loạn chức năng vòi,…. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Viêm tai giữa ứ dịch điều trị như thế nào

Viêm tai giữa ứ dịch là sự ứ dịch của tai giữa phía sau một màng tai không thủng

 

Nguyên nhân gây viêm tai giữa ứ dịch

Nguyên nhân gây viêm tai giữa ứ dịch là do nhiễm khuẩn, rối loạn chức năng vòi, dị ứng, giảm khả năng miễn dịch, các yếu tố về xã hội và môi trường cũng có thể gây nên căn bệnh này. Tuy nhiên căn nguyên chính gây bệnh đó là do sự chưa trưởng thành về cấu trúc, chức năng của vòi nhĩ ở lứa tuổi và do sự chưa trưởng thành về hệ thống miễn dịch của chúng.

Những rối loạn chức năng vòi nhĩ có thể dẫn đến viêm tai giữa ứ dịch là tắc vòi hay sự mở vòi bất thường. Tắc vòi thường gặp ở trẻ nhũ nhi, trẻ nhỏ do sụn vòi mềm hơn làm cho hoạt động mở vòi khó khăn.

Dấu hiệu viêm tai giữa ứ dịch

Viêm tai giữa ứ dịch thường gây ra những triệu chứng như nghe kém ở 1 hoặc cả 2 bên tai, ù tai, cảm giác đầy tai. Một số trường hợp có thể dẫn đến chóng mặt, đau tai.

Các triệu chứng viêm tai giữa ứ dịch rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh về tai khác vì vậy người bệnh cần đi khám sớm để được chẩn đoán chính xác từ đó có biện pháp xử trí kịp thời. Bác sĩ cần tiến hành soi tai, đo thính lực, đo nhĩ lượng để chẩn đoán viêm tai giữa ứ dịch.

Biến chứng của viêm tai giữa ứ dịch

Viêm tai giữa ứ dịch là hậu quả của viêm nhiễm đường hô hấp trên bởi vi khuẩn và virut, chủ yếu là hậu quả của viêm tai giữa cấp.

Nếu không được điều trị sớm, viêm tai giữa ứ dịch sẽ tiến triển đến túi co kéo, xẹp nhĩ, viêm tai giữa ứ dịch với màng nhĩ xanh vô căn, xơ nhĩ, viêm tai giữa mạn tính…

Cách điều trị viêm tai giữa ứ dịch

Điều trị bệnh viêm tai giữa ứ dịch nhằm 3 mục đích, đó là: phục hồi lại thính lực; ngăn chặn sự tiến triển đến bệnh lý mạn tính; ngăn ngừa viêm tai giữa cấp tái phát và gây biến chứng. Vì vậy người bệnh cần đến các bệnh viện, cơ sở y tế có chuyên khoa Tai mũi họng để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý cụ thể, mức độ nặng – nhẹ của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị theo phương pháp phù hợp.

Điều trị viêm tai giữa ứ dịch theo 2 phương pháp: Điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.

viem-tai-giua-u-dich-2

Viêm tai giữa ứ dịch thường gây ra những triệu chứng như nghe kém ở 1 hoặc cả 2 bên tai, ù tai, cảm giác đầy tai

 

Điều trị nội khoa: Bác sĩ sẽ chỉ định kê đơn thuốc với các loại như: kháng sinh, kháng histamin, thuốc chống phù nề, thuốc nhỏ mũi, corticoid đồng thời thực hiện bơm hơi vòi nhĩ nếu cần.

Điều trị ngoại khoa: Đây là phương pháp được sử dụng khi điều trị nôi khoa không mang lại hiệu quả. Người bệnh có thể được chỉ định nạo V.A, cắt amidan nếu viêm amidan và viêm mũi họng tái phát; đặt ống thông khí.

Viêm tai giữa ứ dịch có thể gây ra những đợt bội nhiễm tai tái phát khiến nhiều người lầm tưởng đó là viêm tai giữa cấp tái phát thông thường. Chính vì thế, việc đi khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ chuyên khoa thăm khám và phát hiện bệnh lý sớm là điều rất quan trọng giúp việc điều trị không quá phức tạp.

Bên cạnh đó, để đạt hiệu quả điều trị cao nhất người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ điều trị và hướng dẫn sinh hoạt, vệ sinh tai của bác sĩ.

Cách phòng viêm tai giữa ứ dịch

Giải quyết kịp thời, triệt để các bệnh viêm đường hô hấp cấp tính

Xử trí sớm các V.A quá phát, viêm amidan quá phát, viêm xoang mạn tính

Thực hiện thông khí vòi tai ngay khi nghi ngờ bị tắc vòi tai, có dấu hiệu ù tai, cảm giác đau tức trong tai, nghe kém.

Vệ sinh tai mũi họng thường xuyên, tránh để nước vào tai.

Khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm các bệnh tiềm ẩn trong cơ thể để kịp thời điều trị.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top