✴️ Phù phổi cấp huyết động

Nội dung

Phù phổi cấp huyết động là một cấp cứu khẩn trương, nếu phát hiện, chẩn đoán sớm, can thiệp kịp thời, bệnh có khả năng hồi phục nhanh. Nếu không can thiệp kịp thời và đúng, sẽ nhanh chóng dẫn đến suy hô hấp cấp nặng, nguy cơ tử vong cao.

 

I. Chẩn đoán: Dựa vào

1. Triệu chứng lâm sàng:                         

 - Tình trạng khó thở nhiều, đôi khi dữ dội và đột ngột, phát triển nhanh chóng.

    Kèm theo bệnh nhân lo lắng, vật vã, tím tái…

 - Một số ho ra máu hoặc thậm chí trào bọt hồng ra miệng.

 - Khám thấy bệnh nhân khó thở nhanh, nông. Nghe phổi có thể thấy ran rít, ran ngáy và đặc biệt là ran ẩm to nhỏ hạt hai bên phế trường (có thể diễn biến kiểu nước thuỷ triều dâng từ hai đáy phổi).

2. Chụp Xquang phổi:

 - Hình ảnh bóng tim to, huyết quản phổi tăng đậm.

 - Mờ hình cánh bướm lan toả từ hai rốn phổi.

 

II. Điều trị

1. Các biện pháp hỗ trợ ban đầu:

 - Cung cấp ôxy đầy đủ.

 - Đặt nội khí quản và thông khí nhân tạo nếu cần.

 - Để bệnh nhân ở tư thế nửa ngồi.

   Có thể tiến hành garô ba chi luân phiên hoặc chích máu nếu không có điều kiện .

2. Dùng thuốc:

 - Morphine sulphate: Morphine được dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch 2-5mg mỗi lần và nhắc lại sau 10-25 phút nếu còn cho đến khi có tác dụng.

 - Furosemide: Liều ban đầu từ 20-40 mg tiêm thẳng tĩnh mạch sau đó có thể tăng liều và nhắc lại sau vài phút cho đến khi đáp ứng đầu đủ. Liều có thể tăng đến tối đa là 2000mg.

 - Nitroglycerin: Nên dùng đường truyền tĩnh mạch với liều bắt đầu là 10 mg/phút và tăng dần tuỳ theo đáp ứng.

 - Nitroprusside: Liều khởi đầu là 0,25 mg/kg/phút.

 Các thuốc tăng co bóp cơ tim được chỉ định sau khi đã dùng các biện pháp ban đầu trên và bệnh nhân bị huyết áp thấp hoặc sốc tim.

3. Chạy thận nhân tạo cấp hoặc siêu lọc máu: Được chỉ định ở những bệnh nhân có bệnh thận hoặc không đáp ứng với lợi tiểu.

4. Theo dõi huyết động bằng ống thông tim phải (Swan-Ganz):

Chú ý và giải quyết các nguyên nhân nếu có thể: Các nguyên nhân gây phù phổi cấp huyết động thường gặp là:

- Tăng huyết áp.

- NMCT cấp hoặc bệnh mạch vành cấp.

- Hở van tim cấp (do NMCT, viêm nội tâm mạc...)

- Các bệnh viêm cơ tim, bệnh cơ tim…

- Các rối loạn nhịp tim mới xảy ra hoặc quá tải thể tích (truyền nhiều dịch quá) ở bệnh nhân đã có rối loạn chức năng thất trái.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top