I. ĐẠI CƯƠNG
- Tiêu chỏm xương đùi là một bệnh thuộc nhóm bênh hoại tử xương với tình trạng chết các tế bào ở cả 2 phần của xương là tủy xương và tế bào xương
- Bệnh còn được gọi với cái tên khác nhau: hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, hoại tử vô mạch
- Bệnh hay gặp ở độ tuổi trung niên, nam nhiều hơn nữ.
II. CHẨN ĐOÁN
1. Các công việc chẩn đoán
1.1. Hỏi bệnh
Bệnh tiêu chỏm xương đùi có thể tiến triển âm thầm mà không có các biểu hiện trên lâm sàng hoặc nếu có cũng rất kín đáo.
Vị trí đau: Hỏi bệnh nhân xem có đau ở vùng khớp hông hay không, có cảm giác sưng nóng ở khớp hay không.Bệnh nhân có thói quen uống rượu không, có thường xuyên uống với số lượng nhiều (Bệnh tiêu chỏm xương thường gặp ở nam giới trung niên uống nhiều rượu)
Bệnh nhân đi lại có đau vùng khớp háng hay không, nghỉ ngơi có đỡ đau không, đau nhiều về đêm không?
1.2. Khám lâm sàng
- Khám tình trạng toàn thân.
- Khám khớp: Xác định chính xác điểm đau vùng khớp háng. Xem khớp có sưng, nóng, đỏ? Khám xác định tầm vận động của khớp (ROM).
- Thường đau theo kiểu cơ học. Để bệnh nhân đi bộ xem mức độ đau nhiều, ít, đau tăng khi đi lại?
- Khám các động tác gập, duỗi, dạng, khép, xoay trong, xoay ngoài khớp háng.
1.3. Chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng
- Trong mọi trường hợp đau xương khớp mãn tính, các xét nghiệm cơ bản cần được chỉ định đầy đủ, ngoài ra tùy theo các triệu chứng lâm sàng gợi ý mà tiến hành tiếp các xét nghiệm khác để phục vụ cho chẩn đoán xác định, chẩn đoán nguyên nhân, chẩn đoán phân biệt.
- Các xét nghiệm cơ bản:
+ Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi
+ Xét nghiệm sinh hóa máu
+ Tổng phân tích nước tiểu
+ Tùy vào triệu chứng lâm sàng khi nghi ngờ có đau xương do bệnh tự miễn, có thể chỉ định các xét nghiệm miễn dịch
- Khi có nghi ngờ bệnh lý liên quan đến bệnh lý chuyển hóa hoặc bệnh ác tính di căn xương phải chỉ định xét nghiệm phốt pho, canxi
- Hình ảnh Xquang quy ước rất cần thiết và có thể làm được ở mọi tuyến và nhiều khi chỉ cần chụp xquang quy ước là đã có thể chẩn đoán được bệnh (hình ảnh hủy xương chỉ ở một xương, không có tổn thương xương đối xứng )
- Ở những cơ sở có điều kiện chụp cộng hưởng từ có thể chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm
2. Chẩn đoán xác định
- Triệu chứng lâm sàng
+ Đau ở vùng khớp háng (thường ở một bên)
+ Hạn chế tầm vận động khớp háng bên đau
+ Đi lại đau tăng (đau kiểu cơ học)
+ Khớp háng không sưng nóng đỏ (không có biểu hiện viêm cấp)
- Triệu chứng cận lâm sàng
+ Xét nghiệm canxi máu thường giảm (cả can xi toàn phần và can xi ion)
+ Phốt pho máu thường giảm
+ Phosphatase kiềm tăng
+ Máu lắng bình thường
+ Tình trạng thiếu máu: Thường không thiếu máu
* Xquang quy ước:
+ Khe khớp không hẹp
+ Hình ảnh hủy xương vùng chỏm xương đùi( thường ở một bên, rất hiếm khi gặp cả hai bên )
* Cộng hưởng từ cho kết quả chính xác và có tác dụng chẩn đoán sớm.
3. Chẩn đoán phân biệt
Lao khớp háng
+ Đau khu trú ở vùng khớp háng, thường gặp ở người trẻ tuổi
+ Các xét nghiệm cơ bản
+ VSS tăng
+ Phản ứng mantoux dương tính
+ Sưng, nóng, đỏ, đau khớp
+ Xquang khe khớp hẹp, giai đoạn cuối có thể có hình ảnh hủy hoại phần trên ngoài chỏm xương đùi
4. Chẩn đoán nguyên nhân
Cho đến nay người ta cũng chưa có chẩn đoán nguyên nhân chắc chắn về bệnh lý tiêu chỏm xương đùi. Người ta thường gặp một số yếu tố gây nên bệnh lý này có thể tụ phát hoặc là hậu quả của một số tình trạng sinh lý hoặc là tình trạng bệnh lý như nhiễm độc thai nghén, uống rượu, tắc mạch, dùng thuốc…
III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc
- Bệnh lý tiêu chỏm xương đùi vô khuẩn là loại bệnh lý xương khớp mãn tính, có diễn biến kéo dài và gồm nhiều phương pháp phối hợp (Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng, điều trị nội khoa, phẫu thuật chỉnh hình, thay khớp nhân tạo)
- Mục tiêu điều trị nhằm bảo tồn các cấu trúc tự nhiên của khớp càng lâu càng tốt.
- Việc lựa chọn phương pháp điều trị được dựa vào mức độ tổn thương của chỏm xương đùi.
- Quản lý theo dõi bệnh nhân, phát hiện sớm các biến chứng có thể.
- Tái hòa nhập cộng đồng, công ăn việc làm với những người tiêu chỏm xương đùi.
2. Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng
Mục tiêu: Các phương pháp VLTL-PHCN nhằm duy trì sức mạnh của cơ, tránh co rút và các thương tật thứ cấp.
- Tập khớp háng bên tổn thương theo tầm vận động, duy trì tầm vận động khớp.
- Sử dụng các dụng cụ tập (Nạng nách, nạng khuỷu, khung tập đi để giảm tải trọng lên khớp háng)
3. Thuốc điều trị
- Nhóm thuốc điều trị triệu chứng
- Nhóm chống viêm không steroid (NSAIDS) và nhóm Steroid
- Thuốc giảm đau
- Điều trị thuốc khi đã xác định được nguyên nhân
4. Điều trị phẫu thuật khớp háng (giai đoạn 3, giai đoạn 4)
- Khi bệnh nhân bị đau kéo dài, không đáp ứng với điều trị, bệnh nhân mất chức năng vận động:
+ Thay khớp háng nhân tạo ở 1 khớp hoặc cả 2 khớp(nếu bị tiêu chỏm xương đùi cả 2 bên) là phương pháp triệt để và hiệu quả giúp lấy lại chức năng vận động của khớp.
+ Khoan giảm áp chỏm xương đùi: mục đích làm giảm áp lực ở trong xương giúp tái tạo hệ thống tưới máu cho vùng chỏm xương làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
+ Tạo hình xương: phương pháp bảo tồn khớp loại bỏ phần hoại tử tạo hình kết hợp xương phân bố lực tì đè vào phần sụn khớp được chống đỡ bởi tổ chức xương lành phía dưới cùng tổn thương chỏm.
- Sau phẫu thuật bệnh nhân phải được làm PHCN với mục tiêu: Làm giảm lực tì đè lên vùng tổn thương.
- Tập cho bệnh nhân đi lại và tái hòa nhập cộng đồng(đảm bảo công ăn việc làm, học tập, công tác đảm bảo cuộc sống của người bệnh).
IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
- Cần theo dõi các triệu chứng lâm sàng (Đau vùng khớp háng,tính chất cơn đau, khả năng đi lại di chuyển của người bệnh)
- Theo dõi các chỉ số sinh hóa máu và các xét nghiệm cơ bản.
- Khi xuất hiện các triệu chứng: đau, giảm vận động thì có thể cho chụp X-Quang quy ước để theo dõi.
- Thời gian tái khám theo định kỳ từ 1 tháng đến 3 tháng, 6 tháng và khám định kỳ hàng năm.
- Đây là loại bệnh lý cần theo dõi tích cực.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh