Vai trò của các tuyến mồ hôi trong quá trình lành vết thương

Nội dung

Trong quá trình vết thương hồi phục, các tế bào gốc của nang lông (HF SCs) có thể di chuyển lên lớp biểu bì để giúp tái tạo biểu mô da (quá trình lên da non). Mặc dù da người chứa cả nang lông và tuyến mồ hôi ở hầu hết các vùng trên cơ thể, nhưng một số vùng nhất định như lòng bàn tay và lòng bàn chân chỉ chứa các tuyến mồ hôi và không có lông. Do đó, nhiều người quan tâm nhiều đến khả năng tham gia vào quá trình chữa lành vết thương biểu bì của các tuyến mồ hôi, đặc biệt là ở những vùng thiếu nang lông. 

 

Thí nghiệm đầu tiên để kiểm tra khả năng tái tạo biểu bì của các tuyến mồ hôi được thực hiện bởi Miller và cộng sự, bằng cách tạo ra các vết thương trên da lợn, loại da rất giống với da người. Các vết thương sâu được tạo ra để loại bỏ nang lông cùng lớp thượng bì, và vì các tuyến mồ hôi nằm sâu hơn trong lớp trung bì nên chúng thường nằm lại trong da. Điều thú vị là mặc dù các vết thương nông ở nơi có nang lông lành nhanh hơn, nhưng các vết thương sâu vẫn tái tạo biểu mô cho dù thiếu nang lông. Vùng da mới hình thành tại chỗ có vết thương sâu khác hẳn so với vùng da xung quanh và không chứa bất kỳ nang lông nào. Do đó, có thể giải thích rằng các tế bào từ các tuyến mồ hôi sót lại đã di chuyển lên trên để tái tạo biểu mô ở lớp biểu bì trong trường hợp thiếu nang lông. 

 

Trong một nghiên cứu độc lập, mảnh ghép da được tạo ra từ các tế bào tuyến mồ hôi của con người đã hình thành một lớp biểu bì phân tầng đầy đủ khi được cấy lên lưng của một con chuột bị suy giảm miễn dịch. Thêm vào đó, các tế bào tuyến mồ hôi đã cho thấy chúng có góp phần làm lành vết thương trên da người. 

 

Tổng hợp lại, những báo cáo này cho thấy các tế bào tuyến mồ hôi cũng có tiềm năng biệt hóa thành các tế bào ở lớp biểu bì và góp phần làm lành vết thương sau chấn thương. Tuy nhiên, tế bào tuyến mồ hôi nào có tiềm năng này và liệu chúng có phải là các tế bào gốc giúp duy trì cân bằng nội môi bình thường của tuyến mồ hôi hay không vẫn chưa rõ ràng.

return to top