✴️ Triệu chứng viêm đường tiết niệu

Tìm hiểu triệu chứng viêm đường tiết niệu giúp phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm. Viêm đường tiết niệu là tên gọi chung cho tình trạng viêm ở bất cứ cơ quan nào của đường tiết niệu, bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Phụ nữ có nguy cơ cao bị viêm đường tiết niệu hơn so với nam giới. Nếu tình trạng viêm chỉ giới hạn ở bàng quang sẽ gây đau, khó chịu cho người bệnh. Tuy nhiên, hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra nếu viêm lan tới thận.

Các triệu chứng viêm đường tiết niệu thường gặ bao gồm đi tiểu nhiều, tiểu buốt, nước tiểu đục, sủi bọt, có lẫn máu trong nước tiểu, nước tiểu có mùi hôi…

 

NGUYÊN NHÂN GÂY VIÊM ĐƯỜNG TIẾT NIỆU

Viêm đường tiết niệu xảy ra chủ yếu do vi khuẩn Gram âm (khuẩn đường ruột E.coli).  Ngoài ra, cầu khuẩn và trực khuẩn Gram dương cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh. Chính quá trình vệ sinh thân thể không sạch sẽ và đúng cách khiến bệnh khởi phát, cụ thể ở từng nhóm đối tượng là:

-Ở nam giới, nguyên nhân chủ yếu gây viêm đường tiết niệu là bao quy đầu không được vệ sinh sạch sẽ.

-Ở phụ nữ mang thai: Thay đổi nội tiết tố cùng sự chèn ép ở bàng quang kiến tiểu tiện bị ứ đọng, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập.

-Ở trẻ em: Sử dụng bỉm không đúng cách như lẫn cả phân và nước tiểu trong thời gian dài, cấu tạo sinh lý lỗ niệu đạo ngắn và gân hậu môn ở bé gái hay một số dị tật đường tiểu ở bé trai cũng là nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu.

Ngoài ra, quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ đồng giới nam cũng dễ gây bệnh.

 

TRIỆU CHỨNG VIÊM ĐƯỜNG TIẾT NIỆU

Các triệu chứng thường gặp của viêm đường tiết niệu bao gồm:

Hay có cảm giác buồn tiểu, đi tiểu nhiều, liên tục.

Tiểu buốt, có cảm giác nóng rát khi đi tiểu

Tiểu thường xuyên nhưng lượng nước tiểu rất ít.

Nước tiểu đục, sủi bọt.

Nước tiểu có màu đỏ, màu hồng nhạt hoặc màu cola – một dấu hiệu cho thấy trong nước tiểu có lẫn máu.

Nước tiểu có mùi hôi

Đau vùng chậu, ở phụ nữ – đặc biệt là ở trung tậm xương chậu và xung quanh vùng xương mu.

Triệu chứng viêm đường tiết niệu có thể bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý khác ở người lớn tuổi.

 

CÁC LOẠI VIÊM ĐƯỜNG TIẾT NIỆU

Mỗi loại viêm đường tiết niệu lại có các dấu hiệu và triệu chứng cụ thể hơn, tùy thuộc vào cơ quan nào của đường tiết niệu bị ảnh hưởng.

Thận (viêm thận cấp tính): đau ở phía trên và một bên hông, sốt cao, run rẩy và ớn lạnh, buồn nôn, ói mửa.

Bàng quang (viêm bàng quang): đau tức ở khung chậu, khó chịu vùng bụng dưới, tiểu nhiều, tiểu buốt, có máu trong nước tiểu.

Niệu đạo: có cảm giác nóng rát, bỏng khi đi tiểu. Niêm mạc niệu đạo xuất hiện tiết dịch nhầy, mủ có màu vàng xanh (đôi khi có máu kèm theo).

 

BIẾN CHỨNG VIÊM ĐƯỜNG TIẾT NIỆU

Khi có các triệu chứng viêm đường tiết niệu, nên thăm khám sớm để được chẩn đoán chính xác và tư vấn cách điều trị phù hợp.

 

Nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm đường tiết niệu dưới (bàng quang, niệu đạo) hiếm khi dẫn tới các biến chứng. Tuy nhiên nếu không được điều trị, viêm đường tiết niệu có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Các biến chứng của viêm đường tiết niệu bao gồm:

Viêm đường tiết niệu tái phát thường xuyên.

Tổn thương thận  do viêm thận cấp tính hoặc mãn tính.

Làm tăng nguy cơ sinh non hoặc sinh con nhẹ cân ở phụ nữ mang thai.

Hẹp niệu đạo ở nam giới do viêm niệu đạo tái phát.

Nhiễm trùng huyết – một biến chứng có thể đe dọa đến mạng sống của tình trạng viêm, đặc biệt nếu viêm lây lan theo niệu quản đến thận.

 

CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ VIÊM ĐƯỜNG TIẾT NIỆU

Người bệnh được thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng như hỏi bệnh, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, siêu âm bàng quang… tìm biến chứng và xác định mức độ bệnh.

Thuốc kháng sinh thường được chỉ định để điều trị đường tiết niệu đầu tiên. Loại thuốc, liều lượng, thời gian sử dụng bao lâu phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh và loại vi khuẩn gây ra viêm đường tiết niệu.

Với các trường hợp viêm đường tiết niệu mức độ nhẹ: điều trị bằng thuốc kháng sinh và các triệu chứng thường thuyên giảm dần trong vòng vài ngày điều trị. Người bệnh vẫn tiếp tục uống thuốc kháng sinh trong 1 tuần hoặc lâu hơn. Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc giảm đau để giảm bớt khó chịu khi tiểu tiện.

Với các trường hợp viêm đường tiết niệu tái phát thường xuyên, bác sĩ có thể đưa ra các khuyến cáo điều trị nhất định chẳng hạn như:

Kháng sinh liều thấp, ban đầu là 6 tháng nhưng đôi khi lâu hơn.

Một liều kháng sinh duy nhất sau khi quan hệ tình dục nếu viêm đường tiết niệu có liên quan đến quan hệ tình dục.

Liệu pháp estrogen âm đạo nếu người bệnh mãn kinh.

Với các trường hợp viêm đường tiết niệu mức độ nặng, người bệnh có thể sẽ phải điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch tại bệnh viện.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top