Tiểu ra máu là hiện tượng có máu trong nước tiểu. Trong nhiều trường hợp, hiện tượng này không phải là dấu hiệu nguy hiểm và có thể tự khỏi. Tuy nhiên đừng vội chủ quan vì tiểu ra máu cũng có thể là biểu hiện của bệnh nghiêm trọng. Vì thế khi bị tiểu ra máu, nên tới bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm để xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý. Không có điều trị cụ thể cho tiểu máu vì nó là triệu chứng không phải là một bệnh cụ thể nào cả. Do đó phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn tới tiểu ra máu.
Máu trong nước tiểu có thể đến từ thận – nơi sản xuất ra nước tiểu. Nó cũng có thể đến từ các cấu trúc khác trong đường tiết niệu, chẳng hạn như:
Niệu quản (ống từ thận đến bàng quang)
Bàng quang (nơi nước tiểu được lưu trữ)
Niệu đạo (ống từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể)
Nước tiểu bình thường sẽ có màu vàng. Khi đi tiểu và phát hiện thấy nước tiểu có màu đỏ, màu hồng, màu cô ca, màu sắt thì rất có thể bạn đã bị đi tiểu ra máu. Hiện tượng đi tiểu ra máu có thể nhìn thấy bằng mắt thường được gọi là đi tiểu ra máu đại thể. Có những trường hợp tiểu ra máu không thể quan sát bằng mắt thường, máu chỉ được phát hiện khi bác sĩ xét nghiệm bằng kính hiển vi. Hiện tượng này còn được gọi là tiểu ra máu vi thể.
Tiểu máu có thể xảy ra mà không có bất kỳ triệu chứng khác. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của một số nguyên nhân cơ bản, người bệnh cũng gặp phải nhiều triệu chứng khác đi kèm, bao gồm:
Viêm bàng quang cấp tính: Ở người lớn, viêm bàng quang cấp tính thường gây rát hoặc đau khi đi tiểu. Trẻ sơ sinh bị viêm bàng quang cấp tính có thể bị sốt, bị khó chịu, và kém ăn. Trẻ lớn hơn có thể có sốt, đau và rát khi đi tiểu và đau bụng dưới.
Viêm bể thận: Các triệu chứng có thể bao gồm sốt, ớn lạnh, đau sườn.
Sỏi thận. Các triệu chứng có thể bao gồm bụng dữ dội hoặc đau vùng chậu.
Các bệnh về thận: Các triệu chứng có thể bao gồm yếu ớt, huyết áp cao và cơ thể sưng phù, bao gồm cả bọng quanh mắt.
Nguyên nhân thường gặp gây ra hiện tượng đi tiểu ra máu là:
Viêm bàng quang hoặc thận
Sỏi ở bàng quang hoặc thận
Một số bệnh về thận như viêm cầu thận
Các bệnh di truyền như bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm và bệnh thận nang
Phì đại tuyến tiền liệt lành tính hoặc ung thư tuyến tiền liệt
Một số loại thuốc như aspirin, penicillin, heparin, cyclophosphamid, và phenazopyridine
Một khối u trong bàng quang, thận, hoặc tuyến tiền liệt
Chấn thương thận do tai nạn hay thể thao
Đôi khi màu đỏ trong nước tiểu thực sự là sắc tố màu đỏ từ thuốc nhuộm thực phẩm, thuốc men hoặc do ăn quá nhiều củ cải đường.
Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về tiền sử bệnh tật và một số thông tin khác. Sau đó tiến hành xét nghiệm nước tiểu. Trong xét nghiệm này, mẫu nước tiểu của người bệnh sẽ được phân tích. Xét nghiệm máu cũng có thể được thực hiện. Nếu máu có hàm lượng cao các chất thải thận có nghĩa vụ phải loại bỏ, nó có thể là một dấu hiệu của bệnh thận.
Ngoài ra căn cứ vào tình trạng thực tế, người bệnh có thể được yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác như:
Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): giúp xác định khối u ở bàng quang hoặc sỏi thận và những bất thường khác ở bàng quang, thận và niệu quản.
Siêu âm thận: siêu âm sử dụng sóng âm để tạo ra một hình ảnh của cấu trúc thận.
Nội soi bàng quang: các mẫu mô có thể được thu qua nội soi bàng quang để kiểm tra sự hiện diện của các tế bào bất thường hay ung thư.
Sinh thiết thận: một mẫu mô nhỏ được lấy ra từ thận và kiểm tra dưới kính hiển vi để phát hiện xem có bất thường nào về thận hay không.
Việc điều trị nhằm vào nguyên nhân cơ bản dẫn tới hiện tượng này. Sau khi điều trị, bác sĩ sẽ kiểm tra nước tiểu của người bệnh để xem máu đã biến mất hay chưa. Nếu vẫn còn máu trong nước tiểu, bệnh nhân sẽ được kiểm tra thêm hoặc được giới thiệu tới một bác sĩ về tiết niệu.
Thông thường, không cần phải điều trị nếu nguyên nhân gây tiểu ra máu không nghiêm trọng. Tuy nhiên với trường hợp không xác định được nguyên nhân trong các xét nghiệm ban đầu, bác sĩ có thể khuyên xét nghiệm nước tiểu theo dõi và đo huyết áp theo dõi 3 – 6 tháng/lần, đặc biệt là với những người có các yếu tố mắc bệnh ung thư bàng quang như từ 50 tuổi trở lên, hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với một số loại hóa chất công nghiệp nhất định.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh