✴️ Viêm thanh quản cần làm gì? Khi nào cần gặp bác sĩ?

Biểu hiện bệnh viêm thanh quản

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà người bệnh viêm thanh quản có những biểu hiện khác nhau, tuy nhiên đặc điểm chung của viêm thanh quản gồm có: Khan tiếng, tắt tiếng, ho ông ổng, thở rít khi hít vào (gặp ở trẻ em). Ngoài ra, sốt, ho, sổ mũi là biểu hiện hay gặp nếu viêm thanh quản do nguyên nhân nhiễm trùng hô hấp. Ợ hơi, ợ chua, đau – nóng rát sau xương ức là biểu hiện của chứng trào ngược dạ dày.

Viêm thanh quản có thể do nhiều nguyên nhân gây ra

Viêm thanh quản có thể do nhiều nguyên nhân gây ra

Cần làm gì để hạn chế chứng viêm thanh quản?

Tùy thuộc nguyên nhân gây viêm thanh quản, bệnh nhân có thể làm những điều dưới đây sẽ góp phần giảm nhẹ và nhanh khỏi bệnh:

Trường hợp người bệnh bị viêm thanh quản là do sử dụng giọng nói quá mức, chẳng hạn bạn làm giáo viên, ca sĩ…, thì chỉ cần nghỉ ngơi, hạn chế phát âm quá nhiều quá mạnh, bệnh sẽ nhanh chóng thuyên giảm.

Viêm thanh quản có thể xảy ra do thói quen uống rượu hay hút thuốc quá nhiều. Để chữa trị bệnh, người bệnh cần hạn chế tối đa những nguyên nhân gây bệnh.

Nếu viêm thanh quản do hít phải hóa chất, hãy tránh những hóa chất đó nếu có thể. Nếu không thể tránh, ít nhất cũng phải đảm bảo rằng bạn hít được nhiều không khí sạch nhiều hơn. Nếu công việc của bạn phải ở gần khói hóa chất hãy dùng khẩu trang hoặc quạt thông gió để hạn chế bụi hóa chất có thể đi vào làm tổn thương thanh quản của bạn.

Nếu chứng viêm thanh quản gây ra bởi trào ngược acid từ dạ dày lên, cần điều trị bệnh này trước tiên. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa về thuốc cũng như chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp, kiêng tuyệt đối những thực phẩm gây hại cho dạ dày như: cà phê, rượu bia, đồ ăn chua, cay,…

Dừng hút thuốc nếu bạn  đang hút thuốc. Nên chia nhỏ bữa ăn, ăn nhiều lần trong ngày hơn là ăn một lần với lượng thức ăn lớn. Không nằm ít nhất là 3 tiếng đồng hồ sau bữa ăn cuối cùng. Kiểm soát trọng lượng cơ thể nếu bạn thừa cân hay béo phì. Không nên mặc đồ (áo, dây nịt…) quá chật chội.

 

Khi nào  cần tới gặp bác sĩ?

Chứng viêm thanh quản cấp ở trẻ em có thể gây ra tình trạng khó thở, tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn đường hô hấp chỗ thanh quản có thể gây ảnh hưởng thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ vì vậy cha mẹ không nên chủ quan cần đưa trẻ đến bệnh viện uy tín thăm khám kịp thời hiệu quả ngay khi trẻ có biểu hiện khan tiếng, mất tiếng, thở rít,..

Đối với người lớn thì tùy thuộc vào thời gian, độ nặng cũng như các triệu chứng kèm theo của viêm thanh quản, khi cảm thấy quá mệt mỏi hoặc khó chịu thì cần đến gặp bác sĩ. Hầu hết viêm thanh quản  cấp tự phục hồi trong vòng 2-3 tuần lễ. Nhưng nếu bạn bị khan tiếng hay tắt tiếng kéo dài quá 2 tuần mà không thuyên giảm thì nên tới gặp bác sĩ để được tìm xem có tổn thương thực thể gì không và được điều trị.

Ngoài ra, bạn cũng cần tới gặp bác sĩ nếu bạn bị đau họng và có thêm các triệu chứng như: Sốt từ 38,5 độ C trở lên; họng đau nhiều và không có dấu hiệu cải thiện sau 5-7 ngày.

Cần gọi ngay cấp cứu khi có các triệu chứng như: Khó thở; khó nuốt nước miếng; sưng phù vùng cổ hoặc lưỡi; không thể quay cổ hoặc khó mở rộng miệng… vì những dấu hiệu trên có thể có một vấn đề nghiêm trọng đã xảy ra.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top