✴️ Trặc cổ (trẹo cổ) là bị gì?

Nội dung

1. Chứng trẹo cổ là gì?

Trẹo cổ là tình trạng co thắt cơ trơn, dẫn đến rối loạn vận động ở cơ cổ và làm cho đầu bị nghiêng sang một bên. Người bị trẹo cổ thường cảm thấy đau khi xoay cổ hoặc ngẩng, cúi đầu. Chứng trẹo cổ không quá nguy hiểm nhưng lại gây nhiều bất tiện trong vận động, sinh hoạt và làm việc. Tình trạng này hoàn toàn có thể điều trị được nếu tiếp cận đúng cách.

2. Phân loại và nguyên nhân gây trẹo cổ

Trẹo cổ được chia ra làm 2 loại là:

Trẹo cổ cấp tính: Xảy ra đột ngột do chấn thương, nhiễm lạnh, ngủ hoặc ngồi không đúng tư thế, mang vác vật nặng khiến cho các hạch bạch huyết bị viêm và các khớp của cổ sưng lên.

Trẹo cổ mãn tính: Tiến triển theo thời gian do thói quen xấu hoặc những nguyên nhân khác như chấn thương chưa được điều trị dứt điểm. Loại trẹo cổ này khiến đầu bị nghiêng và đau đớn nhiều hơn, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

3. Dấu hiệu nhận biết khi bị trẹo cổ

Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình nhận biết chứng trẹo cổ mà người bệnh cần lưu ý:

  • Cứng cổ, đau nhức gây khó chịu.
  • Sưng cơ cổ.
  • Tư thế đầu bất thường: đầu bị cúi ra trước, đầu bị ngửa ra sau, đầu bị nghiêng một bên.

4. Trẹo cổ bao lâu thì khỏi? Có nguy hiểm không?

Tùy từng tình trạng trẹo cổ mà thời gian hồi phục sẽ khác nhau:

Đối với trẹo cổ cấp tính: Có thể cải thiện trong vòng 24 – 48 giờ. Tuy nhiên, có thể mất đến một tuần để các triệu chứng chấm dứt hoàn toàn. Đôi khi, các triệu chứng kéo dài hơn hoặc tái phát sau đó mà không rõ lý do.

Đối với tình trạng mãn tính: Bệnh sẽ khó điều trị và có thể gây biến chứng nghiêm trọng như các triệu chứng thần kinh, đau nhiều hơn, không thể lái xe, nói chuyện và giao tiếp khó khăn, các hoạt động sinh hoạt bị cản trở.

5. Các cách chữa trẹo cổ

Hiện nay, có các cách trị trẹo cổ thường được áp dụng như:

5.1. Cách điều trị trẹo cổ tại nhà

Xoa bóp: Bạn dùng tay để xoa xát vùng cổ, dùng ngón tay ấn nhẹ nhàng vào cổ, vai trong vài phút để các cơ được thư giãn và giảm đau nhức khó chịu.

Chườm nóng/lạnh: Dùng túi chườm đá hoặc khăn nóng để chườm lên chỗ bị đau nhằm giảm sưng viêm, giãn cơ và dịu cơn đau.

Điều chỉnh tư thế ngủ / ngồi / làm việc: Bạn nên ngồi thẳng lưng, đầu không cúi về phía trước, đặc biệt là khi xem điện thoại hoặc ngồi máy tính, ngủ gối cao vừa phải,…

Vận động các bài tập cổ: Tập các bài tập nhẹ nhàng để kéo giãn vùng cổ, cải thiện sự chuyển động ở các cơ và giảm đau nhức.

5.2. Dùng thuốc giảm đau

Khi bị trẹo cổ, bác sĩ sẽ kê cho bạn một số loại thuốc như thuốc giãn cơ diazepam, thuốc giảm đau paracetamol, thuốc giảm đau chống viêm ibuprofen, thuốc giảm đau mạnh codein. Ngoài ra, người bệnh còn có thể tiêm một lượng nhỏ botulinum toxin vào cơ để giảm đau hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc chỉ nên dùng khi có sự chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý sử dụng mà ảnh hưởng đến sức khỏe và thuốc cũng chỉ mang tính chất giảm đau tạm thời.

5.3. Tập vật lý trị liệu

Các bài tập vật lý trị liệu cũng là phương pháp chữa trẹo cổ hiệu quả, an toàn, không xâm lấn. Bác sĩ sẽ tùy vào từng tình trạng bệnh mà xây dựng bài tập phù hợp, kết hợp sử dụng thêm máy móc thiết bị hỗ trợ để giảm sưng đau và cải thiện khả năng vận động cổ nhanh chóng cho người bệnh. Nếu luyện tập tại nhà, người bệnh cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top