✴️ Phục hồi chức năng viêm cân gan bàn chân

I. ĐẠI CƯƠNG

Cân gan bàn chân là một dải rất chắc chạy dọc theo lòng bàn chân, nối từ gót chân đến nền của các ngón. Nó có chức năng nâng đỡ cung bàn chân, duy trì độ cong sinh lý của bàn chân, khiến bàn chân có độ nhún, làm giảm nhẹ lực đè ép lên bàn chân khi vận động. Viêm cân gan bàn chân là viêm dải cân này.

 

II. CHẨN ĐOÁN

1. Công việc chẩn đoán

1.1. Hỏi bệnh:

Thời điểm khởi phát triệu chứng, tiền sử hay hiện tại vận động qúa sức, thể thao và giày dép có thích hợp hay không? các khiếm khuyết chức năng hiện tại, mục tiêu chức năng của bệnh nhân.

1.2. Khám lâm sàng

- Đau phía dưới gót chân, có đặc tính là đau nhiều về sáng và giảm đi trong ngày. Đau có thể trở lại sau khi vận động đi lại nhiều và thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Người bệnh thường mô tả có cơn đau buốt rất khó chịu khi vừa ngủ dậy bước chân xuống giường, hoặc khi đang ngồi lâu đứng dậy, đi.

- Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách bệnh sẽ trở thành mạn tính, kéo dài dai dẳng nhiều tháng nhiều năm, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

- Người khám ấn vào mặt dưới gót phía trong, bệnh nhân rất đau.

- Khám cung gan bàn chân (phẳng, lõm cao, teo cơ..), mất cân xứng chiều dài chi và dấu hiệu của viêm hệ thống.

1.3. Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng

- Chụp X Quang thường thấy có hình ảnh của gai xương gót, vì vậy viêm cân gan chân còn được gọi là gai xương gót. Tuy nhiên, gai xương gót không phải là nguyên nhân gây đau trong bệnh viêm cân gan chân mà chỉ là hậu quả của quá trình viêm kéo dài dẫn đến vôi hóa.

2. Chẩn đoán xác định

Triệu chứng lâm sàng, điện quang (XQ thƣờng qui, CT scans, MRI) và siêu âm vùng gót chân.

3. Chẩn đoán phân biệt

- Viêm gân gót Achille

- Hội chứng đường hầm bàn chân

- Một số bệnh khác như viêm khớp dạng thấp, gout, đau thần kinh tọa, chấn thương xưng gót, viêm túi hoạt dịch gót.

4. Chẩn đoán nguyên nhân

- Cân gan chân bị kéo căng quá mức, lập đi lập lại trong thời gian dài gây viêm, rách ngay chỗ bám vào xương gót.

- Ngoài ra còn hay gặp ở phụ nữ đi giày bó, giày cao gót, hoặc ở tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh.

 

III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ

1. Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị

- Điều trị vật lý - Phục hồi chức năng sớm và tích cực, kết hợp đánh giá thêm cận lâm sàng (sinh hóa, huyết học, CT scans, MRI...) khi điều trị giai đoạn cấp không thuyên giảm triệu chứng.

- Chú trọng kỹ thuật kéo dãn gân gót, cân gan chân hàng ngày vào buổi sáng trước khi đi lại, hoạt động, thực hiện 4-5 lần/ngày.

- Thuyết phục bệnh nhân tính hiệu quả của chương trình điều tri bảo tồn từ 6 đến 12 tháng.

2. Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng

2.1. Giai đoạn cấp

- Mức độ hoạt động: nghỉ ngơi, ngừng chạy, nhảy và các hoạt động thể thao. Bảo vệ gan bàn chân khi hoạt động bằng gót hõm, gót đệm, băng cổ chân, không đi chân không.

- Vật lý trị liệu: Nhiệt lạnh trị liệu 4 lần/ngày, mỗi lần 15-20 phút; siêu âm; điện phân; điện di ion; kích thích điện, sóng xung kích 10-20 phút/lần/ lặp lại tùy theo từng bệnh nhân.

- Vận động trị liệu:

  • Kỹ thuật mô mềm: xoa bóp sâu mô mềm tới cân gan chân, cơ sinh đôi, cơ dép.
  • Di động khớp: xƣơng cổ chân và các ngón.

- Bài tập và chương trình tập tại nhà:

  • Kéo dãn và tập mạnh cơ: cơ sinh đôi, cơ dép, cơ chày sau, cân cơ gan chân, nhóm cơ gấp ngón.
  • Tập luyện dáng đi và dụng cụ trợ giúp khi cần.

2.2. Giai đoạn bán cấp/mạn tính

- Mức độ hoạt động: tăng tiến hoạt động đi, chạy bộ.

- Vật lý trị liệu: Nhiệt lạnh trị liệu 1-2 lần/ngày, mỗi lần 15-20 phút; siêu âm; điện phân; điện di ion; kích thích điện, sóng xung kích 10-20 phút/lần/ lặp lại tùy theo từng bệnh nhân.

- Vận động trị liệu:

  • Trợ giúp kéo dãn cơ sinh đôi , cơ dép dùng kỷ thuật co nghỉ/giữ nghỉ.
  • Tăng tiến bài tập đề kháng bằng tay. Tiếp tục di động khớp.

- Bài tập và chương trình tập tại nhà:

  • Kéo dãn, tập mạnh cơ và độ mềm dẻo các nhóm cơ như trên. Tập mạnh bằng kỷ thuật chuổi đóng động (chân và gót nâng lên); bài tập với băng thun.
  • Tập luyện dáng đi tăng tiến thì ổn định: tái rèn luyện thăng bằng, cảm thụ bản thể; bước tới và lui, tăng tiến nhảy, nhảy lò cò.
  • Luyện tập tim mạch (đạp xe đạp, thảm lăn, lên xuống cầu thang); trở lại hoạt động chức năng hàng, nghề nghiệp, giải trí và hoạt động thể thao trước đây.

3. Điều trị thuốc: 

Thuốc chống viêm giảm đau giúp giảm hiện tượng viêm và các triệu chứng.

 

IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM

1. Lịch tái khám:

Sau xuất viện 2 tuần tiếp tục theo dõi về tình trạng sức khỏe và hồi phục chức năng.

2. Biện pháp phòng ngừa

- Khởi động thật kỹ và thực hiện các động tác kéo căng trƣớc khi chơi thể thao.

- Mang giày chuyên dùng, kích cỡ phù hợp, có miếng đệm giày êm.

- Tránh chơi trên mặt sân cứng. Sửa lại bộ chân cho đúng kỷ thuật.

- Không nên đi bộ hay chạy bộ nhiều nhằm làm giảm cân. Trước khi tập đi bộ phải tập kéo căng cơ bụng chân, cân gan chân.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top
Close menu