✴️ Quy trình phẫu thuật sinh thiết tổn thương ở nền sọ qua đường miệng hoặc mũi

I. ĐẠI CƯƠNG

Bệnh lí nền sọ bao gồm nhiều loại tổn thương, trong đó các khối u nền sọ là tổn thương khó để phẫu thuật. Lựa chọn chỉ định đúng dựa trên kết quả giải phẫu bệnh có thể đem lại kết quả tốt cho người bệnh. Phẫu thuật để cắt một phần u sinh thiết bằng nội soi hoặc dưới kính vi phẫu qua đường mũi, miệng có thể thực hiện dễ dàng, ít biến
chứng hơn các phương pháp khác.

 

II. CHỈ ĐỊNH

– Khối u xâm lấn nền sọ chưa thể xác định được giải phẫu bệnh
– Tổn thương nghi ngờ di căn nơi khác đến

 

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Người bệnh không thể gây mê
– Người bệnh có các bệnh lý về rối loạn đông máu

 

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện: 7 người gồm Phẫu thuật viên thần kinh, gây mê. dụng cụ viên, kỹ thuật viên máy định vị…
2. Phương tiện:
– Bộ dụng cụ sọ não
– Kim sinh thiết dài chuyên dụng cho sọ não cùng hệ thống calibre dụng cụ.
– Khoan máy cùng hệ thống mũi khoan cắt sọ
– Sử dụng hệ thống nội soi với camera và màn hình độ nét cao, nguồn sáng led, optic: 00, 300, 700, hệ thống ghi video và hình ảnh trong mổ. Bộ dụng cụ phẫu thuật qua mũi xoang, dụng cụ phẫu thuật tuyến yên.
– Hệ thống định vị (Neuronavigattion) có thể sử dụng đĩa CD phim cộng hưởng từ hoăc CT scanner.
– Dụng cụ cầm máu: ống hút đốt điện, Bipolar forceps, Surgicel, Floseal, vật tư đóng nền sọ: màng cứng nhân tạo, cân cơ đùi, mỡ, keo sinh học.

3. Người bệnh:

– Khám chẩn đoán bệnh chính
– Khám phát hiện các bệnh lí phối hợp và các yếu tố liên quan
– Vệ sinh mũi họng
– Khí dung trước mổ bằng các dung dịch sát khuẩn, co mạch mũi trước mổ
– Đặt sonde tiểu, dạ dày…
– Được khám lâm sàng cẩn thận, khám các chuyên khoa mắt, nội tiết, tai mũi họng trước mổ. Chụp phim cộng  hưởng từ sọ não, phim CT đánh giá cấu trúc xương nền sọ. Người bệnh và gia đình cần được giải thích kĩ về bệnh tật và quá trình cần được điều trị trước, trong và sau mổ.

4. Hồ sơ bệnh án: Chuẩn bị đầy đủ theo mẫu bệnh án chung.

 

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Tư thế: Người bệnh nằm tư thế ngửa, đầu chếch về phía phẫu thuật viên 200, đặt gạc tẩm naphazolin 2% hoặc adrenalin 1:1000 trước mổ 10 phút.

2. Vô cảm: Gây mê nội khí quản, thuốc mê, dịch truyền, máu nếu cần chuẩn bị (theo chỉ định bác sỹ gây mê).

3. Kỹ thuật
– Thì mũi: Đẩy cuốn giữa sang bên tìm lỗ thông xoang bướm từ đó mở vào xoang bướm, lấy một phần xương vách mũi, mở thành trước xoang bướm bằng Kerrison và khoan mài bộc lộ vào tổn thương.
– Thì lấy u: Dùng currette và ống hút đầu tròn lấy, sử dụng optic 300, 700 để nhìn các góc, xác định chính xác tổn thương, kiểm tra dưới hệ thống định vị. Dùng kìm sinh thiết để lấy 4-6 mảnh ở các vị trí khác nhau.
– Thì đóng nền sọ: Cầm máu kĩ, đóng lại vách mũi.

 

VI. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

– Theo dõi các chỉ số sinh tồn.
– Kháng sinh dự phòng, giảm đau.
– Theo dõi các dấu hiệu thần kinh khu trú, phát hiện biến chứng sớm.
– Chảy máu mũi sau mổ: nếu có chảy máu sau mổ xử trí tuỳ theo mức độ chảy máu,
thường đặt meche mũi để cầm máu.
– Nhiễm trùng: Dùng kháng sinh thích hợp hoặc theo kháng sinh đồ nếu có.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top