I. ĐẠI CƯƠNG
– Nang bạch huyết là bệnh thường gặp ở nhi khoa, tổn thương lành tính nhưng mức độ tiến triển và xâm lấn như u ác tính.
– Phương pháp tiêm bleomycin trực tiếp vào trong thương tổn nang bạch huyết làm biểu mô lót mặt trong các không gian nang bị phá hủy, giảm sự bài tiết chất dịch lỏng bạch huyết, sụp đổ vách, kích thước u nang thu nhỏ dần.
– Là biện pháp can thiệp không xâm lấn an toàn, hiệu quả
II. CHỈ ĐỊNH
1. Chỉ định tuyệt đối
– U nang bạch huyết ở trẻ em típ 1,2.
2. Chỉ định tương đối
– U nang bạch huyết típ 3
– U nang bạch huyết bội nhiễm
– U nang bạch huyết chèn ép
– Klippel Trenaunay
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– U nang bạch huyết ổ bụng
– U nang bạch huyết trung thất
– Bệnh nhi bị xơ phổi, viêm phổi kẽ
– Bệnh nhi dị ứng với Bleomycin.
– Bệnh lý rối loạn đông máu
– Các trường hợp gia đình bệnh nhi không đồng ý can thiệp
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
– Bác sỹ chuyên khoa, đã được đào tạo
– Điều dưỡng trợ giúp
2. Phương tiện
– Thuốc Bleomycin 15 UI/Lọ
– Dung dịch Nacl 0.9%
– Kim luồn số 18
– Bơm tiêm 20ml, 5ml, 1ml.
– Máy siêu âm đầu dò 5 or 7.5 MHz linear or convex.
3. Người bệnh
– Đươc khám và làm bộ xét nghiệm mổ, Siêu âm, Chụp CT hoặc MRI thương tổn.
– Được giải thích rõ về bệnh và phương pháp can thiệp điều trị bằng Bleomycin.
– Được bác sỹ gây mê khám trước mổ.
4. Hồ sơ bệnh án
Hồ sơ bệnh án theo quy định chung
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Kiểm tra hồ sơ
Họ tên bệnh nhi, tuổi, bố, mẹ, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, các chỉ số xét nghiệm, chẩn đoán, chỉ định điều trị, phương pháp phẫu thuật dự kiến, bệnh lí kèm theo, tình trạng dị ứng, cam kết trước phẫu thuật. Bệnh nhi và gia đình được giải thích rõ về bệnh, đặc biệt tình trạng sau mổ. Nhập viện, nhịn ăn trước phẫu thuật 06 giờ .
2. Kiểm tra người bệnh
Họ và tên, tuổi, mã số, tên bố, mẹ.
3. Thực hiện kỹ thuật
Dưới đây là quy trình kỹ thuật giúp trả lời câu hỏi “khi trẻ bị bướu bạch huyết tiêm bleomycin như thế nào?”
3.1. Vô cảm
Tất cả các bệnh nhi trẻ em đều được vô cảm toàn thân
3.2. Tư thế bệnh nhi
Nghiêng bên đối diện, bộc lộ rõ rang vùng can thiệp
3.3. Pha thuốc
Lọ thuốc Bleomycin 15UI được pha loãng với 15 ml Nacl 0,9%.
3.4. Kỹ thuật
– Dùng các kim luồn số 18 chọc thăm dò vào nang tại nhiều vị trí tương ứng các nang dưới hướng dẫn siêu âm.
– Hút dịch bạch huyết trong nang cố gắng hút tối đa lượng dịch cho phép :dịch bạch huyết màu vàng rơm, trong
– Dịch hút ra làm xét nghiệm vi sinh: nếu thay đổi màu sắc
– Giữ nguyên kim trong thương tổn, bơm thuốc Bleomycin vào từng vị trí trong nang theo liều quy định phù hợp với cân nặng và kích thước nang : liều 0.6-1mg UI /kg cân nặng.
Với trường hợp u nang bạch huyết tuyp 3 dạng gồm nhiều nang kích thước nhỏ : nên can thiệp tiêm với liều được pha loãng trong 30ml Nacl 0.9% với liều quy định và tiêm đa điểm, chọn lọc giúp khả năng thuốc tiếp cận u nang
bạch huyết được nhiều nhất.
– Kháng sinh dự phòng liều duy nhất ngay sau can thiệp
– Tiêm nhắc lại 2-6 lần, mỗi lần cách nhau 1 đến 6 tháng tuỳ theo đáp ứng. tổng liều không vượt quá 5mg/kg cân nặng.
– Với u nang bạch huyết bội nhiễm : Hút dịch trong nang làm xét nghiệm,tiêm Bleomycin theo quy quy trình, dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ.
VI. THEO DÕI VÀ CHĂM SÓC
– Người bệnh được theo dõi lưu tại viện trong 24 giờ ; Ra viện sau 1 ngày
– Tác dụng phụ: Ỉa chảy, sốt là các triệu chứng thường gặp ngày đầu tiên: hạ sốt.
– Đau tại vùng tiêm, đôi khi u to gây chèn ép: thuốc giảm đau
– Sau khi tiêm 2 tuần kích thước U tiếp tục tăng lên, mật độ cứng tăng lên sau đó giảm dần
– Khám lại sau 1- 6 tháng: khám lâm sàng, siêu âm, chụp MRI, CT nếu cần thiết .
– Sau 3 lần can thiệp nếu U không đáp ứng, hoặc đáp ứng rất chậm kích thước u không giảm thì dừng lại và chuyển phẫu thuật.
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
– Với U nang bạch huyết lớn, nguy cơ chèn ép, cần theo dõi sát, nếu u to lên nhanh sau tiêm có dấu hiệu chèn ép cần hút dịch trong nang để giải ép.
– U nang bạch huyết bội nhiếm nên dùng kháng sinh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh