I.U ác mô bào (sợi)
Được mô tả lần đầu tiên năm 1963 bởi Ozzello, u sản xuất nhiều chất sợi nhưng có nguồn gốc từ mô bào. Trong canh cấy, tế bào u giống mô bào, có khả năng di chuyển dạng a-míp và thực tượng. U ác mô bào sợi là sarcom phần mềm hay gặp nhất ở người trung niên và nhiều tuổi, đa số từ 50-70 tuổi; giới nam gấp đôi nữ. U thường gặp ở chi dưới nhất là đùi, kế đến là chi trên và sau phúc mạc. Một số u được tạo ra do tia xạ, tiếp xúc với phenoxyacid... Ở chi, u thường không gây đau nhức trong nhiều tháng.
1.Đại thể:
U có nhiều thùy, đặc, 5-10cm hoặc lớn hơn. U thường lan dọc theo màng cân hoặc thớ cơ, vì vậy cho tỷ lệ tái phát cao. Mặt cắt màu xám hoặc trắng và thay đổi tùy theo dạng vi thể.
2.Vi thể:
U ác mô bào được chia thành 4 nhóm :
(1) dạng xoáy trôn ốc - đa dạng: hay gặp nhất, gồm tăng sản các tế bào thoi xếp kiểu xoáy trôn ốc xen kẽ những vùng đa dạng tế bào. Tính chất dị dạng tế bào có thể ít hoặc rất nhiều. Đây là dạng hay được đề cập tới nhất.
(2) dạng nhầy (sarcom sợi nhầy): hay gặp thứ nhì, khoảng 25%; có nhiều vùng thoái hóa nhầy bên cạnh những vùng tế bào xếp xoáy trôn ốc và đa dạng. U có dự hậu tốt hơn dạng trên.
(3) dạng đại bào (u ác đại bào phần mềm): hiếm gặp, có nhiều đại bào nhiều nhân dạng đại bào hủy xương.
(4) dạng viêm (sarcom dạng mỡ): gồm nhiều thực bào chất dạng mỡ và tế bào viêm.
U ác mô bào sợi nhiều khi rất khó chẩn đoán phân biệt với sarcom mỡ đa dạng, sarcom cơ vân đa dạng, sarcom cơ trơn, u ác màng bao thần kinh, sarcom đa dạng kém biệt hóa, bệnh Hodgkin...
3.Điều trị :
Đoạn chi, phối hợp với hóa và xạ trị.
II.Sarcom sợi
Sarcom sợi là u ác phần mềm hay gặp, đứng thứ hai sau u mô bào ác, có nguồn gốc từ nguyên bào sợi.
U gặp ở mọi tuổi (thường từ 10-50 tuổi) và mọi nơi (chi dưới, chi trên, thân mình...), nam cũng như nữ.
U thường tiến triển chậm. Bệnh nhân thường đến khám bệnh sau khi phát hiện 1 đến 5 năm.
Khám thấy u có giới hạn khá rõ, chắc, di động được (trừ khi có kích thước lớn). Tổng trạng bệnh nhân thường không thay đổi.
1.Đại thể:
U thường có giới hạn rõ, dễ bóc tách khỏi mô xung quanh nên dễ nhầm là một u lành. Thực tế, mô u không có vỏ bao và luôn luôn xâm nhập vào mô lân cận. Mặt cắt u đặc, trắng xám hay hồng, có vân sợi.
2.Vi thể:
Có 2 loại:
3.Điều trị:
Cắt rộng u hoặc đoạn chi cách u trên 2 cm.
Tiên lượng:
Sarcom sợi ở nông và càng biệt hoá rõ thì tiên lượng càng tốt. Tỷ lệ sống thêm 5 năm là 40-80% tùy tác giả và tùy cách điều trị.
Tỷ lệ tái phát cao, 50-70%, mỗi lần tái phát, độ ác của u tăng lên. Tỷ lệ di căn xa 20-40%, thường đến phổi và phần mềm nơi khác bằng đường máu.
III.Sarcom sợi bì lồi
Thường được xem là sarcom sợi của lớp bì da.
Tuy nhiên, nhờ phương pháp cấy mô, và kỹ thuật hoá-mô (enzim học...) và kính hiển vi điện tử, người ta biết được nguồn gốc u từ mô bào có khả năng như một nguyên bào sợi.
U tiến triển chậm. Về lâm sàng, phân biệt với u mô bào sợi ở kích thước lớn hơn (trên 3 cm), xâm nhập mô chung quanh nhiều hơn và hay tái phát.
1.Đại thể:
Mô u từ lớp bì mọc lồi lên trên da thành nhiều khối và xâm nhập xuống các mô bên dưới, không giới hạn rõ.
2.Vi thể:
Gồm những tế bào hình thoi hoặc đa diện xếp thành từng cuộn như hình xoáy lốc hay điển hình là cấu trúc hình bánh xe bò. Ít có hoặc không có hình ảnh dị dạng tế bào và phân bào.
3.Điều trị:
Cắt rộng u cách 2 cm về mọi phía.
Tiên lượng:
Rất tốt, 90% sống trên 5 năm, chết do mô u xâm nhập và chèn ép các cơ quan xung quanh sau nhiều lần mổ tái phát. Rất hiếm hoặc không cho di căn.
IV.Sarcom cơ vân
Là loại sarcom phần mềm hay gặp nhất ở thanh thiếu niên, gồm một nhóm u rất phức tạp, có nguồn gốc tạo mô chưa rõ. Ashley (1978) cho là u phát triển từ tế bào trung mô không biệt hoá có thể biến thành nguyên bào cơ vân khi bị kích thích. Hiện nay, u được chia làm 3 nhóm chính khác nhau về tuổi, vị trí, hình ảnh đại thể và vi thể. Xuất độ u đứng thứ 3 sau u ác mô bào và sarcom sợi.
Sarcom cơ vân tiến triển rất nhanh, trong vòng vài tháng bệnh nhân đã đến khám bệnh với u khá to và tổng trạng giảm sút.
1.Điều trị:
Đoạn chi trên u 10cm hay trên một khớp nếu u ở tứ chi. Nếu ở vị trí khác thì cắt rộng u.
2.Tiên lượng:
Sarcom cơ vân xâm nhập dễ dàng và nhanh chóng vào mô xung quanh, (có thể phá hủy xương) nên thường tái phát, cho di căn sớm và rộng bằng đường máu và đường limphô đến phổi hạch và các cơ quan khác.
Tỷ lệ sống thêm 5 năm theo số liệu của Bệnh viện Nhân dân là 5%, giống của các tác giả khác. Theo Jaffe (1978): 30% sống thêm 5 năm sau khi phẫu trị phối hợp với xạ trị và hoá trị. Hiện nay, nhờ những tiến bộ trong lĩnh vực đa hóa trị, 65% bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh. Dự hậu thay đổi tùy nhóm, tốt nhất là sarcom cơ vân chùm, kế đến là nhóm đa dạng không biệt hóa và sarcom cơ vân dạng nang.
V.Sarcom cơ vân chùm
Còn gọi là sarcom chùm, sarcom cơ vân phôi dạng chùm nho, gặp hầu hết ở trẻ dưới 5 tuổi, hiếm khi trên 10 tuổi; là loại sarcom cơ vân hay gặp nhất.
1.Đại thể:
U có dạng chùm nho, hay gặp ở niệu-dục và vùng đầu-mặt-cổ...(phát triển từ mô dưới niêm mạc của một số tạng phủ hay xoang cơ thể).
2.Vi thể:
Hình ảnh chủ yếu là các tế bào không biệt hoá hình cầu, bầu dục hay hình sao, bào tương ít, nằm trong một mô đệm nhầy. Đôi khi thấy vài dạng tế bào như ở người trưởng thành, có vân cơ.
VI.Sarcom cơ vân đa dạng không biệt hoá ở người trưởng thành
U gặp ở mọi tuổi, thường nhất từ 40 đến 70 tuổi, đa số ở chi (76%) nhất là ở đùi, cánh tay ...
1.Đại thể:
U nằm sâu trong cơ vân, mềm bở, màu đỏ hồng, hay bị xuất huyết hoại tử, không có vỏ bao, xâm nhập mạnh.
2.Vi thể:
Tế bào u rất đa dạng, dị dạng, không sắp xếp thành cấu trúc gì cả. Đa số tế bào hình thoi có nhánh hoặc đa diện. Đặc biệt có những tế bào có bào tương rộng ái toan, tế bào hình vợt, hình nòng nọc, hình con nhện, hình quai xách... Đại bào một hay nhiều nhân, tế bào nhân quái rất thường gặp. Hình ảnh phân bào nhiều. Yếu tố chẩn đoán chắc chắn là thấy vân cơ trong bào tương nhưng hiếm và khó tìm. Chẩn đoán dễ nhầm với u ác mô bào sợi.
VII.Sarcom cơ vân nang
Còn gọi là sarcom cơ vân thanh thiếu niên vì u chủ yếu gặp ở trẻ em và thanh niên, đôi khi ở người trưởng thành. U hay gặp nhất ở chi, kế đến thân mình và vùng đầu cổ.
1.Đại thể:
U nằm trong cơ vân hoặc ở dưới da gây đau nhức nhiều. Tính chất u giống dạng ở người trưởng thành.
2.Vi thể:
Cấu trúc chính và chiếm ưu thế là dạng nang với những khoảng trống không đều có vách mô sợi, lót bởi các tế bào u đa dạng, dị dạng nhưng thường nhỏ hơn dạng ở người trưởng thành. Rất nhiều tế bào u nằm tự do trong lòng nang, có thể thấy vân cơ trong 30% trường hợp. Có hiện tượng chuyển vị của 2 nhiễm sắc thể 2 và 13 (q35-37; q14).
VIII.Sarcom mỡ
Sarcom mỡ có nguồn gốc từ nguyên bào mỡ, xuất độ đứng hàng thứ 4. U thường gặp ở người lớn tuổi, hiếm khi dưới 20 tuổi. U phát triển nằm sâu trong phần mềm nhất là ở mông đùi, cẳng chân, sau phúc mạc ...
1.Đại thể:
U lớn tương đối chậm bằng cách xâm nhập mô xung quanh tạo thành một khối lớn có giới hạn rõ, nhiều nơi có màu vàng...
2.Vi thể:
Gồm những tế bào có bào tương chứa mỡ đẩy nhân lệch về một bên, những vùng mô mỡ phôi, nhiều vùng mô nhầy, đôi khi có các đại bào dị dạng hoặc tế bào hình thoi xếp thành từng dãy.
3.Điều trị:
Cắt rộng cách u 2 cm hoặc đoạn chi.
Tiên lượng:
Tỷ lệ tái phát là 60% sau cắt u, tỷ lệ di căn là 40%, đến phổi gan và tỷ lệ sống thêm 5 năm là 40 đến 60%.
IX.Sarcom màng khớp
U phát triển từ mô mềm gần khớp, túi nhớt và màng gân, có nguồn gốc từ nguyên bào màng khớp. 60-70% u gặp ở chi dưới, nhất là gần gối..., ở lứa tuổi thanh niên và trung niên (trung bình 36 tuổi).
1.Đại thể:
U đặc, giới hạn khá rõ, đôi khi có ngấm vôi. Mô u không mọc từ màng khớp mà từ các mô liên kết ngoài màng khớp rồi sau đó có thể xâm nhập vào khớp.
2.Vi thể:
Sarcom màng khớp loại điển hình có hai thành phần:
Các nguyên bào màng khớp hình đa giác hay hình trụ sắp xếp quanh những khe, những ống dạng tuyến... giống cấu trúc màng khớp.
Những tế bào hình thoi giống nguyên bào sợi, có phân bào và sợi võng sắp xếp xung quanh các nguyên bào màng khớp. Các tế bào này cũng có nguồn gốc từ nguyên bào màng khớp. Các nguyên bào màng khớp có thể tiết mucopoly-saccharide ăn màu PAS(+).
3.Điều trị:
Cắt rộng u hoặc đoạn chi.
Tiên lượng:
Tỷ lệ sống thêm 5 năm là 60-70%, chết thường do di căn phổi, hạch.
X.U ác trung biểu mô
Đa số u trung biểu mô thuộc loại ác, hầu hết phát triển từ màng phổi và phúc mạc, rất hiếm khi ở màng tim. Đây là loại u hiếm gặp, đa số ở người trưởng thành.
Mô u cấu tạo bởi:
Các ống hay dãy gồm những tế bào ác tính giống tế bào biểu mô.
Các tế bào hình thoi và sợi võng. Đây là những tế bào trung biểu mô đóng vai trò như một nguyên bào sợi.
Hỗn hợp 2 loại tế bào trên.
XI.Sarcom mạch máu
Sarcom mạch máu rất hiếm gặp so với u lành mạch máu, đa số thuộc loại u ác tế bào nội mô mạch máu, có độ ác cao, di căn xa bằng đường mạch máu và mạch limphô.
XII.U ác nội mô mạch máu
Đa số u ở mô dưới da, cơ và nội tạng nên triệu chứng chính là sưng.
1.Đại thể:
Mô u rất giàu mạch máu.
2.Vi thể:
Mô u gồm những đám mao mạch không điển hình, thường thông nối với nhau. Các mao mạch này lót bởi các nguyên bào nội mô dị dạng lớn, có hình cầu hay bầu dục, đôi khi lấp kín lòng mạch.
XIII.U ác mạch chu bào
Rất hiếm gặp, thường ở chi dưới (đùi) và sau phúc mạc, di căn theo đường mạch máu.
XIV.U ác trung mô
Là loại u ác phần mềm hiếm gặp.
Vi thể:
Gồm 2 hay nhiều thành phần ác tính: sarcom cơ, sarcom mỡ, sarcom mạch, sarcom xương, sarcom sụn, sarcom võng bào...
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh