Chen chúc răng được định nghĩa là một tình trạng không có đủ khoảng trống trên cung hàm để các răng sắp xếp một cách thẳng hàng và thường được gọi là bất hài hòa kích thước răng- chu vi cung răng.6 Đây là tình trạng sai khớp cắn chiếm tỉ lệ cao nhất và cũng là nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh nhân khi đến khám để điều trị
chỉnh hình răng mặt (CHRM).3,8 Ở giai đoạn bộ răng hỗn hợp, tình trạng chen chúc răng khá phổ biến và chủ yếu thấy ở vùng răng trước với tỉ lệ khoảng từ 40-60%.
Ngày nay, dựa trên quan điểm điều trị sớm, ngành Răng Hàm Mặt đang chuyển từ điều trị và khắc phục di chứng (dự phòng độ 2 và 3) sang chủ động phòng chống bệnh (dự phòng độ 1). Thêm vào đó, với sự phát triển về kinh tế, yêu cầu điều trị CHRM ngày càng tăng cao trong thời gian gần đây đặc biệt là điều trị sớm. Vì vậy, những năm gần đây, rất nhiều phụ huynh đưa trẻ đến với BS chỉnh hình từ giai đoạn sớm của bộ răng hỗn hợp với mong muốn trẻ có thể có thể can thiệp, phòng ngừa … giúp trẻ có được một bộ răng vĩnh viễn thẩm mỹ, chức năng trong tương lai.
Trong quá trình phát triển của khớp cắn, có rất nhiều cơ hội để có thể hướng dẫn, phòng ngừa và can thiệp những tình trạng sai khớp cắn.
Một trong những mục tiêu chính của Chỉnh hình can thiệp là ngăn ngừa tình trạng chen chúc xảy ra hoặc giảm thiểu nhất có thể mức độ chen chúc.4,8 Nhiều nghiên cứu cho thấy chỉ bằng cách giữ khoảng leeway đã có thể giải quyết được đa số trường hợp có tình trạng chen chúc răng trung bình (≤ 5mm) mà không cần phải nhổ răng, mài răng vĩnh viễn hoặc không làm răng cửa nghiêng ra trước khi sắp đều răng.
Khoảng leeway được định nghĩa là hiệu số của tổng kích thước G-X (gần – xa) các răng nanh sữa, răng cối sữa thứ nhất (RCS) 1 và RCS II với tổng kích thước G-X của các răng vĩnh viễn thay thế (răng nanh và răng cối nhỏ 1 và 2). Khái niệm này được đưa ra đầu tiên bởi Nance (1947) và là một đặc trưng quan trọng của giai đoạn bộ răng hỗn hợp .
Giá trị khoảng leeway dao động từ khoảng 1,5-2 mm ở hàm trên và 3-4 mm ở hàm dưới tùy theo tác giả. Theo Nance, khoảng leeway khoảng gần 1 mm mỗi bên ở hàm trên và gần 2mm mỗi bên ở hàm dưới. Theo Proffit, giá trị này có phần nhiều hơn: ở hàm dưới, khoảng leeway mỗi bên xấp xỉ 2mm trong khi ở hàm trên con số này trung bình là 1,5mm mỗi bên.
Theo nhiều nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng có nhóm chứng, nếu không điều trị can thiệp gì để giữ khoảng leeway, R6 hầu như luôn di gần vào khoảng trống này và làm giảm chu vi cung răng. Giữ khoảng leeway trong giai đoạn bộ răng hỗn hợp sẽ giúp hạn chế sự di và nghiêng gần của răng cối vào khoảng này, giúp tăng nhẹ chiều dài và chiều rộng cung răng, ngăn ngừa răng cối hàm dưới nghiêng về phía lưỡi.
Trong chỉnh hình can thiệp sớm tình trạng chen chúc răng, nếu duy trì được chu vi cung răng ở thời điểm thích hợp có thể giúp giải quyết được tình trạng chen chúc trung bình (≤ 5mm) mà không làm nghiêng chìa các răng trước, không phải mài mặt bên răng thậm chí làm giảm khả năng nhổ răng vĩnh viễn sau này. Thêm vào đó, độ ổn định của răng cửa hàm dưới có vẻ tốt hơn khi được điều trị giữ khoảng bằng cung lưỡi thụ động.
Nghiên cứu của Gianelly (1995) cho thấy có khoảng 83% trường hợp bệnh nhân sai khớp cắn hạng I và hạng II có mức độ chen chúc răng trung bình (từ 4-5 mm) có thể được điều trị bằng cách này.
Cùng quan điểm như trên, theo Nanda có thể có được 2,5 mm mỗi bên ở hàm dưới để làm thẳng cung răng chỉ đơn giản bằng cách giữ R6 hàm dưới không di gần trong giai đoạn trể của bộ răng hỗn hợp. Nghiên cứu của Dugoni (1995) cho thấy 76% bệnh nhân có răng cửa hàm dưới thẳng hàng chỉ với điều trị bằng cung lưỡi thụ động ở bộ răng hỗn hợp và kết quả ổn định sau 9 năm duy trì.
Theo Gianelly có thể sử dụng khoảng E (kích thước G-X của RCS II) là một cách đơn giản hóa khoảng leeway vì tổng kích thước G-X của R3 và R4 vĩnh viễn gần bằng tổng kích thước G-X của R3 và R4 sữa.