Parkinson (bệnh liệt rung) là một bệnh lý thoái hóa thần kinh khiến bệnh nhân bị rối loạn vận động, đi đứng run rẩy và hoạt động rất khó khăn. Đặc biệt sau 7-8 năm, khi thuốc điều trị giảm tác dụng, tình trạng bệnh gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh.
Năm 2012, phương pháp kỹ thuật kích thích não sâu lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh ở giai đoạn nặng, không đáp ứng với thuốc. Đây là một kỹ thuật đã được các nước Âu Mỹ sử dụng từ năm 1998. Và hiện nay các nước Châu Âu và Hoa Kỳ đã khuyến cáo sử dụng kỹ thuật này để điều trị bệnh Parkinson ở giai đoạn không đáp ứng với thuốc, loạn trương lực cơ toàn thể và run vô căn không đáp ứng với thuốc. Kỹ thuật này cũng đang được nghiên cứu tại Hoa Kỳ để điều trị một số rối loạn tâm thần thần kinh như trầm cảm nặng, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, đau kháng thuốc và cả động kinh.
Bệnh Parkinson thường gặp ở người sau 65 tuổi, với tỷ lệ khoảng 1%. Bệnh có biểu hiện là do sự thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh Dopamin, làm cho một vài nhân trong não bị tăng hoạt động, ức chế các cử động bình thường và gây nên các vận động bất thường. Trong bệnh này, bệnh nhân có các triệu chứng bất thường như run rẩy chân tay, chậm chạp và cứng đơ.
Từ trước tới giờ bệnh nhân được sử dụng Levodopa để bổ sung chất dẫn truyền thần kinh Dopamin. Tuy nhiên thuốc này thường chỉ có hiệu quả trong những năm đầu của bệnh. Sau 7-8 năm, thậm chí sớm hơn thì thuốc không còn tác dụng nhiều nữa và gây cho bệnh nhân các biến chứng như xáo trộn vận động hay loạn động, bệnh nhân có những cử động bất thường nặng hơn, thậm chí có lúc bị cứng đờ không cử động được. Đối với những bệnh nhân này thì kỹ thuật đặt điện cực vào một số nhân ở trong não sẽ cải thiện rõ rệt các triệu chứng như run rẩy, cứng đơ, chậm chạp vận động.
Lúc này, nếu người bệnh được điều trị bằng kỹ thuật kích thích điện não sâu sẽ giúp giảm đi những rối loạn vận động khoảng 70-80%.
Kỹ thuật kích thích não sâu được thực hiện trong lúc bệnh nhân còn tỉnh, hợp tác thực hiện được y lệnh phẫu thuật và kéo dài từ 4 – 6h.
Quy trình thực hiện gồm các bước sau:
Bước 1: Bệnh nhân được cố định đầu bằng một khung lập thể (Stereotaxy)
Bước 2: Chụp cộng hưởng từ và CT scan sọ não bệnh nhân và xử lý qua vi tính để xác định đúng vị trí các nhân trong não đã gây ra những triệu chứng bệnh Parkinson (nhân hạ đồi hay nhân cầu nhạt phần trong).
Bước 3: Gắn điện cực thăm dò qua hướng dẫn của hình ảnh CT và MRI. Khi điện cực chạm đến vị trí của nhân não gây triệu chứng Parkinson, các tế bào thần kinh tại đó sẽ phát ra tín hiệu đặc biệt. Các tín hiệu này sẽ được xác định qua âm thanh, hình ảnh trên máy vi tính đặc hiệu.
Bước 4: Bác sĩ thần kinh sẽ cử động tay chân của người bệnh để kiểm tra lại có đúng vị trí chưa. Khi đó người ta sẽ dùng test kích thích một dòng điện có cường độ rất thấp để kiểm soát hoạt động của các nhân gây ra triệu chứng Parkinson này. Khi đã xác định đúng vị trí rồi, các bác sĩ sẽ đặt một điện cực vĩnh viễn và sau đó nối dây điện cực này với một pin phát xung điện cũng tương tự như đặt máy tạo nhịp tim trong bệnh lý loạn nhịp tim. Bệnh nhân mang pin này ở dưới da vùng ngực với các thông số thích hợp để điều chỉnh triệu chứng trở lại bình thường. Các triệu chứng run, cứng đờ, chậm vận động… của bệnh nhân sẽ được cải thiện ngay lập tức khi pin hoạt động.
Thời gian hoạt động của pin là 4-5 năm tùy theo cường độ dòng điện nhiều hay ít đối với loại pin không sạc lại được nhưng đã cải thiện cuộc sống cho bệnh nhân rất nhiều, hiện nay có loại pin có thể sạc lại được do đó thời gian sử dụng có thể đến 1o năm
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – TP.HCM là đơn vị đầu tiên của Việt Nam thực hiện kỹ thuật này. Năm 2012, bệnh viện bắt đầu triển khai đặt điện cực não cho 2 bệnh nhân Parkinson không còn đáp ứng với trị liệu bằng thuốc, với sự giúp đỡ của bác sĩ phẫu thuật thần kinh Pháp. Trong 2 năm 2012 – 2013, bệnh viện đã phẫu thuật kích thích não sâu cho 9 trường hợp Parkinson giai đoạn nặng, 1 trường hợp loạn trương lực toàn thể và 1 trường hợp run rất nặng không đáp ứng với thuốc. Tất cả đều có kết quả tốt không có biến chứng nào. Các bệnh nhân Parkinson được giảm liều thuốc 60 – 80% và quan trọng là các biến chứng vận động hay loạn động ở giai đoạn tiến triển của bệnh giảm hẳn. Còn bệnh nhân loạn trương lực và bệnh run cũng cải thiện rất tốt. Việc điều chỉnh và theo dõi bệnh nhân sau phẫu thuật hoàn toàn do các bác sĩ thần kinh của bệnh viện thực hiện. Những năm sau đó các bác sĩ của bệnh viện hoàn toàn tự chủ trong việc thực hiện phẫu thuật này. Từ khi triển khai đã có hơn 50 ca phẫu thuật kích thích não sâu được thực hiện tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương
Chi phí cho phẫu thuật kích thích não sâu khoảng 600 đến 800 triệu đồng, hiện nay quỹ BHYT chưa chi trả hệ thống kích thích (gồm điện cực và pin). Phần lớn là chi phí của hệ thống dây dẫn, hệ thống pin phát xung điện. Tuy nhiên chi phí này chỉ bằng một nửa so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và rẻ hơn nhiều so với khi thực hiện tại các nước Âu Mỹ. Hơn nữa, sau khi phẫu thuật còn phải điều chỉnh pin nên người bệnh không phải ra nước ngoài điều chỉnh, trước đây rất tốn kém nhưng hiện nay thực hiện trong nước sẽ giảm đi rất nhiều.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh