Khi nào trẻ nên bắt đầu đánh răng?

Giữ gìn sức khỏe răng miệng cho trẻ nhỏ là điều vô cùng quan trọng. Đối với nhiều bậc cha mẹ, điều này có thể thực sự khó khăn trong việc đánh giá tình trạng sức khỏe răng miệng của con, cũng như gây dựng cho con những thói quen và hành vi có lợi. Thường gặp nhất là nhiều phụ huynh muốn ngăn ngừa sâu răng cho trẻ, nhưng không phải lúc nào họ cũng biết làm cách nào là tốt nhất. Hãy tìm hiểu một số hướng dẫn trong bài viết dưới đây.

Khi nào trẻ nên bắt đầu đánh răng?

Chăm sóc răng miệng tốt đồng nghĩa với việc bắt đầu từ khi chiếc răng đầu tiên của trẻ xuất hiện. Đôi khi, không phải vì không thể nhìn thấy những chiếc răng này mà các cha mẹ có suy nghĩ là chưa cần thiết phải chăm sóc răng miệng. Răng bắt đầu hình thành trong quý thứ hai của thai kỳ. Khi mới sinh, bé có 20 chiếc răng chính, một số chiếc đã phát triển đầy đủ trong xương hàm.

Dưới đây là những thời điểm và cách chăm sóc ngay từ đầu cho những chiếc răng tí hon này:

  • Ngay cả trước khi bé bắt đầu mọc răng, hãy dùng khăn ẩm và sạch và lau nướu của bé để loại bỏ vi khuẩn có hại.
  • Khi trẻ mọc răng, cha mẹ nên hãy chải răng cho trẻ bằng bàn chải dành riêng cho bé. Hãy dùng nước sạch và một chút kem đánh răng có chứa fluor (cỡ hạt gạo).
  • Khi những chiếc răng của bé đã phát triển dần và chạm vào nhau, cha mẹ có thể bắt đầu dùng chỉ nha khoa.
  • Khoảng 2 tuổi, trẻ nên học cách súc miệng và nhổ ra khi đánh răng. Trẻ từ 3 tuổi trở lên chỉ nên sử dụng một lượng kem đánh răng bằng hạt đậu (kem đánh răng có chứa fluor).
  • Luôn giám sát trẻ dưới 8 tuổi trong khi đánh răng, vì trẻ có khả năng nuốt phải kem đánh răng.

Ngay cả trẻ trong giai đoạn sơ sinh, răng cũng có thể bị sâu. Việc đặt trẻ tư thế ngủ và bú bình có thể gây hại cho răng. Đường từ nước trái cây, sữa công thức hoặc sữa lưu lại trên răng trong nhiều giờ có thể ăn mòn men răng. Khi sâu răng xảy ra, các răng cửa có thể bị ảnh hưởng đầu tiên và bị đổi màu, tạo thành các lỗ sâu. Trong những trường hợp nghiêm trọng, răng sâu có thể cần phải được nhổ bỏ.

Khi trẻ được 6 tháng tuổi, trẻ có thể chuyển từ bình sữa sang cốc sippy (có ống hút hoặc vòi cứng). Điều này giúp ngăn chất lỏng đọng lại quanh răng của trẻ. Vào sinh nhật đầu tiên, chúng sẽ có các kỹ năng vận động và phối hợp để sử dụng cốc một mình.

 

Khi nào trẻ em nên đi khám nha sĩ?

Theo Hiệp hội đa khoa Hoa Kỳ, khuyến nghị đưa ra là trẻ nhỏ nên gặp nha sĩ trước ngày sinh nhật đầu tiên. Ở lần khám đầu tiên này, nha sĩ sẽ giải thích các kỹ thuật đánh răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách. Bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra răng miệng bằng cách đặt bé ngồi trên đùi và có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ.

Những lần thăm khám sớm này có thể giúp phát hiện sớm các vấn đề về răng miệng ở trẻ và giúp trẻ quen với việc đến gặp nha sĩ để bớt sợ hãi khi đi khám những lần tiếp theo. Bạn cũng nên cân nhắc đưa trẻ đến nha sĩ chuyên điều trị có kinh nghiệm. Các nha sĩ nhi khoa được đào tạo để xử lý nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe răng miệng của trẻ. Đồng thời, sự tư vấn của các chuyên gia cũng rất hữu ích và có thể hỗ trợ xử trí trong những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như phối hợp với bác sĩ chỉnh nha để điều chỉnh tình trạng hô hay móm quá mức, hoặc bác sĩ phẫu thuật răng miệng để điều chỉnh lại khung hàm ở trẻ.

Nếu trẻ có nguy cơ bị sâu răng hoặc các vấn đề răng miệng khác, nha sĩ có thể bắt đầu bôi fluoride tại chỗ ngay cả trước khi tất cả các răng mọc. Florua làm cứng men răng, giúp ngăn ngừa bệnh răng miệng phổ biến nhất ở trẻ em - sâu răng.

 

Làm thế nào cha mẹ có thể ngăn ngừa sâu răng?

Sâu răng xảy ra khi vi khuẩn và thức ăn còn sót lại trên răng sau khi ăn không được chải sạch. Acid từ thực phẩm và vi khuẩn tích tụ trên răng, làm mềm men răng cho đến khi hình thành các lỗ sâu. Dưới đây là cách để ngăn ngừa sâu răng:

  • Bắt đầu xây dựng thói quen tốt cho trẻ về bảo vệ sức khỏe răng miệng từ sớm. Dạy trẻ chải răng ít nhất hai lần một ngày với kem đánh răng có chứa fluor và dùng chỉ nha khoa thường xuyên.
  • Dùng kem đánh răng chứa florua. Sử dụng florua thường xuyên sẽ làm cứng men, khiến acid khó xâm nhập hơn. Hầu hết các loại kem đánh răng đều có chứa florua. Tuy nhiên, hãy cẩn thận vì quá nhiều florua có thể gây đổi màu răng. Tham khải ý kiến nha sĩ kỹ lưỡng về vấn đề này.
  • Hạn chế hoặc tránh một số loại thực phẩm. Thực phẩm có đường, nước trái cây, kẹo, bánh ngọt… thể làm mòn men răng và gây sâu răng. Nếu trẻ ăn những thức ăn này, hãy cho trẻ súc miệng hoặc đánh răng sau khi ăn.
  • Khi răng vĩnh viễn của trẻ mọc lên, nha sĩ có thể giúp ngăn ngừa sâu răng bằng cách thoa một lớp nhựa chất trám lên các răng hàm - nơi thực hiện hầu hết các hoạt động nhai. Lớp trám bảo vệ giúp vi khuẩn không lắng đọng trong các kẽ hở khó tiếp cận của răng hàm. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia, và điều ưu tiên vẫn là cần đảm bảo việc đánh răng tốt và dùng chỉ nha khoa thường xuyên.

 

Những vấn đề nha khoa nào có thể xảy ra?

Nếu cha mẹ dễ bị sâu răng hoặc mắc bệnh về nướu răng, trẻ cũng có thể có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Vì vậy, đôi khi ngay cả những thói quen đánh răng và dùng chỉ nha khoa dù chuẩn nhất cũng không thể ngăn ngừa sâu răng. Do vậy, tham khảo ý kiến chuyên gia ngay nếu trẻ kêu đau răng, vì đó có thể là dấu hiệu của sâu răng cần điều trị.

Các loại vật liệu trám răng mới mang đến cho các nha sĩ nhi khoa nhiều lựa chọn trám và sửa chữa hơn bao giờ hết. Hiện nay, các vật liệu như nhựa composite đang trở nên phổ biến. Các vật liệu này kết dính với răng để miếng trám không bị bung ra ngoài và cũng có thể được sử dụng để phục hình răng bị tổn thương do chấn thương hoặc các tình trạng như hở hàm ếch. Các vật liệu này cũng có màu giống với màu răng nên chúng được tin dùng.

Nhưng trong trường hợp răng sữa bị gãy, sâu hoặc dị dạng, nha sĩ thường lựa chọn các vật liệu bằng thép không gỉ hoặc sứ. Các dụng cụ này giúp duy trì răng đồng thời ngăn sâu răng lan rộng. Trong một số trường hợp hiếm gặp, một quy trình nha khoa phức tạp hơn có thể phải thực hiện gây tê hoặc gây mê. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia một cách kỹ lưỡng nhất.

Một điều không thể bỏ qua là hãy kiểm tra thường xuyên và vệ sinh răng miệng tốt cho trẻ, để có thể hạn chế tối đa sự can thiệp cần phải có của các dụng cụ hỗ trợ nha khoa. Ngoài ra, hãy khuyến khích trẻ sử dụng dụng cụ bảo vệ miệng khi chơi thể thao, giúp ngăn ngừa các chấn thương răng miệng nghiêm trọng.

 

Tổng kết

Chăm sóc răng miệng là điều vô cùng quan trọng và cần thiết, dù ở bất cứ thời điểm nào đi chăng nữa. Khi trẻ lớn dần lên, hãy lên kế hoạch kiểm tra răng miệng định kỳ từ 3 tháng một lần đến 1 năm một lần, tùy thuộc vào khuyến nghị của nha sĩ. Tạo thói quen tốt cho trẻ ngay từ khi còn bé, đồng thời duy trì chế độ ăn uống và vận động lành mạnh, kiểm tra các loại thực phẩm có chứa đường, khuyến khích đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên… Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ khi có bất cứ dấu hiệu nào đáng lo ngại để có thể được tư vấn và xử trí kịp thời, hiệu quả nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top