Loét miệng ở trẻ nhỏ là gì?

Loét miệng ở trẻ nhỏ là gì?

Vết loét vùng miệng là những vết loét thông thường xuất hiện bên trong miệng, trên vùng da không tiếp giáp với xương chẳng hạn như bên trong môi và má hoặc phía dưới lưỡi. Các vết loét có thể gây khó khăn cho việc ăn uống của trẻ, khiến trẻ đau đớn, quấy khóc và có thể sốt. Vết loét còn được gọi là loét áp-tơ miệng.

Loét miệng thường có tính chất gia đình, và không lây từ người sang người.

 

Triệu chứng của loét miệng ở trẻ nhỏ là gì?

Các triệu chứng của loét miệng ở trẻ nhỏ bao gồm:

  • Ngứa tại vị trí loét vài ngày trước khi vết loét xuất hiện
  • Vết loét bắt đầu xuất hiện dưới dạng một đốm tròn màu vàng nhạt, nổi lên trên một quầng màu đỏ
  • Vết loét cuối cùng phát triển thành một vết hình lỗ, với lớp vỏ mỏng màu trắng, vàng hoặc xám
  • Vết loét có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc thành từng đám

Ở trẻ mới mọc răng và trẻ nhỏ, loét miệng có thể khiến trẻ bỏ ăn và có các biểu hiện khó chịu. Một số trẻ có thể bị sốt, sưng hạch bạch huyết và mệt mỏi.

 

Nguyên nhân gây ra vết loét

Nguyên nhân gây ra vết loét vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố có thể gây ra tình trạng này bao gồm:

  • Chế độ ăn uống
  • Tổn thương vùng miệng
  • Căng thẳng tinh thần
  • Thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng (acid folic, vitamin B12, sắt)
  • Nhiễm trùng vùng miệng
  • Chu kỳ kinh nguyệt
  • Dị ứng
  • Phản ứng thuốc

Đôi khi, tình trạng loét miệng có thể xuất hiện nhiều hơn ở trẻ có hệ miễn dịch yếu, song cũng có thể xảy ra với tần suất lớn ở cả những trẻ có hệ miễn dịch bình thường. Nhìn chung, hầu hết các trường hợp đều chưa xác định được nguyên nhân.

 

Điều trị tình trạng loét miệng cho trẻ

Đối với tình trạng loét miệng, không có cách để chữa trị. Chúng sẽ tự biến mất mà không cần điều trị gì trong vòng 1 đến 2 tuần. Tuy nhiên, các biện pháp can thiệp có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng, giúp trẻ cảm thấy đỡ đau hơn. Một số mẹo bao gồm:

  • Tránh cho trẻ ăn các thức ăn có tính acid, cay hay cứng (có thể va chạm và gây đau), ví dụ như khoai tây chiên, đồ ăn nhiều muối, chanh hay cà chua…
  • Không nên sử dụng kem đánh răng hay nước súc miệng có chứa SLS (Sodium lauryl sulfate)
  • Không chải răng quá mạnh
  • Dùng các bàn chải lông mềm
  • Tránh nước ngọt

Hầu hết tình trạng loét miệng có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu các bậc phụ huynh thấy tình trạng ở trẻ nặng nề hơn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày, hãy cân nhắc đến khám tại cơ sở y tế. Các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh cũng như các vấn đề đang gặp phải của trẻ bao gồm:

  • Chế độ ăn thiếu cân bằng, thiếu vitamin
  • Bệnh lý răng miệng tiềm ẩn
  • Tình trạng nghiêm trọng nếu vết loét lâu hơn 10 ngày

Bác sĩ cũng có thể chỉ định bôi kem hoặc gel steroid chống viêm để giúp vết thương mau lành.

 

Tổng kết

Loét miệng ở trẻ nhỏ là một tình trạng có thể gặp phải ở bất cứ ai, với nhiều yếu tố nguy cơ. Bệnh chưa rõ nguyên nhân và cũng không có biện pháp điều trị triệt để, song tự khỏi sau từ 1 đến 2 tuần. Các bậc phụ huynh nên lưu ý các mẹo để giúp trẻ đỡ đau hơn, cũng như nên tham khảo ý kiến tư vấn từ chuyên gia nếu tình trạng này kéo dài và có kèm theo các dấu hiệu bệnh lý khác.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top